1. Dòng sự kiện:
  2. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí
  3. Thủ tướng thăm chính thức Hàn Quốc

Dự án điện mặt trời tỷ USD: “Có sai sót nhưng không tham ô”

(Dân trí) - Giải trình việc báo cáo sai sự thật về dự án điện mặt trời cho các xã miền núi đặc biệt khó khăn tại Sơn La, Quảng Nam và Quảng Ngãi lên đến tiền tỷ USD, Chủ nhiệm UB Dân tộc Giàng Seo Phử khẳng định: “có sai sót nhưng không có tham ô”.

Báo cáo tại phiên giải trình về chính sách giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số do Hội đồng Dân tộc và UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 25/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Dân tộc Giàng Seo Phử nêu nhiều con số thống kê.
 
Từ 2005 - 2012 cả nước có 651.571 hộ dân tộc thiểu số nghèo cần hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Kết quả đã hỗ trợ được gần 232.000 hộ, đạt 41,5% so với tổng nhu cầu cần hỗ trợ của cả giai đoạn (theo các quyết định của Thủ tướng). Nếu tính cả số hộ được hỗ trợ theo chương trình tái định cư và khu kinh tế quốc phòng là hơn 93.000 hộ thì tổng số hộ được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất là hơn 324.600 hộ, đạt gần 50%. Trong số gần 327.000 hộ còn lại cần được tiếp tục hỗ trợ, số hộ cần được hỗ trợ đất sản xuất là hơn 293.000 hộ, số hộ thiếu đất ở là gần 33.000 hộ.
Phiên giải trình do Hội đồng Dân tộc và UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức.
Phiên giải trình do Hội đồng Dân tộc và UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức.

Số lượng hộ dân thiếu đất ở, đất sản xuất còn cao, các giải pháp chưa phát huy hiệu quả hoặc có nội dung khó thực hiện, chưa phù hợp với đặc thù vùng dân tộc thiểu số nên việc thoát nghèo của đồng bào không có đất sản xuất chưa được bền vững.

Băn khoăn về tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ đất chưa đạt 50%, nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng Giàng Seo Phử.

Thừa nhận việc thiếu đất sản xuất diễn ra hàng ngày và đồng bào dân tộc thiểu số là nạn nhân của nạn mua bán đất, ông Phử quả quyết trách nhiệm này trước hết thuộc về cấp ủy, chính quyền địa phương.

Theo ông Phử, “lẽ ra phiên giải trình cần có cả chủ tịch và bí thư các tỉnh có vi phạm đến để điều trần, bởi ngân sách giao cho anh mà khi có vấn đề xảy ra anh cứ đổ trách nhiệm cho người khác là không ổn”.

Về giải pháp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Dân tộc kiến nghị nếu không còn quỹ đất nữa thì Quốc hội cần có nghị quyết về điều động sắp xếp lại dân cư. Ông đề nghị Quốc hội phải bàn, vì đây là chuyện lớn. Bởi hiện nay theo ông Tây Bắc hết đất, còn các tỉnh Tây Nguyên bố trí đất không hợp lý.

“Tôi có bị thi hành kỷ luật cũng chịu, chứ chả lấy đất đâu cho đồng bào thiểu số được” – ông Phử “nói cứng”.

Trả lời thêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, việc thiếu đất sản xuất là vấn đề lớn, cần tập trung giải quyết trong thời gian tới. Theo ông Phát, các bộ, ngành cần rà soát lại các nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó có thể thu hồi một phần đất phù hợp để tiếp tục ưu tiên giải quyết cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.

Thời gian qua, thực hiện Quyết định 146/2005 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã thu hồi 890.000 ha của các nông, lâm trường. Trong đó, các nông trường đã bàn giao 37.800 ha, các lâm trường đã giao 641.000 ha và các Ban quản lý rừng đặc hộ, phòng hộ đã giao 211.000 ha.
 
Bộ trưởng Giàng Seo Phử và Phạm Thị Hải Chuyền tại phiên giải trình.
Bộ trưởng Giàng Seo Phử và Phạm Thị Hải Chuyền tại phiên giải trình.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương về năng lực quản lý dự án của UB Dân tộc mà cụ thể là việc báo cáo sai sự thật về dự án điện mặt trời cho các xã miền núi đặc biệt khó khăn tại các tỉnh Sơn La, Quảng Nam và Quảng Ngãi lên đến tiền tỷ USD, Bộ trưởng Giàng Seo Phử thừa nhận công tác quản lý “có sai sót, nhưng không có tham ô tham nhũng”.

Bộ trưởng cũng khẳng định, dự án đã được thanh tra toàn diện. “Dự án này không đầu tư bằng tiền mặt, không có chuyện thất thoát hàng tỷ USD, nói như thế là rất nguy hiểm, báo chí lại đưa lên là không phù hợp và không có lợi cho báo chí” – ông Phử bức xúc.

Đề cập đến chính sách giảm nghèo, trả lời về tình trạng chồng chéo “trầm kha” bấy lâu nay chưa được khắc phục, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Ban chỉ đạo TƯ về giảm nghèo bền vững đã phân công cho từng ngành rà soát các chính sách thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

Trong đó, một trong các giải pháp ưu tiên là tiếp tục tập trung cao cho những vùng khó khăn, tập trung nguồn lực của giai đoạn còn lại cho các xã nghèo, huyện nghèo; ưu tiên nguồn lực cho đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng thết yếu để cho bà con có điều kiện phát huy nội lực; giảm dần chính sách hỗ rợ trực tiếp cho người dân, tăng nguồn vốn vay phát triển sản xuất đồng thời các bộ ngành cũng cần hướng dẫn nghề nghiệp để bà con sản xuất thoát nghèo; tăng đầu tư cho cộng đồng khu vực nghèo nói chung, khuyến khích các hộ nghèo vay các các nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc.

P.Thảo