Đồng bằng sông Cửu Long: "Vùng chiến lược, vựa lúa sao còn nghèo khó?"

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Theo chuyên gia, khó khăn lớn nhất của khu vực ĐBSCL là hạ tầng, giao thông, kết nối. Những hạn chế này khiến vùng khó thu hút đầu tư để phát triển.

"ĐBSCL cần năng lực tư duy mới, cách tiếp cận phát triển mới", đó là phát biểu của PGS.TS Trần Đình Thiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tại Diễn đàn triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng - phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long, diễn ra chiều 10/6 ở Cần Thơ.

Đồng bằng sông Cửu Long: Vùng chiến lược, vựa lúa sao còn nghèo khó? - 1

Ông Trần Đình Thiên nêu ý kiến tại diễn đàn (Ảnh: Nguyễn Cường).

"ĐBSCL là vùng chiến lược, là vựa lúa, có trọng trách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Nhưng vùng chiến lược sao còn nghèo khó, vất vả. GDP của vùng từng gấp rưỡi TPHCM, nhưng nay chỉ bằng 2/3", ông Thiên nói.

Bên cạnh những thuận lợi về đất đai, thời tiết, ông Thiên cho rằng miền Tây đang phải đối diện nhiều thách thức gồm biến đổi khí hậu, hạ tầng kết nối không đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng thấp, doanh nghiệp địa phương èo uột.

Từ những khó khăn đó, dẫn đến quy mô kinh tế của vùng nhỏ, tốc độ tăng GRDP chậm dần, thấp hơn trung bình cả nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm.

Theo ông Thiên, để phát triển bền vững, ĐBSCL cần tăng cường năng lực chống chịu trước những thách thức, biến đổi. Ưu tiên bậc nhất là giữ đất, giữ nước. Tầm nhìn dựa trên hai giải pháp chiến lược chính là quản lý thách thức và tạo giá trị.

Đồng bằng sông Cửu Long: Vùng chiến lược, vựa lúa sao còn nghèo khó? - 2

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nêu ý kiến (Ảnh: Nguyễn Cường).

Cũng tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, ĐBSCL chiếm 12,8% diện tích, 18% dân số, trên 50% sản lượng lúa của cả nước. Tuy nhiên GRDP bình quân đầu người của vùng thấp hơn mặt bằng chung.

Vùng thiếu các hạ tầng quan trọng làm động lực phát triển. Chưa có cảng đầu mối và trung tâm logistics lớn, hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp xuống cấp, nhiều khu vực còn là vùng trũng y tế, giáo dục.

Ông Trường đề xuất xây dựng đường sắt TPHCM - Cần Thơ và đường cao tốc trên cao.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiến nghị Trung ương đầu tư mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ, làm cơ sở cho địa phương quy hoạch thành phố sân bay với diện tích khoảng 10.000ha.

Đồng bằng sông Cửu Long: Vùng chiến lược, vựa lúa sao còn nghèo khó? - 3

Nhiều lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, chuyên gia và khoảng 500 đại biểu tham dự diễn đàn (Ảnh: Nguyễn Cường).

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện các bộ và các tỉnh đang đề xuất 16 dự án đầu tư cho khu vực ĐBSCL, tổng mức đầu tư trên 94 nghìn tỷ đồng. Hầu hết các dự án đều thuộc lĩnh vực xây dựng hạ tầng.

Diễn đàn triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng - phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Xây dựng phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức. Tham dự diễn đàn có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cùng đông đảo nhà khoa học, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Diễn đàn với 4 chuyên đề chính gồm: Thực trạng phát triển hạ tầng kỹ thuật và kinh tế vùng ĐBSCL; Tiềm năng, cơ hội; Thách thức phát triển và Động lực mới phát triển kinh tế ĐBSCL.

Diễn đàn nhằm góp phần tìm ra giải pháp, tạo động lực phát triển bền vững kinh tế vùng ĐBSCL và kết nối giữa khu vực với toàn bộ các tỉnh phía Nam.