1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Học Bác từ việc đời thường

Với suy nghĩ học và làm theo Bác không chỉ ở những việc to tát mà còn từ những việc nhỏ đời thường hằng ngày, ngay khi thoát nghèo, anh đã tìm cách giúp đỡ người khác.

Sùng A Phủ, trưởng bản Hô Bon, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên - Lai Châu, cho biết trước đây, gia đình anh và nhiều hộ gia đình người HMông khác ở Phúc Khoa rất nghèo. Ở đây, người dân sống theo kiểu có gì dùng nấy bên cạnh nhiều hủ tục.
 
Từ năm 2007, sau khi được tiếp cận nội dung các chuyên đề cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, anh đã tích cực lao động, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, xóa bỏ những hủ tục...
 
Làm giàu trước đã!
 
“Từ khi thấm nhuần việc học và làm theo Bác, tôi nghĩ mình phải bắt đầu từ việc nhỏ đời thường, trước hết là phải thoát nghèo mới có điều kiện giúp đỡ người khác. Phải làm giàu trước đã!” - A Phủ tâm sự.
 
Bắt đầu tìm cách làm giàu, anh học hỏi bạn bè, nghiên cứu sách vở, tìm hiểu thông tin trên báo chí để định hướng làm ăn rồi vận động các thành viên trong gia đình tăng gia sản xuất. “Tôi quyết tâm thay đổi cuộc đời bằng cách mạnh dạn vay vốn để phát triển chăn nuôi, trồng trọt” - A Phủ kể.
 
Học Bác từ việc đời thường - 1
Anh Sùng A Phủ, một trong các cá nhân tiêu biểu tham dự hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
 
Với số vốn 15 triệu đồng ban đầu, A Phủ mua 10 con dê, 1 con trâu. Biết ở Sa Pa - Lào Cai trồng thảo quả đem lại lợi nhuận cao, anh dùng 3 triệu đồng còn lại sang mua giống về trồng. Đến nay, gia đình A Phủ đã có trên 100 con dê, 12 con trâu, 10 ha rừng thảo quả. Hằng năm, gia đình anh thu được khoảng 130-150 triệu đồng.
 

Thực chất, hiệu quả hơn

 
Hôm nay, 12/12, hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sẽ khai mạc tại Hà Nội với khoảng 600 đại biểu và khách mời tham dự. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về những mặt được và chưa được, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để đưa cuộc vận động đi vào cuộc sống. Hội nghị sẽ tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong việc hưởng ứng cuộc vận động.
Năm 2008, được Nhà nước phổ biến về việc trồng rừng phòng hộ, A Phủ đã nhận trồng 10,78 ha, thu nhập 3 triệu đồng/ha. Theo đà ấy, năm 2009, anh tiếp tục đăng ký nhận 20 ha rừng sản xuất.
 
Thấy việc trồng rừng đem lại thu nhập tốt, bảo đảm đời sống, A Phủ đã đứng ra vận động 124 hộ trong bản cùng trồng để phủ xanh đất trống, đồi trọc. Anh khoe: “Tôi còn thành lập một tổ bảo vệ rừng và PCCC, hằng năm không để xảy ra cháy rừng vào mùa khô”.
 
Thực hiện lời Bác dạy về lòng thương người “như thể thương thân”, khi kinh tế gia đình đã khá giả, A Phủ nhận nuôi 2 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, chăm lo cho các cháu ăn học đầy đủ.
 
“Bố mẹ mất khi các cháu còn nhỏ, chú ruột thì không nhận nuôi. Là hàng xóm, thấy các cháu chỉ bằng tuổi con mình mà đã sớm cô độc, cực khổ, tôi không đành lòng nên liền nhận nuôi để chúng ăn học nên người. Đến nay, cháu Sùng A Bâu đã học lớp 5, còn cháu Sùng Thị Phai đã lên lớp 2. Các cháu rất ngoan” - anh tâm sự.
 
Lo cho trẻ đến trường
 
Với vai trò trưởng bản, A Phủ thường xuyên vận động các thành viên trong gia đình và người dân chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng. Anh cho biết: Pháp luật của Nhà nước; không nghe, không tin kẻ xấu; ổn định chỗ ở, làm ăn phát triển kinh tế để xóa đói nghèo; xóa bỏ tệ nạn xã hội, hủ tục, mê tín dị đoan...
 
“Tôi hiểu muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn thì phải biết kế hoạch hóa gia đình. Vì vậy, gia đình tôi quyết tâm thực hiện đúng quy định của Nhà nước, chỉ sinh 2 con để có điều kiện nuôi dạy chúng ăn học đầy đủ và vận động mọi người cũng thực hiện như mình” - A Phủ cho biết.
 
Học theo gương Bác, A Phủ nhận thấy trẻ em cần phải được chăm lo việc học hành. Năm 2008, anh vận động bà con trong bản đóng góp 50.000 đồng/hộ để thuê máy san ủi mặt bằng xây dựng Trường Tiểu học Hô Bon.
 
Tỉ lệ học sinh đến trường này ngày càng tăng khiến anh rất phấn khởi. Anh cho biết: “Năm 2009, tôi đã hiến 5.000 m2 đất để xây dựng Trường Mầm non Hô Bon. Đến nay, nhiều con em trong bản được đi học, có trường lớp khang trang, sạch đẹp, tôi rất mừng”.
 
Từng trải qua nên A Phủ rất thấu hiểu cảnh đói rét của người nghèo. Hằng năm, anh đã giúp đỡ các hộ Giàng A Nắng, Hạng A Mình, Hạng A Páo... có đủ cơm ăn vào những ngày giáp hạt, đủ áo ấm mặc vào mùa đông. A Phủ hồn nhiên lý giải những việc làm của anh: “Truyền thống của người Việt Nam mình là lá lành đùm lá rách, huống hồ chúng tôi cùng bản, cùng tộc người với nhau”.
 
Theo Nguyễn Quyết
Báo Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm