1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đưa cụ Rùa trở lại Hồ Gươm trong tuần này

(Dân trí) - Chiều 7/6, cụ Rùa đã được đưa thử từ “khu điều dưỡng” về môi trường hồ trong 1 giờ đồng hồ, tỏ ra thích nghi tốt. TS Bùi Quang Tề, trưởng nhóm chữa bệnh Rùa Hồ Gươm, cho biết cụ đã hoàn toàn bình phục và sẽ được trở lại hồ trong tuần này.

“Cụ phấn chấn thấy rõ”

TS Bùi Quang Tề khẳng định, quá trình chữa bệnh, dưỡng thương đã hoàn tất, cụ Rùa đã hoàn toàn bình phục. Sau 4 lần xét nghiệm tổng quát, nhóm chữa bệnh hội chẩn và kết luận cụ Rùa đã “sạch” mầm bệnh, trên thân mình không còn vết thương hở, không bệnh nội tạng. Chỉ có việc khôi phục lại sắc tố những vùng da bị lão hóa, mất màu xanh xám đặc trưng cần thêm nhiều thời gian.
 
Đưa cụ Rùa trở lại Hồ Gươm trong tuần này - 1
Chuyến "thăm nhà" của cụ Rùa chiều 7/6 rất tốt đẹp.

“Chúng tôi thống nhất, quyết định đề xuất UBND thành phố sớm đưa cụ Rùa trở lại môi trường hồ vì để lâu trong bể dưỡng không có lợi, giữa mùa hè nắng nóng” - ông Tề trao đổi.

Trưởng nhóm chữa bệnh cho biết, dù khu bể dưỡng đã được lắp đặt mái che, hệ thống phun sương làm mát vẫn khó khắc phục được mức nhiệt tăng cao của nước trong bể thời điểm giữa trưa. Từ đầu hè, những ngày nắng nóng tới 34-35 độ C, cụ Rùa đã tỏ ra rất khó chịu, liên tục bơi ra bơi vào cửa lồng dưỡng, như muốn tìm đường thoát ra khỏi bể.

“Đợt nắng nóng này được dự báo còn kéo dài một vài ngày nữa với nhiệt độ “đe” lên tới 37 độ C, chúng tôi rất lo” - TS Tề phân tích thêm. Theo tập tính loài rùa, khi bị đưa vào môi trường chật hẹp sẽ dừng, bỏ ăn. Cụ Rùa vẫn ăn đều đặn đã là quá tốt. Ông Tề nhấn mạnh cần đưa cụ trở lại hồ sớm nhất có thể.

Khi nhận được đề xuất của nhóm chữa bệnh, UBND thành phố đã yêu cầu thử nghiệm, chống sốc cho cụ Rùa trước khi trả về môi trường tự nhiên. Vì vậy, hôm qua 7/6, nhóm chữa bệnh đã cho bơm nước hồ vào bể điều dưỡng và cuối ngày, trong khoảng 17h30-18h30 đã đưa cụ Rùa xuống hồ (trong lồng) để thử phản ứng.

“Dưới hồ, cụ tỏ ra rất nhanh nhẹn, phấn khích. Trước khi đưa xuống, chúng tôi có nói vui: “Chữa bệnh xong rồi, hôm nay con cháu mời cụ về thăm “nhà”. Không mấy người đi bệnh viện lâu vậy, cụ chuẩn bị về nhà thôi”. Vậy là cụ rất cộng tác, vào lồng để chúng tôi đưa xuống hồ nhẹ nhàng” - ông Tề kể chuyện.

Việc thử phản ứng kết thúc tốt đẹp. UBND thành phố đã đồng ý với kế hoạch sẽ thả cụ Rùa trở lại môi trường Hồ Gươm trong tuần này.

Hồ Gươm đã trở lại đúng màu “lục thủy”
 
Đưa cụ Rùa trở lại Hồ Gươm trong tuần này - 2
TS. Tề (đứng thứ 3 từ trái sang) cùng nhóm chữa bệnh tại bể điều dưỡng.

Để chuẩn bị đưa cụ Rùa trở lại hồ, nhóm chữa bệnh đã cho thả thêm 6 vạn cá bột gồm trôi, mè, trắm, rô phi để làm nguồn thức ăn cho cụ Rùa. TS Bùi Quang Tề gạt đi lo ngại sau thời gian trị thương 64 ngày, cụ Rùa khó tự săn tìm thức ăn trong môi trường tự nhiên. Ông Tề phân tích, bản năng săn bắt mồi của cụ Rùa đã hình thành hàng trăm năm, cụ đã sống, tự lo chuyện kiếm “thực phẩm”, sinh tồn trong hồ, không dễ gì quên ngay.

Đánh giá về môi trường nước hồ, sau khi hút lớp bùn mặt dày vài chục cm và bơm nước sạch bổ sung vào hồ, độ sâu trung bình đã đạt 1,1-1,5m; TS Tề phân tích, so với tiêu chuẩn môi trường sống tốt cho cụ Rùa (từ 2m trở lên) thì Hồ Gươm vẫn chưa đạt nhưng chất lượng nước đã thay đổi tích cực hơn rất nhiều.

“Nước hồ đã trở về đúng màu “xanh green” như tên gọi hồ Lục Thủy thay vì màu “xanh blue” của tảo lam lúc ô nhiễm nặng” - ông Tề nói.

Để cải tạo triệt để môi trường hồ, thành phố dự kiến tiếp tục hút sục hàng mét lớp bùn sâu dưới đáy hồ theo công nghệ của Đức. Tuy nhiên, để thực hiện việc này cần thời gian dài, tới cuối năm. Ông Tề phân trần, việc đưa cụ Rùa trở lại hồ để trốn… mùa hè cần thiết phải thực hiện ngay. Cụ Rùa không thể chờ tới lúc việc cải tạo hoàn tất.

“Trước mắt, chất lượng nước hồ đã có thể đảm bảo. Vấn đề bùn dày, đọng khí, các chất độc hại sẽ ảnh hưởng tới cụ vào mùa đông hơn là mùa hè. Đưa cụ trở lại hồ rồi tính làm tiếp” - TS Tề chốt lại.

P.Thảo