1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khánh Hòa:

Dong thuyền ra khơi đón Tết trên vùng biển chủ quyền

(Dân trí) - Vào thời điểm Tết nguyên đán đang đến rất gần, tại vùng cửa lạch Nam Trung Bộ, hàng trăm tàu cá vẫn dong thuyền ra khơi, hướng thẳng Hoàng Sa, Trường Sa, Nhà giàn DK1… với hi vọng có một mùa đi biển bội thu và cập bờ vào đầu Xuân Ất Mùi.

Dong thuyền hướng thẳng Trường Sa, đón Tết trên vùng biển chủ quyền
Tàu cá của ngư dân Khánh Hòa bốc phí tổn tại cảng cá Hòn Rớ (Nha Trang) để đánh bắt "xuyên" Tết trên biển.

Chuyến biển Tết “chở” theo hi vọng

Cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), một cảng cá sầm uất ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ - vào một sáng giáp Tết, tàu bè vẫn tấp nập cập cảng. Có thuyền đang nhập hải sản sau chuyến biển dài để trở về khu neo đậu nghỉ Tết, nhưng cũng có thuyền ghé cảng bốc phí tổn, lương thực - thực phẩm để chuẩn bị cho hành trình vươn khơi đánh bắt “xuyên” Tết.

Từ giữa khoang thuyền của tàu cá KH-92729-TS, ngư dân Lê Thanh Lợi (phường Vĩnh Phước, Nha Trang), đang hối hả cùng bạn thuyền chuyển thực phẩm xuống hầm bảo quản. Tàu cá KH-92729-TS, nơi anh Lợi đang phụ trách có công suất 460CV, làm nghề lưới cản (lưới rê). Sau động tác lùi tàu để cho một tàu khác rời cảng, anh Lợi hô quăng dây, neo tàu sát mép cảng, rồi nói: “Chuyến này anh em chúng tôi ăn Tết ở trên biển luôn. Chúng tôi lấy 850 cây đá lạnh, 5.600 lít dầu đánh bắt đến mùng 9, mùng 10 tháng Giêng mới nhổ neo trở về bờ”.

Hoa Tết được mang theo để chuẩn bị đón Tết giữa trùng khơi.
Hoa Tết được mang theo để chuẩn bị đón Tết giữa trùng khơi.

Những ngày giáp Tết nguyên đán, để có đủ lao động đi biển là điều rất khó khăn đối với các chủ tàu. Anh Lợi cho biết dịp này hầu như tàu cá nào xuất bến đánh bắt cũng đều có tiền “lì xì” cho bạn thuyền. Động tác này nhằm khuyến khích, động viên bạn thuyền gắn bó với chủ tàu trong những ngày lao động trên biển vào dịp Tết nguyên đán. Chuyến biển Tết năm nay, tàu cá của anh Lợi có 11 lao động, trừ chủ tàu, mỗi người được “lì xì” 2 triệu đồng.

Chia tay tàu cá anh Lợi, chúng tôi ghé thăm tàu cá KH-96336-TS của ngư dân Nguyễn Đình Chiến (phường Vĩnh Phước, Nha Trang). Tàu cá của ông Chiến công suất 320CV, cũng làm nghề lưới cản. Đang đóng bao một số bánh kẹo Tết trong ca bin, vợ ông Chiến cho biết: “Tàu lấy 600 cây đá lạnh, 4.000 lít dầu để dong thuyền đánh bắt ở Nhà giàn DK1”. Cũng như các tàu cá khác, để “gom” đủ bạn thuyền đi biển dịp Tết, gia đình ông Chiến chạy vạy khắp nơi. Nay tàu đã đủ 11 lao động (gồm cả thuyền trưởng), nhưng vài giờ trước lúc tàu xuất bến, vợ ông Chiến vẫn chưa an lòng vì bạn thuyền vẫn chưa đến đủ.

Bà Dân, vợ ông Chiến bịn rịn trước chuyến biển Tết.
Bà Dân, vợ ông Chiến bịn rịn trước chuyến biển Tết.

“Chuyến biển này, gia đình tôi cho 10 bạn thuyền đi biển mỗi người mượn 3 triệu đồng. Ngày Tết, người ta ở nhà để tề tựu, sum họp với gia đình, con cháu… nhưng mình vì mưu sinh, vì cuộc sống mà đi biển. Nếu trúng cá thì còn vui, còn nếu đánh bắt không có thì rất buồn”- vợ ông Chiến nói, và không nguôi hi vọng về một chuyến biển đầy ắp cá vào đầu xuân năm sau.

Đón Tết trên vùng biển chủ quyền

Làm nghề biển 32 năm, ngư dân Cao Văn Thơ (Hòn Rớ, Nha Trang) có hơn 20 năm ăn Tết trên biển. Điều đó nói rằng, việc đón Tết giữa trùng khơi dường như đã quá quen thuộc với ông, và dịp Tết năm nay cũng không ngoại lệ. Chúng tôi gặp ông Thơ khi tàu cá KH-96877-TS do ông làm thuyền trưởng đã đầy ắp đá lạnh, thực phẩm Tết để chuẩn bị dong thuyền ra Trường Sa.

Ông Thơ trò chuyện với bạn thuyền trước lúc tàu rời bến đánh bắt ở Trường Sa.
Ông Thơ trò chuyện với bạn thuyền trước lúc tàu rời bến đánh bắt ở Trường Sa.

Tàu cá của ông Thơ có công suất 495CV, 8 lao động. Dự kiến chuyến biển “băng” Tết này, tàu ông sẽ cập bờ sau 25 ngày đánh bắt trên biển. Hỏi sao không đợi qua Tết nguyên đán rồi mới đi biển, ông Thơ nói với tôi bằng kinh nghiệm và sự từng trải của một ngư dân lâu năm: “Thuyền tôi làm nghề câu cá ngừ đại dương ở vùng biển Trường Sa. Nghề này chỉ kéo dài 6 tháng, từ tháng 10 âm lịch đến tháng 5 âm lịch năm sau. Sở dĩ chúng tôi phải ra biển lúc này vì đây là tháng mà luồng cá khơi từ phía Đông Philippines đổ mạnh về Việt Nam. Đây là tháng quyết định cho một mùa biển, đánh bắt một tháng này bằng ba, bốn tháng khác”.

Ông kể, chuyến biển trước, tàu ông đánh bắt được 45 con cá ngừ đại dương (khoảng 2,1 tấn) thu về 210 triệu đồng, trừ chi phí thì lãi được một nửa. Ông tâm sự, tháng qua, nhờ giá dầu giảm sâu khiến bà con ngư dân rất phấn khởi, kiên trì bám biển. Nhờ đó, hiện nay một chuyến biển đánh bắt xa bờ của ngư dân tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng. “Giá dầu giảm là yếu tố cốt lõi làm động lực, tiếp sức cho ngư dân chúng tôi vươn khơi”, ông Thơ phấn khởi - nói.

Thực phẩm ăn Tết của ngư dân trên biển.
Thực phẩm ăn Tết của ngư dân trên biển.
Thực phẩm ăn Tết của ngư dân trên biển.

Nhờ đánh bắt thuận lợi nên chuyến biển này tàu cá ông Thơ không gặp phải khó khăn tìm kiếm lao động so với các tàu cá khác. Để chuẩn bị cho việc đánh bắt dài ngày và đón Tết trên biển, ông Thơ đã chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, mứt, bánh kẹo, gà, bia… dự trữ dưới hầm đá. “Chúng tôi đón Tết trên biển đúng như các phong tục ở đất liền như: cúng cuối năm, cúng đầu năm, liên hoan nhẹ sau đó tiếp tục lao động. Cái thiếu là thiếu “hơi thở” của đất liền”, ông Thơ - cười nói.

Ngoài việc mưu sinh, những chuyến biển Tết của bà con ngư dân còn có ý nghĩa khẳng định vùng biển chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Ông Thơ nói bà con ngư dân luôn “ý thức rất cao đến vấn đề này”, và sự hiện diện của họ góp phần khẳng định điều đó. Chiều cuối năm, thuyền nhổ neo ra khơi trong sự vẫy chào, bịn rịn của người thân trên bờ. Cầu chúc cho ngư dân có một mùa đánh bắt bội thu trong ngày đầu xuân trở về với đất liền.

Viết Hảo