1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Dự báo diễn biến trên Biển Đông để ứng phó trong tình huống xấu nhất”

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Doãn Khánh - Phó Ban nội Chính Trung ương cho rằng, cần phải đánh giá sát sao, dự báo tình hình phức tạp vấn đề Biển Đông để chủ động ứng phó với tình huống xấu nhất nếu có... Trong khi đó, đại biểu Dương Trung Quốc nhìn nhận, việc Trung Quốc xây đảo là một thảm họa lâu dài...

Thêm diễn biến trên biển, thêm bội chi, nợ nần

Trong buổi thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội chiều 25/5, nói về thực trạng kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2015, ngoài việc phân tích kỹ những vấn đề liên quan đến nông sản “được mùa, mất giá”, vốn đầu tư nước ngoài, nợ công… đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) - Phó Trưởng Ban nội Chính Trung ương, còn phân tích thêm những vấn đề liên quan đến tình hình Biển Đông.

Theo đại biểu Nguyễn Doãnh Khánh trong năm 2015, phải đánh giá, phân tích rõ hơn những biến động xấu của khu vực.

“Chúng ta biết, tình hình Biển Đông ngày càng nóng lên, có sự can thiệp của nhiều nước lớn. Việt Nam là một trong những nước nằm trực tiếp trong điểm nóng, có nguy cơ tiềm ẩn những bùng phát “nóng” hơn cả sự kiện giàn khoan trước đây” - đại biểu Nguyễn Doãnh Khánh phán đoán.
 
“Dự báo diễn biến trên Biển Đông để ứng phó trong tình huống xấu nhất”
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh phát biểu tại phiên thảo luận (ảnh: Quang Phong).

Từ những lo ngại trên, đại biểu Khánh cho rằng, trong báo cáo đánh giá về kinh tế - xã hội những tháng cuối năm phải đưa ra tình hình trên để cùng tính toán, ứng xử với vấn đề thuận lợi hơn.

Ông Khánh đề nghị tập trung tạo chuyển biến một số vấn đề, trong đó có việc đánh giá sát sao, dự báo tình hình phức tạp trên Biển Đông. “Phải dự báo, lên kịch bản để chúng ta chủ động ứng phó với tình huống xấu nhất, nếu có. Đặc biệt, là tác động trực tiếp của biển Đông đến phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm” - đại biểu Khánh nêu ý kiến.

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) khái quát, Biển Đông chưa lặng sóng. Những diễn biến trên biển vừa qua (việc giàn khoan Hải Dương 981 tái xuất trên biển, việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động cải tạo, bồi đắp, rầm rộ xây dựng các hạng mục quốc phòng trên các đảo…) cho thấy biến động thời gian tới còn nhiều. Tình hình trên biển sẽ bị chi phối bởi tham vọng lớn của các nước.

Ông Thụ bày tỏ lo ngại chuyện trên Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước. Đây là một thách thức lớn đối với yêu cầu bảo vệ chủ quyền và ổn định để phát triển.

Đại biểu phân tích cụ thể, năm 2014, Quốc hội đã phải quyết thêm khoản 16.000 tỷ đồng chi cho vấn đề Biển Đông trong bối cảnh ngân sách không dư giả gì, nợ công thì đang tăng cao, tiền thu được cần đầu tư cho phát triển, tiền trả nợ cũng khó thu xếp được, bội chi đã phải điều chỉnh từ 4,6 lên 5,3%. Thêm những khoản chi càng khiến việc thu chi ngân sách khó cân đối, là trở ngại đe dọa đến an ninh tài chính quốc gia.

“Vấn đề chủ quyền rõ ràng bức xúc quá, cần thiết quá nhưng ta đang không biết xử lý bằng cách nào. Bố trí nguồn chi cho việc này, Chính phủ lại phải đẩy nợ công, bội chi lên mà đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, sao trông đợi lâu dài được” – ông Thụ lo lắng.

Phản ứng chưa tương xứng 

Tại đoàn Đồng Nai, đại biểu Dương Trung Quốc cũng đề cập câu chuyện Trung Quốc xây đảo hiện nay. Ông Quốc đánh giá, từ khía cạnh những người làm sử, đây là một thảm họa lâu dài, khó đối phó. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về nội dung này lại mờ nhạt, chưa tương xứng, chưa làm các đại biểu, cử tri và dư luận yên tâm.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh, đoàn Hải Phòng (ảnh: Việt Hưng).
Đại biểu Trần Ngọc Vinh, đoàn Hải Phòng (ảnh: Việt Hưng).

Đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) trở lại với sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 cách đây 1 năm, đúng thời điểm Quốc hội họp kỳ họp đầu năm. Bà Dung nhận xét, thông tin tuyên truyền khi đó được tổ chức rất tập trung.

Với những diễn biến của năm nay, với động thái rầm rộ mở rộng đảo, lấn chiếm biển của Trung Quốc như vậy mà hoạt động tuyên truyền như hiện nay là rất hạn chế, chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Cùng nhận xét từ góc độ tác động kinh tế, bà Dung cảnh báo, diễn biến trên biển ảnh hưởng đến sự phát triển vì người dân, nhà đầu tư không yên tâm làm ăn.

Đại biểu đề nghị Chính phủ phải thường xuyên thông tin tới người dân về tình hình, diễn biến, những động thái trên biển. Dù tuyên bố hay hành động thế nào, quan trọng nhất là người dân phải biết chủ trương, quyết tâm thống nhất của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) quan tâm đến vấn đề từ khía cạnh triển khai chính sách dành cho ngư dân. Đại biểu cho rằng, chính sách, giải pháp mà Chính phủ dành cho ngư dân là rất tốt nhưng khâu thực hiện rất khó khăn, đạt hiệu quả không cao.

Theo đại biểu, chính sách cho ngư dân vay vốn, nhưng để tiếp cận nguồn tiền lại không phải dễ dàng. “Ngư dân ra khơi ngoài đánh bắt hải sản còn bảo vệ chủ quyền quốc gia. Do vậy, tôi đề nghị Chính phủ khẩn trương đánh giá lại chính sách cho ngư dân vay vốn để có giải pháp cụ thể cho vấn đề này”, đại biểu Trần Ngọc Vinh nêu kiến nghị.

Đề cập đến vấn đề hỗ trợ ngư dân, đại biểu Trần Văn (Cà Mau) đánh giá: “Sau một năm, một văn bản đặc biệt như vậy nhưng không phát huy được hiệu quả”. Đại biểu cho rằng, nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ ban hành rất đúng nhưng khâu thực thi ở các cấp quản lý nhà nước, cấp chính quyền trong đội ngũ cán bộ công chức làm giảm hiệu quả.

Phương Thảo – Quang Phong