Đưa cuộc vận động học, làm theo Bác trở thành nếp sống
(Dân trí) - Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đánh giá, những chuyển biến của mỗi người, mỗi cơ quan, đến sự phát triển chung của mỗi ngành, lĩnh vực và cả nước đã nói lên giá trị to lớn của cuộc vận động học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Sáng 12/12, Hội nghị Tổng kết 4 năm cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được tổ chức tại Hà Nội. Đến dự Hội nghị có Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng…
Trình bày báo cáo tổng kết cuộc vận động, ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động đánh giá, cuộc vận động đã tạo ra các chuyển biến rõ nét về nhận thức trong Đảng, trong xã hội về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Qua cuộc vận động, đa số cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của đạo đức trong đời sống xã hội; trách nhiệm tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức của mỗi người…
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh gặp gỡ đại biểu trong giờ nghỉ
Cuộc vận động đã đi vào đời sống, bước đầu tạo chuyển biến trong việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong đó, nét nổi bật nhất là ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, quyết tâm vượt qua những khó khăn thách thức đã thể hiện khá rõ.
Trong điều kiện tình hình quốc tế và trong nước những năm qua có nhiều diễn biến phức tạp, nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá (bình quân 6,9%/năm), đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Cũng theo ông Tô Huy Rứa, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có những chuyển biến khá rõ rệt. Tại nhiều địa phương, cơ sở, các giải pháp tiết kiệm tài sản công, hạn chế hoặc tạm dừng xây dựng trụ sở cơ quan, mua sắm xe con được quan tâm chỉ đạo và thực hiện kiên quyết.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, phòng, chống quan liêu, tham nhũng có bước chuyển biến tích cực. Các bộ, ban, ngành, địa phương đều có những chuyển biến khá rõ trong việc rà soát, huỷ bỏ nhiều quy định hành chính không cần thiết, gây nhiều phiền nhiễu đối với nhân dân, rút ngắn thời gian giải quyết các công việc hành chính.
Tại Hội nghị, ông Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị và bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước đã trao tặng Huân chương Lao động cho 59 tập thể điển hình của cuộc vận động. |
Tuy nhiên, theo ông Tô Huy Rứa, đánh giá nghiêm túc có thể thấy, qua 4 năm triển khai cuộc vận động cũng còn những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục.
Cụ thể, trong hoạt động chỉ đạo và triển khai cuộc vận động, việc tổ chức học tập các chủ đề về tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hàng năm còn chậm và thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức cụ thể ở một số nơi còn mang tính hình thức.
Thực hiện đưa nội dung tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào chương trình, sách giáo khoa, các hoạt động ngoại khoá trong các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục còn chậm, chỉ đạo thiếu kiên quyết, kết quả không đồng đều. Công tác tuyên truyền về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, về cuộc vận động và các tấm gương điển hình học tập và làm theo Bác chưa được thường xuyên, liên tục…
Thêm nữa, sự chuyển biến về nhận thức chưa thực sự sâu sắc, bền vững. Việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chưa trở thành phong trào tự giác, sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức. Vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt chưa được thể hiện rõ… Kỷ luật, kỷ cương chậm được chấn chỉnh; hiện tượng thoái hoá biến chất về đạo đức của một vài cán bộ lãnh đạo gây tác động xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến kết quả cuộc vận động.
Ông Tô Huy Rứa cho rằng, những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại trong 4 năm qua đã mang lại những kinh nghiệm thấm thía và sâu sắc.
Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động đánh giá, những thành tích đạt được của đất nước, của mỗi cơ quan, đơn vị trong những năm qua có đóng góp quan trọng của cuộc vận động này.
Theo Tổng Bí thư, không thể thống kê, lượng hoá cuộc vận động, nhưng những chuyển biến của mỗi người, mỗi cơ quan, đến sự phát triển chung của mỗi ngành, lĩnh vực và cả nước đã nói lên giá trị to lớn và hiệu quả thiết thực của cuộc vận động.
Tổng Bí thư yêu cầu, phải làm cho cuộc vận động lan toả, thấm dần, bám rễ vững chắc trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, mỗi gia đình, người dân, trở thành lối sống đẹp… “Nếu bất kỳ đơn vị, dịa phương, cơ quan có những điển hình tốt như những điển hình của hội nghị này thì cuộc vận động trở thành nếp sống hàng ngày của chúng ta”, Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư cũng cho rằng, trong chỉ đạo và thực hiện cần xác định, đây là cuộc vận động lâu dài, tránh tâm lý nôn nóng, kỳ vọng quá nhiều, nhưng mặt khác cần khắc phục tâm lý cầm chừng, hoài nghi, bàng quan.
Theo Tổng Bí thư, cần tiếp tục điều chỉnh nội dung, phương pháp thực hiện cuộc vận động. Tiếp tục huy động các ban, ngành của hệ thống chính trị tham gia cuộc vận động.
Các cơ quan nhà nước, đoàn thể phải coi việc thực hiện cuộc vận động là tiêu chí bắt buộc với công chức, viên chức, hội viên, coi đó là một trong những tiêu chuẩn bình xét thi đua.
Về công tác chỉ đạo điểm, cần chọn đúng và trúng, đồng thời tăng cường kiểm tra đôn đốc đúc rút kinh nghiệm để từ đó nhân ra diện rộng. Quan tâm xây dựng các điển hình của cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người thường xuyên tiếp xúc, phục vụ nhân dân, những người quản lý tài sản, tài chính, đất đai, công sản.
Theo Tổng Bí thư, qua 4 năm thực hiện cuộc vận động đã có đủ cơ sở thực tiễn, lý luận để báo cáo với Đại hội đảng XI và xin ý kiến Đại hội về quyết tâm chính trị, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động và coi việc học tập là công việc thường xuyên của cán bộ, đảng viên…
Kim Tân