1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Dự án Viện Thái y 350 tỷ đồng ở Huế "mắc kẹt" vì chưa có mặt bằng

Vi Thảo

(Dân trí) - Khu đất dự kiến xây dựng Viện Thái y Huế có số lượng mồ mả rất lớn, chưa được giải phóng mặt bằng nên dự án vẫn nằm trên hồ sơ.

Theo phản ánh của cử tri tỉnh Thừa Thiên Huế, Bệnh viện Y học cổ truyền của tỉnh này sau nhiều năm sử dụng đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, trong khi đó nhiệm vụ xây dựng và thành lập Viện Thái y Huế, trên cơ sở phát triển bệnh viện này chưa được triển khai thực hiện.

Về vấn đề này, ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, đến nay dự án chưa được thực hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Theo ông Hảo, sau khi sau Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Viện Thái y Huế, Sở Xây dựng tỉnh này đề xuất địa điểm thực hiện dự án tại một khu đất có diện tích 4ha tại phường An Tây (thành phố Huế).

Dự án Viện Thái y 350 tỷ đồng ở Huế mắc kẹt vì chưa có mặt bằng - 1

Thừa Thiên Huế có kế hoạch phát triển Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh thành Viện Thái y, với mức đầu tư 350 tỷ đồng (Ảnh: Vi Thảo).

Ông Hảo cũng cho biết, Ban Quản lý dự án đã phối hợp tổ chức lập quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ quy hoạch tổng thể mặt bằng dự án Viện Thái y Huế, với diện tích 4ha, trong đó giai đoạn 1 là 2ha.

Tuy nhiên, theo ông Hảo, đến tháng 6/2021, UBND thành phố Huế có công văn tham gia ý kiến hồ sơ chủ trương đầu tư dự án Viện Thái y Huế, nêu rõ quy mô diện tích đất 4ha nêu trên chưa phù hợp với định hướng đồ án Quy hoạch phân khu phường An Tây.

Dự án Viện Thái y 350 tỷ đồng ở Huế mắc kẹt vì chưa có mặt bằng - 2

Ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế (Ảnh: Vi Thảo).

Ông Hảo thông tin, trong năm 2021, Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế đã có báo cáo rà soát đề xuất địa điểm xây dựng trụ sở dự án Viện Thái y Huế.

Về việc này, theo ông Hảo, Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất bố trí Viện Thái y Huế tại khu đất có chức năng đất y tế thuộc đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) khu vực Đàn Nam Giao và vùng phụ cận, dự kiến quy mô hơn 4,5ha.

"Hiện trạng khu đất này có số lượng mồ mả rất lớn, chưa được giải phóng mặt bằng. Các tuyến giao thông quy hoạch xung quanh khu đất chưa được đầu tư. Vì vậy đến nay khu đất để đầu tư xây dựng Viện Thái y chưa có", Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế giải thích.

Trước đó, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống bệnh viện y học cổ truyền toàn quốc giai đoạn 2014-2025.

Trên cơ sở đó, tỉnh Thừa Thiên Huế định hướng phát triển Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh với mục tiêu khám chữa bệnh ngoại trú 200-250 lượt/ngày, điều trị 250 giường nội trú.

Năm 2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua nghị quyết phê duyệt danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó có dự án đầu tư xây dựng Viện Thái y Huế, với tổng mức đầu tư dự kiến 350 tỷ đồng. 

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đi vào hoạt động từ năm 1977. 

Hàng năm, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thừa Thiên Huế khám chữa bệnh ngoại trú cho 10.000-15.000 lượt người và chữa bệnh nội trú cho 2.200-3.000 lượt người.

Ông Hảo thông tin, năm 2023, bệnh viện đã được đầu tư 3,5 tỷ đồng để nâng cấp và sửa chữa. Cơ sở vật chất của bệnh viện sau khi được đầu tư, sửa chữa đã khang trang, sạch đẹp hơn, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm