1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Tĩnh:

Dự án nghìn tỷ khai tử được đấu giá hơn 205 tỷ đồng

(Dân trí) - Dự án Nhà máy gang thép Vạn Lợi có mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, triển khai được vài năm với số tiền đã đầu tư gần 1000 tỷ đồng thì khai tử và bỏ hoang. Dự án chính thức tuyên bố phá sản và vừa được đem ra đấu giá với số tiền hơn 205 tỷ đồng.

Ngày 26/4/2019, Công ty đấu giá hợp danh Hồng Lĩnh (đóng tại Hà Tĩnh) tổ chức phiên đấu giá tài sản nhà máy thép Vạn Lợi theo hợp đồng với Chi cục thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh.

Phiên đấu giá có 23 hồ sơ tham gia, giá khởi điểm hơn 108 tỷ đồng. Đại diện các ngân hàng, chính quyền địa phương được mời chứng kiến. Hình thức đấu giá bỏ phiếu trực tiếp, bước giá của mỗi vòng là 300 triệu đồng.

Sau 11 vòng, khách hàng Nguyễn Minh Hoàng Phương Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển kho bãi Nhơn Tân (đóng tại Bình Định) là người trúng đấu giá với giá hơn 205 tỷ đồng.

Dự án nghìn tỷ khai tử được đấu giá hơn 205 tỷ đồng - 1

Dự án Nhà máy gang thép Vạn Lợi từng được xem như là một biểu tượng, là đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội, nhưng sau vài năm thi công rầm rộ thì ngừng và đến nay thì đã khai tử

Trước đó như báo Dân trí phản ánh, Dự án Nhà máy gang thép Vạn Lợi được khởi công xây dựng ngày 16/06/2007 với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng (xã Kỳ Thịnh, Kỳ Anh) do Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh với hai cổ đông chính là Công ty TNHH Vạn Lợi (Ba Đình, Hà Nội) và Công ty đầu tư và khoáng sản Hợp Thành (Đống Đa, Hà Nội) làm chủ đầu tư.

Theo dự kiến, nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động cho sản phẩm đầu tiên vào tháng 12/2008.

Thế nhưng sau hơn 6 năm, dự án này vẫn ì ạch và sau đó thì ngưng lại hoàn toàn. Các thiết bị, máy móc phơi sương, phơi nắng.

Dự án nghìn tỷ khai tử được đấu giá hơn 205 tỷ đồng - 2

Nhiều thiết bị nằm phơi sương, phơi nắng nên đã hoen gỉ

Trước thực trạng trên, ngày 19/5/2015, Ban Quản lý KKT Vũng Áng đã có văn bản thông báo sẽ chấm dứt Dự án nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi và gửi đến các ngân hàng cho vay vốn trong dự án này.

Được biết, số tiền đã đầu tư vào dự án này là gần 1.000 tỷ đồng, trong đó các ngân hàng cho vay với tổng số tiền hơn 750 tỷ đồng gồm: Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (VDB Hà Tĩnh), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (BIDV Hà Tĩnh), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (Vietcombank Hà Tĩnh)... Trong đó Ngân hàng VDB chi nhánh Hà Tĩnh là đơn vị cho vay nhiều nhất với số tiền gốc gần 600 tỷ đồng.

Cuối năm 2015, Ban Quản lý KKT Hà Tĩnh đã chính thức ra quyết định chấm dứt , thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với Dự án nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi.

Một lãnh đạo của Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh cho biết, chưa có ai phải chịu trách nhiệm về khối nợ này vì đang trong giai đoạn thu nợ.

Xuân Sinh