PhotoStory

Dòng người và phương tiện nườm nượp qua cầu phao Phong Châu

Thực hiện: Nguyễn Hải

(Dân trí) - Sau khi được lắp lại, trong sáng 7/10, hàng nghìn người và phương tiện đã nườm nượp qua cầu phao Phong Châu.

Dòng người và phương tiện nườm nượp qua cầu phao Phong Châu - 1

Chiều 6/10, sau khi khảo sát, đánh giá tình hình, nhận thấy lưu lượng nước trên sông Hồng đã đảm bảo ngưỡng an toàn cho phép, Binh chủng Công binh chỉ đạo Lữ đoàn 249 cùng phối hợp với các lực lượng khớp nối lại cầu phao tạm Phong Châu (Phú Thọ) để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Người và phương tiện nườm nượp qua cầu phao Phong Châu (Video: Nguyễn Hải).

Ghi nhận của phóng viên Dân trí trong sáng 7/10, các phương tiện lưu thông ổn định qua cầu phao tạm Phong Châu. 

Dòng người và phương tiện nườm nượp qua cầu phao Phong Châu - 2

Cầu phao tạm Phong Châu ở Phú Thọ được lắp đặt tại địa bàn xã Hương Nộn (huyện Tam Nông) và xã Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao).

Dòng người và phương tiện nườm nượp qua cầu phao Phong Châu - 3

Cầu phao tạm Phong Châu phục vụ người dân từ 6h đến 22h. Sau 22h sẽ tổ chức cắt đốt cầu phao để phục vụ phương tiện đường thủy hoạt động trên sông.

Dòng người và phương tiện nườm nượp qua cầu phao Phong Châu - 4

Trước đó, vào sáng 29/9, Lữ đoàn 249 (Binh chủng Công binh) tiến hành bắc cầu phao PMP 60 tấn, cách cầu Phong Châu bị sập khoảng 400m về phía hạ lưu sông Hồng. Sáng 30/9, Lữ đoàn 249 đã chính thức cho thông xe cầu phao Phong Châu.

Sau đó, do nước lũ ở thượng nguồn đổ về mạnh khiến mực nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy lớn, Lữ đoàn 249 quyết định tạm thời "cắt" cầu phao Phong Châu từ 18h ngày 1/10. Ngày 4/10, phà quân sự được đưa vào hoạt động tạm thời để phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân.

Dòng người và phương tiện nườm nượp qua cầu phao Phong Châu - 5

Để bắc cầu phao tạm Phong Châu, Lữ đoàn 249 sử dụng 26 đốt khơi, 2 đốt mố. Sau khi hoàn thành việc bắc cầu, đơn vị tổ chức thông xe kỹ thuật, kiểm tra, hiệu chỉnh kỹ thuật, hoàn tất các công đoạn.

Dòng người và phương tiện nườm nượp qua cầu phao Phong Châu - 6
Dòng người và phương tiện nườm nượp qua cầu phao Phong Châu - 7

Hiện cầu phao tạm Phong Châu chỉ phục vụ xe chở người và các loại xe thô sơ, xe máy, mô tô 3 bánh lưu thông theo hai chiều, vận tốc di chuyển dưới 5km/h.

Đối với ô tô, chỉ cho phép các loại ô tô con, xe bán tải (2 đến 4 chỗ ngồi) lưu thông một chiều khi đi qua cầu. Thời gian mỗi chiều khi lưu thông 10 phút, vận tốc xe dưới 10km/h.

Dòng người và phương tiện nườm nượp qua cầu phao Phong Châu - 8

Dòng phương tiện qua cầu phao sau lệnh thông xe lúc 6h ngày 7/10.  

Dòng người và phương tiện nườm nượp qua cầu phao Phong Châu - 9

Người dân phấn khởi khi đi qua cầu phao tạm Phong Châu sáng nay.

Anh Phạm Văn Hùng (31 tuổi, trú xã Hương Nộn, huyện Tam Nông) cho biết, sau khi cầu Phong Châu bị sập việc đi làm của người dân, đi học của học sinh gặp rất nhiều khó khăn.

"Nhà tôi ở xã Hương Nộn (huyện Tam Nông) đi làm ở Khu Công nghiệp Thụy Vân (xã Thụy Vân, TP Việt Trì, Phú Thọ), nếu cầu Phong Châu chưa sập quãng đường di chuyển khoảng 15km nhưng từ khi cầu sập tôi phải đi mất gần 50km.

May mắn Lữ đoàn 249 đã nhanh chóng lắp tạm cầu phao để thuận tiện cho việc đi lại của tôi cũng như nhiều người khác", anh Hùng phấn khởi chia sẻ.

Dòng người và phương tiện nườm nượp qua cầu phao Phong Châu - 10

Bà Phạm Thị Cầu (70 tuổi, trú xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) đi xe đạp chở rau từ nhà sang xã Hương Nộn (huyện Tam Nông) để bán. Trong lúc di chuyển qua cầu phao tạm Phong Châu, bà Cầu được các chiến sỹ thuộc Lữ đoàn 249 dắt hộ xe đạp để đảm bảo an toàn. 

"Cả lúc đi và về, cứ thấy tôi xuống dắt xe là các chú bộ đội chạy lại dắt hộ. Tôi rất vui và cảm ơn các chú bộ đội đã giúp đỡ tôi khi qua cầu", bà Cầu chia sẻ.

Dòng người và phương tiện nườm nượp qua cầu phao Phong Châu - 11

Trưa 7/10, cầu phao tạm Phong Châu sau 5 tiếng hoạt động liên tục được các cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 249 Bộ Tư lệnh công binh kiểm tra các đốt cầu, dây cáp hãm,...

Để lắp cầu phao này, Lữ đoàn 249 đã huy động trên 200 cán bộ, chiến sĩ và gần 90 phương tiện các loại tham gia thực hiện nhiệm vụ. Trước đó, Lữ đoàn 249 phải gia cố trên 11.000m3 đá ở hai bến và đường lên xuống cầu; tiến hành các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn khi vận hành cầu phao.

Dòng người và phương tiện nườm nượp qua cầu phao Phong Châu - 12
Dòng người và phương tiện nườm nượp qua cầu phao Phong Châu - 13

Một cán bộ công tác tại Lữ đoàn 249 cho biết, cầu phao PMP 60 tấn chủ yếu phục vụ quân sự, để xe tăng di chuyển. Khi đưa vào phục vụ dân sinh, cầu phao PMP 60 tấn có những khe kẹt và bánh xe đạp khi đi qua có thể bị mắc kẹt lại. Để khắc phục điều này, Lữ đoàn 249 đã xếp hơn 1.000 bao cát để bịt các khe kẹt, đảm bảo an toàn cho các phương tiện.

Dòng người và phương tiện nườm nượp qua cầu phao Phong Châu - 14

Ngoài việc xếp bao cát để bịt khe kẹt, Lữ đoàn 249 còn lắp đặt hệ thống lan can tạm 2 bên cầu, dây phản quang ban đêm để đảm bảo an toàn.

Dòng người và phương tiện nườm nượp qua cầu phao Phong Châu - 15

Hàng ngày, các cán bộ, chiến sỹ lữ đoàn 249 sẽ thường xuyên kiểm tra các đốt cầu. Nếu phát hiện đốt nào có hiện tượng rò rỉ nước vào bên trong sẽ được hút ra để đảm bảo an toàn. 

"Đốt nào bị rò rỉ nước nhiều, sẽ được thay thế bằng đốt khác để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện khi qua cầu", vị cán bộ lữ đoàn 249 nói.

Dòng người và phương tiện nườm nượp qua cầu phao Phong Châu - 16

Các đốt mố cầu phao đều được khóa bằng dây cáp hãm để đảm bảo an toàn.

Trước đó, vào sáng 9/9, cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng, nối hai xã Hương Nộn, huyện Tam Nông và xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ bị sập hai nhịp khiến 8 người mất tích. Đến nay, thi thể 4 nạn nhân đã được tìm thấy.

4 người đang mất tích, gồm: Nguyễn Thị Lan (19 tuổi, trú ở huyện Tam Nông, Phú Thọ); Nguyễn Hà Chi (19 tuổi, ở Đắk Nông); Nguyễn Thị Bích Hằng (36 tuổi, TP Việt Trì, Phú Thọ); Nguyễn Thị Yến (45 tuổi, ở huyện Lâm Thao, Phú Thọ).

Cục Đường bộ (Bộ GTVT) đã phê duyệt khoản kinh phí hơn 9 tỷ đồng để triển khai trục vớt cầu Phong Châu và các phương tiện gặp nạn trong vụ sập cầu.