1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phó Thủ tướng:

Dồn toàn lực kiểm soát dịch trước khi kết thúc cách ly xã hội

Thái Anh

(Dân trí) - Kiểm tra công tác chống dịch tại tỉnh Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, ngày 8/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các tỉnh dồn toàn lực, kiểm soát dịch bệnh trước khi kết thúc thực hiện Chỉ thị 16.

Chuỗi lây nhiễm chủ yếu từ người ở TPHCM về

Dồn toàn lực kiểm soát dịch trước khi kết thúc cách ly xã hội - 1

Phó Thủ tướng đi kiểm tra một khu cách ly tập trung tại Kiên Giang (Ảnh: VGP).

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung khái quát, chuỗi lây nhiễm ở Kiên Giang chủ yếu là từ người trở về từ TPHCM và các tỉnh có dịch. Lây nhiễm bên trong cơ sở điều trị và một số cơ sở cách ly tập trung. Qua sàng lọc tại bệnh viện chưa xác định được nguồn lây. Nhiều ổ dịch chưa được kiểm soát tốt.

Thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, các phân tích dữ liệu về nguy cơ khách quan thì Kiên Giang đang ở mức nguy cơ dịch bệnh rất cao khi ghi nhận chuỗi lây nhiễm trong Khoa Nội - Tiêu hóa (Bệnh viện đa khoa tỉnh). Các ca nhiễm phát hiện qua sàng lọc, lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Địa phương cũng chưa thực hiện xét nghiệm sàng lọc, tầm soát cộng đồng…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Kiên Giang phải tận dụng khoảng thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 để có chiến dịch xét nghiệm sàng lọc, tầm soát diện rộng, sử dụng mẫu gộp, tập trung vào những khu vực nguy cơ như cán bộ y tế, làm việc tại các khu cách ly, khu chợ,…

"Phải rà soát toàn bộ máy móc, sinh phẩm xét nghiệm, mạnh dạn, sáng tạo hơn nữa trong kết hợp xét nghiệm nhanh, xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp. Như vậy mới có thể tăng tần suất rà soát, sàng lọc diện rộng. Trong những ngày tới, nhất định Kiên Giang phải dồn lực làm sạch cơ bản trên địa bàn toàn tỉnh, khoanh chặt các ổ dịch còn lại để xử lý dứt điểm", Phó Thủ tướng nói.

85% ca nhiễm lây từ lái xe đường dài

Tại cuộc làm việc chiều 8/8, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nêu con số đáng chú ý là 85% ca nhiễm trong tổng số 480 ca ghi nhận đợt này liên quan lây nhiễm từ lái xe đường dài từ các tỉnh vào thu gom nông sản. Điều đó khiến mức độ lây nhiễm cộng đồng rất phức tạp.

"Một ngày có khoảng 2.000 xe tải đi vào tỉnh. Chúng tôi lấy mẫu xét nghiệm nhanh, lấy thông tin liên lạc của tất cả lái xe, người đi cùng xe sau đó cho phép xe tiếp tục lưu thông, nếu có kết quả dương tính thì yêu cầu lái xe dừng lại để lực lượng y tế thực hiện lấy mẫu xét nghiệm khẳng định RT-PCR. Vì vậy, hoạt động lưu thông hàng hóa không bị ách tắc", ông Nguyễn Thanh Bình trao đổi.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nêu thực tế, hiện các bộ ngành có rất nhiều văn bản quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch, nhưng có những điểm chưa thống nhất, thậm chí chồng chéo khiển địa phương lúng túng trong việc triển khai.

Dồn toàn lực kiểm soát dịch trước khi kết thúc cách ly xã hội - 2

Chiều 8/8, Phó Thủ tướng thị sát tại Bệnh viện tỉnh An Giang.

Nêu ý kiến về việc này, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt - Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng nguồn lây nhiễm của An Giang rất phức tạp. Vì vậy, địa phương phải thực nghiệm rất nghiêm Chỉ thị 16; đẩy mạnh truy vết, nhanh chóng khoanh vùng, tổ chức xét nghiệm thật nhanh để sớm phát hiện và cách ly tất cả F0, F1, không để sót ra ngoài cộng đồng; kiểm soát chặt người về từng vùng dịch, các tỉnh khác.

Phó Thủ tướng động viên An Giang phấn đấu hết thời gian thực hiện Chỉ thị 16 là phải kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, khoanh gọn lại các ổ dịch, giữ chắc vùng an toàn. Ngoài ra, sau khi kết thúc đợt cách ly xã hội vẫn phải có những điều chỉnh nhất định trong đời sống, sản xuất trong bối cảnh chưa có miễn dịch cộng đồng, chưa có thuốc đặc trị, tình hình dịch bệnh trong nước vẫn diễn biến phức tạp. 

Nguy cơ dịch với miền Tây

Tại cuộc làm việc chiều tối cùng ngày với tỉnh Hậu Giang, Phó Thủ tướng nghe Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh nêu đánh giá, dịch bệnh vẫn có nguy cơ lan rộng trên địa bàn, do số người về từ vùng dịch về Hậu Giang còn nhiều (qua đường mòn, lối mở, đường thủy). Hậu Giang còn 14 vùng cách ly y tế tại 8 xã, phường, thị trấn, trong đó có 1 ổ dịch nguy cơ rất cao, có 35 ca mắc cộng đồng mới ghi nhận từ tối 5/8.

Ghi nhận Hậu Giang đã chuẩn bị tương đối đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị điều trị bệnh nhân Covid-19, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, để bảo đảm hiệu quả điều trị cao nhất tỉnh cần sắp xếp lại tầng điều trị đầu tiên F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ thành 2 khu riêng biệt.

Khu F0 không triệu chứng phải chăm lo đầy đủ cho bà con về dinh dưỡng, có không gian vận động, rèn luyện sức khỏe, thoải mái tinh thần, cấp các loại thuốc, phương thuốc đông y, kết hợp tây y để nâng cao thể trạng, giảm tối đa tỷ lệ chuyển thành có triệu chứng. Đồng thời, có nhân viên y tế theo dõi sát các F0 chuyển sang triệu chứng để xử lý, chuyển lên tuyến trên kịp thời.

Khu điều trị bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và vừa, phải trang bị đầy đủ hệ thống oxy tập trung, máy thở oxy dòng cao (HFNC), một số loại thuốc điều trị để can thiệp, xử lý sớm, không để cho bệnh nhân chuyển nặng hơn.

Đánh giá chung, Phó Thủ tướng cho rằng đến thời điểm này, trong số 19 tỉnh phía Nam đang phải cách ly xã hội, các tỉnh Nam sông Hậu đã kiểm soát dịch tốt. Tuy nhiên, khu vực Tây Nam Bộ vẫn có nguy cơ dịch bệnh rất lớn khi TPHCM một phần Bình Dương, Đồng Nai, Long An bị lây nhiễm rất nặng.

Cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp để có thể kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh trong những ngày tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương chuẩn bị phương án để người dân, doanh nghiệp quay trở lại đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.