1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Đồng Nai chưa lường hết hậu quả khi san lấp sông”

(Dân trí) - Sau chuyến khảo sát thực tế hiện trường san lấp sông Đồng Nai, ông Lê Mạnh Hùng - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã khẳng định như vậy với PV Dân trí.

Các khối đá to được chèn phía xa bờ sau đó đá nhỏ hơn sẽ được dùng để tạo mặt bằng
Việc lấp sông Đồng Nai vẫn đang diễn ra khẩn trương (Ảnh: Trung Kiên)

Ông Lê Mạnh Hùng cho biết: “Dự án có diện tích lấp sông Đồng Nai quá lớn, lên tới 7,7 ha, nên sẽ tác động không nhỏ tới dòng chảy, thay đổi lực chảy, chế độ của con sông.

Cơ sở pháp lý để thực hiện dự án này liên quan đến Luật Tài nguyên nước, Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai. Tuy nhiên các văn bản liên quan như vậy hoàn toàn không có. Tôi có yêu cầu các vị ấy cho xem nhưng họ không xuất trình được.

Tôi đã làm việc với Vụ Đê điều, Vụ Phòng chống lụt bão của Tổng cục Thủy lợi, rồi Cục Thiên tai, tất cả đều nói rằng không thấy tỉnh Đồng Nai, chủ đầu tư xin phép, xin ý kiến gì về những chuyện đó cả".

Phóng viên: Trong thông cáo báo chí mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai có dẫn ra việc Viện Khoa học thủy lợi miền Nam khảo sát, đánh giá việc chỉnh trị bờ trái sông, đoạn nằm giữa cầu Hóa An và cầu Ghềnh, không gây ảnh hưởng đến những vùng lân cận; tiếp đó, tháng 7/2014, Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam (Bộ Giao thông vận tải) có văn bản chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa phục vụ thi công thực hiện dự án. Và từ đây họ kết luận rằng “việc hình thành dự án cải tạo cảnh quan, phát triển đô thị ven sông Đồng Nai xuất phát từ ý tưởng của cơ quan quản lý nhà nước, phù hợp quy hoạch, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, góp phần tạo điểm nhấn cho TP Biên Hòa”. Theo ông, cơ sở pháp lý đó có vững chắc và đầy đủ để triển khai thực hiện một dự án có ảnh hưởng lớn tới môi trường như vậy?

Ông Lê Mạnh Hùng: Không đủ. Tôi nghĩ chưa đủ. Bởi cái này phải xem xét tới cả khả năng tiêu thoát lũ, môi trường - chưa xin ý kiến, chưa được chấp thuận. Ý kiến của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam thì chỉ liên quan tới dòng chảy thôi, chuyện ấy lâu rồi.

Trong vấn đề quy hoạch thì luật đã quy định sau 5 năm phải có rà soát lại. Làm một dự án được 7-10 năm rồi mới làm lại, các thứ thay đổi hết rồi mà các vị làm thế không đúng đâu.

Tôi nghĩ các vị quá chủ quan. Nhà quản lý thì rất coi thường về chuyên môn, cứ bảo “lấn một tý”. Dòng sông bên lở bên bồi, lở bồi diễn ra rất chậm. Bây giờ mình bồi nhanh bên này thì bên kia sẽ lở nhanh. Ông cha nói không có gì sai đâu, đó là kinh nghiệm đã đúc kết từ nhiều đời nay rồi.

Việc lấp sông như thế là vấn đề lớn. Chính vì ảnh hưởng lớn, ảnh hưởng tới nhiều địa phương như thế nên càng cần phải xin phép. Vấn đề khoa học không phải đơn thuần như các vị lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nói. Dòng sông chỗ to chỗ nhỏ, không phải ngẫu nhiên nó to, nó nhỏ thế đâu; càng không thể nói chỗ đó to nên lấp bớt lại. Quá chủ quan, đừng bao giờ nghĩ đơn thuần thế. Những người không có chuyên môn mới nói thế. Nếu thế thì cần gì những người học về khoa học thủy lợi nữa.

Tôi làm khoa học bao nhiêu năm, từng tham gia làm về sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long nên tôi hiểu chuyện ấy. Tác động của dòng dẫn ảnh hưởng tới dòng chảy sẽ gây phản ứng dây chuyền. Các vị ấy lơi lỏng lắm. Không có khoa học nên nói về khoa học thấy rất nhẹ nhàng.

Hối hả lấn dòng sông lớn thứ 3 trên cả nước (Ảnh: Trung Kiên).
Hối hả lấn dòng sông lớn thứ 3 trên cả nước (Ảnh: Trung Kiên).

Chúng ta sẽ sớm thấy hậu quả của việc lấp sông Đồng Nai làm dự án như thế ?

Việc này hãy để tới mùa lũ thì mới biết. Nếu lưu lượng lũ trung bình nhiều năm thì các bạn sẽ biết nó tác động thế nào với bờ bên kia. Không phải ngẫu nhiên mà con sông đang từ một nhánh như thế mà phân lạch. Việc tác động vào đoạn đầu phân lạch như thế rất nguy hiểm.

Sông phân lạch có một bên lớn hơn, một bên nhỏ đi nên khi tác động vào dòng chính phần thượng nguồn sẽ thay đổi chế độ phân lưu giữa dòng này và dòng kia của đoạn sông phân lạch phía hạ lưu, lúc đó xói lở bồi lắng, ảnh hưởng tới mố cầu và các công trình khác phía dưới hạ lưu.

Tôi không phải nói để dọa mà tôi nói thật, hậu họa không xảy ra ngay lập tức mà nó ảnh hưởng lâu dài, lúc đó chúng ta gánh chịu hậu quả! Chúng ta không kiểm soát được và sẽ phải bỏ rất nhiều tiền để chống.

Ông có đồng tình với kiến nghị của Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) rằng UBND tỉnh Đồng Nai nên rút lại quyết định cấp phép xây dựng dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” và đề nghị Công ty CP Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát dừng mọi hoạt động xây dựng cho đến khi các nghiên cứu về tác động được thực hiện một cách thấu đáo và có sự tham vấn rộng rãi ý kiến của đầy đủ các bên liên quan trong đó có các bộ ngành liên quan ở Trung ương, địa phương, cộng đồng dân cư và các tổ chức xã hội?

Tôi nghĩ tỉnh Đồng Nai nên cầu thị, xin ý kiến các cơ quan, nhà khoa học phản biện, nếu không rất nguy hiểm, ảnh hưởng tới tương lai phía hạ, kể cả mố cầu gần đó, 300 tỷ đồng đã thấm gì đâu. Cứ nghĩ đi, các công trình bờ chỉ 1km thôi cũng đã tiêu tốn hơn 100 tỷ rồi. Nếu hỏng cái cầu, cơ sở hạ tầng nhà cửa của người người dân - không đổ ngay trong mùa lũ năm nay đâu mà mỗi năm sạt một ít - mới là hậu họa lâu dài. 

Xin cảm ơn ông!

Thế Kha (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm