Dự án vành đai 4 Hà Nội sẽ có mặt bằng "sạch" cuối năm 2023
(Dân trí) - Các địa phương phấn đấu sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 12/2023 để thực hiện Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Ngày 5/8, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Thường trực các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh về triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô (dự án).
Đề nghị kiểm toán dự án đầu tư song song với tiến độ triển khai xây dựng
Thảo luận tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện cho biết, trước đây, trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng thường chưa có sự phối hợp với các địa phương nên không đảm bảo liên thông các tuyến, không đảm bảo mặt cắt ngang với các tuyến. Rút kinh nghiệm, Hà Nội đã báo cáo Chính phủ để tập trung đầu tư dự án theo cơ chế đặc thù phối hợp giữa các địa phương.
"Thực tế cho thấy, địa phương nào tổ chức kết cấu hạ tầng giao thông liên tỉnh tốt, sẽ có điều kiện phát triển tốt. Điển hình như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh… có kết nối giao thông tốt với Hà Nội nên có điều kiện phát triển nhanh và bền vững" - ông Viện chia sẻ.
Cho rằng đây là công trình giao thông lớn có ý nghĩa quan trọng liên vùng, chưa có tiền lệ, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị với lãnh đạo TP Hà Nội cần có Ban chỉ đạo chung của 3 tỉnh thành, trong đó đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội là Trưởng ban chỉ đạo và có sự tham dự một số cơ quan trung ương liên quan để giúp cho cơ chế điều phối, thống nhất theo ban chỉ đạo chung.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn, đối với tỉnh, tư vấn đưa ra phương án tuyến đi vào khu công nghiệp Phố Nối A, tuy nhiên phương án này sẽ gây thiệt hại rất nặng nề, dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch khu công nghiệp của tỉnh. Vì vậy, Hưng Yên đề xuất dịch chuyển luồng tuyến theo hướng Tây, đi qua xã Đình Dù.
Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc nên tỉnh Hưng Yên đề xuất xem xét điều chỉnh lùi lại tiến độ. Tỉnh Hưng Yên cũng đề nghị Hà Nội, nghiên cứu cắm mốc giải phòng mặt bằng (GPMB) toàn tuyến sau đó bàn giao cho các địa phương thực hiện tạo sự thuận lợi và đồng bộ trên cả tuyến.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh đến, tiến độ GPMB sẽ hoàn thành 70% trong tháng 6/2023, phấn đấu hoàn thành xong công tác quan trọng này trong tháng 12/2023. Nếu GPMB xong, bàn giao đất "sạch", dự kiến công trình sẽ được thực hiện trong 36 tháng. Vì vậy, cấp ủy các địa phương phải chú trọng cho công tác GPMB để thực hiện dự án, bởi nếu chậm 1, 2 tháng là sẽ chậm tiến độ cả dự án.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 là dự án quan trọng quốc gia, quá trình thực hiện cần triển khai nhiều thủ tục với nhiều cơ chế chính sách đặc biệt. Do đó, Hà Nội đề nghị Kiểm toán Nhà nước đưa vào kế hoạch và thực hiện kiểm toán dự án đầu tư song song với tiến độ triển khai xây dựng công trình trong phạm vi cả 3 tỉnh, thành.
Các ý kiến tại hội nghị thể hiện sự thống nhất cao với các đề xuất, kiến nghị của Hà Nội, khẳng định quyết tâm với ý chí cao nhất cùng đồng sức, đồng lòng thực hiện Dự án vành đai 4 - Vùng Thủ đô; trong đó xác định giải phóng mặt bằng là khâu mở đầu quan trọng nhất, phấn đấu tháng 6/2023 hoàn thành 70% công việc và bàn giao toàn bộ mặt bằng vào tháng 12/2023.
Thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo vùng triển khai dự án
Để công tác phối hợp triển khai trong thời gian tiếp theo được chặt chẽ, thống nhất, thay mặt lãnh đạo 3 địa phương, phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã thống nhất lại 5 nội dung trong triển khai thực hiện.
Thứ nhất, Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô nằm trên địa bàn 3 tỉnh, TP (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) với các dự án thành phần do UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Hưng Yên và UBND tỉnh Bắc Ninh là cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền nên rất cần thiết thành lập Ban Chỉ đạo vùng triển khai dự án và kế hoạch cụ thể với phương châm rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ; việc hoàn thiện kế hoạch phải được thực hiện đồng thời và thống nhất phù hợp với Nghị quyết của Chính phủ đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình.
Thứ hai, việc đầu tư xây dựng dự án là quan trọng, tác động trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của 3 tỉnh, thành và các tỉnh trong Vùng Thủ đô. Vì vậy, ngoài kế hoạch phối hợp chung của 3 địa phương thì cần phải có kế hoạch riêng của từng tỉnh, thành; Ban Chỉ đạo của 3 địa phương cần chỉ đạo sâu sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Thứ ba, Dự án Vành đai 4 được chia thành các dự án GPMB, dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) trên địa bàn các tỉnh, thành phố và một dự án đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức PPP. Trên thực tế Hà Nội đã giao lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Vì vậy, Hà Nội cũng đề nghị tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh sớm giao đơn vị lập Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần mà mình được giao nhiệm vụ làm cơ quan chủ quản để Hà Nội có thể phối hợp, cập nhật hồ sơ.
Thứ tư, đây là dự án quan trọng quốc gia, quá trình thực hiện cần triển khai nhiều thủ tục với nhiều cơ chế chính sách đặc biệt, thậm chí có những thủ tục chưa có trong quy định của pháp luật. Theo đó thống nhất đề nghị cơ quan Kiểm toán Nhà nước đưa vào kế hoạch và thực hiện kiểm toán dự án song song với tiến độ triển khai xây dựng công trình. Giao UBND TP Hà Nội là đầu mối chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên để nghiên cứu đề xuất với Kiểm toán Nhà nước.
Thứ năm, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền hoặc phát sinh những vướng mắc liên quan đến nhiều địa phương đề nghị 3 tỉnh, thành cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất gửi UBND TP Hà Nội làm đầu mối để tổng hợp, kiến nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ.
Bí thư Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, tiến độ giải phóng mặt bằng với mục tiêu hoàn thành trước ngày 31/12/2023 là mốc thời gian rất quan trọng. Đây là dự án có tính chất bản lề, phải hoàn thành kịp tiến độ mới có thể khởi công dự án vào tháng 6/2024; đòi hỏi từng tỉnh, thành phố phải có quyết tâm chính trị rất cao để thực hiện.