1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Dọn hơn 1.300 ha đất sót bom mìn ở 6 tỉnh miền Trung

(Dân trí) - Hàng loạt con số “phát sốt” về thực trạng ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh được thống kê sau dự án điều tra kéo dài 5 năm qua. Hơn 2 triệu USD mới “dọn” được hơn 1.300/1,6 triệu ha đất “dính” bom mìn ở 6 tỉnh miền Trung.

Trẻ em, lao động trụ cột là nạn chân chính

Quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng hơn 15 triệu tấn bom đạn trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Theo tính toán của Bộ Quốc phòng, khoảng 5% số bom đạn dội xuống mảnh đất này (tương đương 750.000 tấn) đã không phát nổ, tiếp tục gây thương vong cho nhiều người dân sinh sống ở các “túi bom”. Dự án điều tra, khảo sát, đánh giá tác động ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh do Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) và Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (BOMICEN - Bộ Quốc phòng) tiến hành trong 5 năm (2004-2009)

Đánh giá mức độ ô nhiễm, một số khu vực bom, mìn, vật liệu nổ nằm lộ ngay trên mặt đất, nhưng đa số nằm trong lòng đất ở độ sâu tới 5m, đặc biệt có khu vực sâu tới 10-20m. Trong khi đó, các hoạt động rà phá mới chỉ cố gắng làm sạch được tới độ sâu 30 cm và hạn chế ở những khu đất có nhu cầu canh tác hoặc xây dựng công trình, nhà cửa ở mức độ cấp thiết nhất.
Dọn hơn 1.300 ha đất sót bom mìn ở 6 tỉnh miền Trung - 1
21% nạn nhân của bom mìn là trẻ em.

Kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975, chỉ tính riêng 6 tỉnh thuộc dự án (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Ngãi), lượng bom đạn, roc-két và mìn sát thương sót lại đã lấy đi cuộc sống của 10.529 người và làm thương 12.231 người. Mìn sát thương chủ yếu làm thương và gây chết dân thường. Hậu quả để lại của loại vũ khí này kéo dài nhiều thế hệ khi chấm dứt cuộc chiến.

Hơn 1/3 diện tích đất đai ở 6 tỉnh miền Trung với hơn 3.000 khu vực, tổng diện tích sấp xỉ 1,6 triệu ha được xác định là ô nhiễm bom mìn. Hầu hết mỗi xã phường đều có 1-2 khu vực ô nhiễm, gần 12% số xã, phường có trên 90% diện tích là bãi bom mìn cũ. Đây là một cản trở lớn cho các chương trình phát triển mà nền kinh tế địa phương chủ yếu dựa vào nông nghiệp.

Trong 5 năm qua, số nạn nhân của bom mìn, vật nổ tại 6 tỉnh nghiên cứu là 437 người tử vong và 489 người bị thương. Tỷ lệ thương vong trong tổng số nạn nhân như vậy lên tới 46,3%. Trong những khu vực “nóng” này, Quảng Trị, Quảng Bình là 2 tỉnh có tổng số nạn nhân lớn nhất trong 39 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc. Quảng bình có 6760 trường hợp và Quảng Bình có 5847 trường hợp.
Dọn hơn 1.300 ha đất sót bom mìn ở 6 tỉnh miền Trung - 2
Bản đồ bom mìn, vật nổ tại "túi bom" Quảng Trị.

Theo số liệu điều tra của BOMICEN, tính đến năm 2000, Việt Nam có 42.135 người chết và 62.163 người bị thương vì các loại vũ khí, vật liệu nổ sót lại trên cả nước kể từ năm 1964 đối với miền Bắc và từ năm 1975 đối với miền Nam.

Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh - Giám đốc BOMICEN - khái quát, 34% số người gặp nạn do hoạt động thu lượm phế liệu, 27,5% do hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, 21% là trẻ em khi đang chơi, đùa nghịch vướng phải bom mìn. Tỷ lệ tử vong phần lớn là nam giới, trong độ tuổi 18-45, lực lượng lao động chính trong gia đình.

Để mảnh đất Việt Nam an lành hơn

Trưởng đại diện VVAF, bà Nguyễn Thu Thảo cho biết, kết quả khảo sát sử dụng dữ liệu lưu trữ của quân đội Hoa Kỳ ghi lại tất cả các trận oanh tạc trên không trong thời gian chiến tranh, đồng thời phỏng vấn hơn 33.000 người dân sống ở toàn bộ 1.361 xã phường trong khu vực để xây dựng bản đồ khu vực ô nhiễm, mức độ ô nhiễm và mức độ ảnh hưởng của sự ô nhiễm bom mìn đối với đời sống kinh tế xã hội.

Tổng nguồn ngân sách cho dự án trên 2,2 triệu USD. Trong đó, nguồn do VVAF thông qua Bộ ngoại giao Mỹ thực hiện từ năm 2004 là 1,98 triệu USD, hỗ trợ của BOMICEN sấp xỉ 238.000 USD. 5 năm tiến hành dự án, BOMICEN đã tiến hành rà phá 1358 hecta đất ô nhiễm, phá huỷ an toàn hơn 24.000 bom, mìn, vật nổ, trong đó có 6 quả bom chi phí phá từ 250-1000 bảng Anh.
Dọn hơn 1.300 ha đất sót bom mìn ở 6 tỉnh miền Trung - 3
5 năm, hơn 1.300 ha đất ô nhiễm bom mìn đã được làm sạch, hơn 24.000 bom, mìn được rà phá.

Tuy nhiên, theo ước tính của Bộ Quốc phòng, còn 6,6 triệu hecta đất vẫn đang chờ được xử lý, 57 tỉnh thành khác cần lập bản đồ khu vực ô nhiễm. “Còn rất nhiều việc phải làm để có được một Việt Nam an toàn cho tất cả mọi người đều được yên tâm sinh sống” - người sáng lập VVAF, ông Bobby Muller chia sẻ. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Michael Michalak cũng khẳng định sẵn sàng hỗ trợ BOMICEN tiếp tục công việc xử lý ô nhiễm để Việt Nam trở thành mảnh đất an lành hơn.

Dự án mang nhiều ý nghĩa này giữa Bộ Tư lệnh công binh - Bộ Quốc phòng Việt Nam và VVAF là một điểm nhấn trong mối quan hệ chặt chẽ gần 30 năm giữa Việt Nam và một nhóm cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến trên mảnh đất này. Trong suốt gần 30 năm đó, các bên đã nỗ lực cho quá trình bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

P.Thảo