Dự án Vành đai 2 TPHCM bất động gần 5 năm, nhà đầu tư khóc ròng vì lãi vay
(Dân trí) - Dự án vành đai 2 TPHCM đoạn nút giao Gò Dưa - Phạm Văn Đồng bị dừng thi công gần 5 năm. Đến nay, lãi vay phát sinh hơn 15 tỷ đồng mỗi tháng.
Những ngày qua, dự án vành đai 2 TPHCM đoạn Nút giao Gò Dưa - Phạm Văn Đồng nhận được nhiều thông tin tích cực khi Chính phủ và UBND TPHCM đang rốt ráo chỉ đạo việc tái khởi động dự án.
Cuối tháng 10, Thủ tướng ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, thì ngay đầu tháng 11, Công ty CP Văn Phú - Bắc Ái (nhà đầu tư dự án Vành đai 2 TPHCM) có đơn kiến nghị gửi Ban chỉ đạo để xin tháo gỡ vướng mắc, khôi phục hoạt động thi công.
Công trường bỏ hoang gần 5 năm
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, đoạn vành đai 2 từ nút giao Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng có khối lượng mặt bằng sạch khá lớn. Tuy nhiên, máy móc nằm im, han gỉ, rêu mốc phủ kín các phiến dầm bê tông. Một công trình giao thông cấp bách cho TP Thủ Đức, nhưng 5 năm qua chỉ để cỏ mọc.
Từ đầu đường mòn dẫn vào công trường, chính quyền phường Tam Bình đặt tấm biển "Nghiêm cấm đổ rác, xà bần" với mức phạt được cảnh báo từ 1 đến 2 triệu đồng. Tuy nhiên, như mọi công trường bị bỏ hoang khác, nơi đây ngập rác thải và phế liệu.
"Người dân đổ trộm rác hoài, chính quyền chạy tới chạy lui không ngăn được. Hễ rác nhiều quá, họ lại đốt. Cách đây vài tháng, họ đốt đống rác to, phải điều cả xe cứu hỏa xuống canh chừng", ông Nguyễn Văn Tiết (65 tuổi), hộ dân nhường đất cho dự án, kể với phóng viên.
Gia đình ông Tiết nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2018. Với phần đất còn lại, ông làm một căn nhà cấp 4 "siêu mỏng", nền nhà cao hơn mặt đất xung quanh cả mét, chờ khớp cao độ với đường Vành đai 2.
Nhưng sự chờ mong được đáp lại bằng nỗi thất vọng. Cách đây 5 năm, hoạt động thi công đình đốn, nhà thầu đưa máy móc đi. Cảnh công trường từng thi công rốt ráo, "công nhân đổ bê tông đến 12h đêm" trong ký ức của ông Tiết bỗng im lìm, biến thành bãi rác lúc trời tạnh và ao nước lềnh phềnh rác khi trời mưa.
Dự án Vành đai 2 chậm thông xe, phương tiện từ hướng ngã tư Gò Dưa phải chen chúc qua tuyến đường Tô Ngọc Vân nhỏ hẹp, ùn tắc triền miên để tiếp cận đường Phạm Văn Đồng, Khu công nghệ cao TPHCM...
Theo báo cáo của nhà đầu tư Văn Phú - Bắc Ái, dự án Vành đai 2 đoạn nút giao Gò Dưa - Phạm Văn Đồng được khởi công vào năm 2017 theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Đến nay, khối lượng xây lắp đã đạt 44% và khối lượng giải phóng mặt bằng đạt trên 90%.
Theo hợp đồng BT này, nhà đầu tư sẽ chịu chi phí giải phóng mặt bằng và thi công tuyến đường. Tổng mức đầu tư ước tính 2.765 tỷ đồng, gồm 944 tỷ đồng chi phí thi công và 1.821 tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng. Đổi lại, UBND TPHCM sẽ trao cho nhà đầu tư quyền sử dụng 6 khu đất trên địa bàn thành phố.
Công trường ngừng thi công từ cuối năm 2019, sau khi UBND TPHCM phải xem xét lại các dự án BT "đổi đất lấy hạ tầng". Kiểm toán Nhà nước nêu ra một số vấn đề phải khắc phục. Trong đó, UBND TPHCM phải bổ sung hợp đồng BT, ký kết phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư để làm cơ sở thanh toán.
TPHCM hối thúc các sở ngành
"Từ năm 2019 đến nay, với rất nhiều văn bản, chỉ đạo của UBND TPHCM, nhưng việc bổ sung hoàn thiện, ký kết phụ lục hợp đồng vẫn chưa được thực hiện. Nhà đầu tư vẫn chưa nhận được khoản thanh toán nào theo hợp đồng BT", Công ty Văn Phú - Bắc Ái phản ánh với lãnh đạo Chính Phủ.
Theo phía doanh nghiệp, giữa năm 2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98/2023/QH về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc thù phát triển TPHCM, trong đó có nội dung tháo gỡ vướng mắc cho hợp đồng BT. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện nghị quyết, dự án vẫn chưa có hướng được tháo gỡ dẫn đến rất nhiều khó khăn, lãng phí.
Nhà đầu tư Vành đai 2 TPHCM cho biết, thời gian thực hiện dự án kéo dài khiến lãi vay của phần vốn để thực hiện dự án phát sinh hơn 15 tỷ đồng mỗi tháng và tiếp tục tăng, gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước.
Dự án phải dừng thi công trong hoàn cảnh đang tăng tốc về đích dẫn đến lãng phí giá trị đầu tư. Việc chưa khép kín được Vành đai 2 TPHCM cũng gây ùn tắc giao thông cho khu vực, người dân chưa được hưởng những lợi ích của tuyến đường mang lại.
Sau khi nhận đơn kiến nghị của Văn Phú - Bắc Ái, Văn phòng Chính phủ đã có công văn chuyển đơn của nhà đầu tư cho Bộ KH&ĐT và UBND TPHCM để tổng hợp, xử lý.
Sau khi tiếp nhận công văn, Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đã yêu cầu các sở ngành, đơn vị khẩn trương tháo gỡ vướng mắc tại dự án; trường hợp chậm trễ tiến độ hoàn thành nhiệm vụ, thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TPHCM.
"Khép kín vành đai 2" là mục tiêu được UBND TPHCM đặt ra trong nhiều năm qua. Trên địa bàn TP Thủ Đức, đoạn tuyến từ nút giao Gò Dưa đến cầu Phú Hữu vẫn đang dang dở.
Trong đó, đoạn 1 (cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp) và đoạn 2 (đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng) đang được xúc tiến giải phóng mặt bằng để khởi công vào năm 2025. Đoạn dự án BT từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa cũng đang được tái khởi động.