1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đồng lương và “xã hội học tập”

<i>Chuyện thứ nhất:</i> Một khảo sát mới đây của Viện Công nhân và Công đoàn tại các khu vực lao động có thu nhập cao nhất (TPHCM, Hà Nội và các tỉnh lân cận hai TP này) cho thấy: Thu nhập bình quân tháng của người lao động ở các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chỉ trên dưới 1 triệu đồng.

Trong đó, dưới 1 triệu đồng chiếm gần một nửa tổng số lao động (dưới 800 nghìn đồng chiếm gần 15%; ở ngành dệt may, da giày là gần 18%; ở ngành xây dựng giao thông vận tải hơn 27%), một bộ phận không nhỏ có thu  nhập bình quân tháng dưới 600 nghìn đồng.

 

Với mức thu nhập như vậy và chi phí ngày càng leo thang như hiện nay, việc có một cuộc sống sung túc là chuyện viễn tưởng.

 

Chuyện thứ hai: Chưa vào năm học mà các loại tiền phải đóng đã khiến nhiều bậc phu huynh “chóng mặt”. Ở TPHCM, để con em vào được trường mầm non đàng hoàng đã phải đóng “sơ sơ” trên dưới 1 triệu đồng. Cấp tiểu học cũng cỡ đó với đủ thứ tiền từ loại “có cơ sở” tới loại “phi lý”: Tiền trường, tiền phục vụ bán trú, phí đồ dùng phục vụ bán trú, đồng phục trong giờ học, đồng phục ngủ trưa (?).

 

Ở Hà Nội cũng vậy, tất cả các loại phí từ bảo hiểm tới đồng phục đều tăng. Một lẽ đương nhiên, học trường bán công, học trái tuyến phải chịu chi phí nhiều hơn trong khi tỉ lệ phụ huynh là người thu nhập thấp ở khu vực này lại cao nhất.

 

Việc học hành của con em là chuyện rất lớn đối với mỗi gia đình. Nhưng với mức thu nhập như hiện tại và những khoản bắt buộc phải chi thì học hành đang là gánh nặng đối với người lao động. Chưa có học phí, tiền trường thì đa số lao động cũng đã phải thường xuyên chấp nhận tăng ca để có đủ tiền lo cho gia đình. Thêm một đứa trẻ tới trường, cha mẹ chúng sẽ phải nỗ lực gấp đôi hoặc bớt đi những nhu cầu thiết yếu khác. Điều này đồng nghĩa với việc chất lượng cuộc sống sẽ giảm đi.

 

Khoảng 10 triệu lao động đang làm việc thì đại đa số có thu nhập ở mức mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã khảo sát. Đại đa số đó phải thường xuyên đối diện với nỗi lo cơm áo gạo tiền khi mà giá cả, chi phí ngày càng “ngốn” nhiều hơn vào thu nhập họ làm ra.

 

GDP tăng mà chất lượng cuộc sống của người lao động không thể tăng lên được thì chỉ số đó có còn ý nghĩa? “Xã hội học tập” không thể bằng cách “hy sinh đời bố củng cố đời con”.

 

Theo Đồng Hưng

Lao Động