"Đòn điểm huyệt" trong mùa Xuân đại thắng
(Dân trí) - Chiến thắng Buôn Ma Thuột là "đòn điểm huyệt" để mở ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 - một trong những thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc ta.

Thời cơ xuất hiện hành động ngay, không phải chờ mệnh lệnh!
Một ngày đầu xuân năm 2025, trong ngôi nhà rợp bóng cây xanh ở quận Ba Đình, Hà Nội, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quốc Thước, nay đã bước sang tuổi bách niên không khỏi xúc động khi nhớ lại những năm tháng hào hùng của chiến dịch Tây Nguyên lịch sử.
Cuối năm 1974, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đang giữ vai trò Tham mưu trưởng mặt trận Tây Nguyên. Theo ông, chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975 là sự kiện mở màn quan trọng nhất cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Dù tuổi cao nhưng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước vẫn minh mẫn, tinh anh (Ảnh: V. Thực).
Theo phân công của Thượng tướng Vũ Lăng (khi đó đang là Thiếu tướng, Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên (sau này là Tư lệnh Quân đoàn 3) và Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp (khi đó là Đại tá, Chính ủy mặt trận), Tham mưu trưởng Nguyễn Quốc Thước được cử ra Bắc để báo cáo tình hình chiến trường và nhận nhiệm vụ. Tại Hà Nội, ông đã gặp và báo cáo tình hình với Đại tướng Văn Tiến Dũng và sau đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
"Cái mà tôi tâm đắc nhất khi nhận nhiệm vụ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dặn đi dặn lại: Khi tổ chức đánh vào Buôn Ma Thuột phải tập trung lực lượng đủ mạnh để giải quyết nhanh mục tiêu, cần tổ chức mũi thọc sâu bằng bộ binh cơ giới đánh thẳng ngay vào các trung tâm chỉ huy của địch.
Đại tướng dặn tôi về nói với anh Vũ Lăng rằng tình hình có thể diễn biến rất mau lẹ, khi thời cơ xuất hiện thì Bộ Tư lệnh chiến dịch chủ động hành động ngay, không phải chờ mệnh lệnh của trên! Bộ Tư lệnh đã thực hiện trọn vẹn những căn dặn đó", ông bồi hồi nhớ lại.


Với quan điểm lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, nghệ thuật quân sự Việt Nam là nghệ thuật trọng dụng mưu kế để tác chiến. Việc vận dụng và kết hợp các nghệ thuật quân sự từ phục kích, tập kích, phản kích, truy kích, công thành lũy... đã được hình thành, phát triển trong hàng nghìn năm chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Đến thời đại Hồ Chí Minh, sau thắng lợi chấn động địa cầu tại Điện Biên Phủ trước thực dân Pháp, nghệ thuật quân sự Việt Nam ngày càng hoàn thiện, có sự phát triển vượt bậc trước tình hình mới với nhiều nét độc đáo, sâu sắc.
"Lực, thế, thời, mưu" là những vấn đề cốt lõi mà người cầm quân phải tính toán. Việc "lập mưu, tạo kế, xây thế, đánh trận" luôn được nghiên cứu, tính toán một cách linh hoạt, sáng tạo từ cấp chiến thuật đến chiến dịch, chiến lược.
Những điều này được thể hiện rất rõ trong chiến dịch Tây Nguyên mà "đòn điểm huyệt" là trận Buôn Ma Thuột.
"Đòn điểm huyệt" trên đất Tây Nguyên
Từ giữa năm 1974 đến đầu 1975, quân giải phóng đã dàn thế trận bao vây địch ở hai đầu bằng việc thành lập Quân đoàn 2 ở Trị Thiên, Quân đoàn 4 ở Tây Ninh, còn Quân đoàn 1 ở bắc sông Bến Hải là lực lượng dự bị chiến lược khi thời cơ đến.
Các đơn vị chủ lực của quân giải phóng đã giam chân địch ở hai đầu Nam - Bắc chiến tuyến, đặc biệt là Sư đoàn Thủy quân lục chiến và Sư đoàn Dù - lực lượng cơ động dự bị chiến lược của địch.
Bằng việc tổ chức vây hãm, cắt đứt tuyến đường tiếp tế của địch từ các căn cứ liên hợp quân sự, hậu cần ở Cam Ranh, Quy Nhơn, Chu Lai, Đà Nẵng, Sài Gòn, các lực lượng của quân giải phóng buộc địch phải để hở khu vực Tây Nguyên, vốn được xem là vị trí "xương sống" của địch.
"Đó là nghệ thuật tạo thế và thời cơ để phá vỡ", Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đúc kết.


Để tạo "lực" cho chiến dịch, Sư đoàn 316 (hơn 500 xe tải chở lực lượng từ Nghệ An vào Đắk Đam, phía tây Buôn Ma Thuột) tăng cường, cùng Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 và nhiều trang thiết bị quân sự, xăng dầu... tạo nên lực lượng đủ mạnh để phá vỡ hệ thống phòng thủ của địch ở Buôn Ma Thuột. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên còn cung cấp cả những đoàn voi để vận chuyển đạn dược cho quân giải phóng.
Trong chiến dịch Tây Nguyên, Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng Tác chiến của chiến dịch. Ông là người chấp bút cho Thượng tướng Vũ Lăng, Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên và Bộ Tư lệnh chiến dịch soạn thảo kế hoạch tác chiến, trong đó có kế hoạch nghi binh đánh lừa địch.
Trong kết hoạch này, Bộ Tư lệnh thống nhất xây dựng 2 phương án tấn công Buôn Ma Thuột: tấn công khi địch không có phòng ngự dự phòng và tấn công khi địch có phòng ngự dự phòng.
Bộ Tư lệnh chỉ thị phải tìm mọi cách nhử lực lượng chủ lực của Quân đoàn 2 chính quyền Sài Gòn về Kon Tum và Pleiku, giữ chân chúng ở đó, tạo sơ hở tại Buôn Ma Thuột để đột phá nhanh, làm chủ thị xã trong thời gian ngắn nhất.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhớ lại: "Trên chủ trương làm thế nào để đánh Buôn Ma Thuột mà địch không có phòng ngự dự phòng. Nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh mặt trận phải xây dựng chi tiết phương án tối ưu. Công tác chuẩn bị rất công phu, kéo dài từ cuối năm 1974 đến đầu năm 1975, anh Vũ Lăng phân công tôi chuẩn bị kế hoạch chung chiến dịch, còn anh Khuất Duy Tiến sẽ dự thảo kế hoạch nghi binh".
Để triển khai nghi binh, Sư đoàn 968 được điều từ Hạ Lào về bắc Tây Nguyên, thế chỗ cho Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 đang áp sát phía tây Buôn Ma Thuột bên bờ sông Sê-rê-Pôk. Sư đoàn 968 mang mật danh "Bộ tư lệnh Mặt trận B3" chỉ thị cho các đơn vị thế chân Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 ở Kon Tum, Gia Lai đẩy mạnh hoạt động chuẩn bị chiến trường như trinh sát làm trận địa pháo, củng cố công sự trận địa.
Sư đoàn 968 sử dụng hệ thống điện đài, báo vụ viên, đường dây thông tin của Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 được để lại và liên tục truyền đi các "mệnh lệnh giả" với tần suất lớn cho các đơn vị ở bắc Tây Nguyên, cố tình cho địch bắt được khiến chúng tin ta đánh lớn ở Pleiku và Kon Tum.
Cùng với nghi binh "âm thanh" (tạo tiếng động cơ xe tăng, pháo liên tục di chuyển để thu hút trinh sát mặt đất của địch), Bộ Tư lệnh chiến dịch cho làm thêm nhiều tuyến đường mới về Pleiku và Kon Tum để thu hút trinh sát đường không đối phương, cho nhân dân quanh vùng loan tin sắp đánh lớn ở đây.
Bên cạnh kế hoạch nghi binh là kế hoạch hành quân được hoạch định rất chi tiết, cụ thể, lực lượng tương đương gần 5 Sư đoàn với hàng trăm xe, pháo đã di chuyển hơn 300km đường rừng, tiến sát mục tiêu ở hướng nam Tây Nguyên.

Quân Giải phóng đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy trong trận Buôn Ma Thuột, tháng 3/1975 (Ảnh TTXVN).
Khi Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 đã về đến vị trí ém quân ở nam Tây Nguyên, Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn 2 chính quyền Sài Gòn lệnh cho Trung đoàn 45 (Sư 23 chính quyền Sài Gòn) đánh ra Quảng Nhiêu và Ea H'leo ở khu vực tây bắc Buôn Ma Thuột, cố dò tìm tung tích các đơn vị chủ lực của quân giải phóng.
Dù vẫn nhận được tin Sư đoàn 320 đang rời xuống phía nam, chuẩn bị đánh Thuần Mẫn (phía bắc Buôn Ma Thuột), nhưng ở Sài Gòn, tình báo CIA lại báo cho Phú biết, tuy có dấu hiệu chuyển quân không bình thường ở khu vực Buôn Ma Thuột, nhưng hướng chính của quân giải phóng vẫn là Pleiku và Kon Tum.
Để củng cố thêm phán đoán sai lầm của địch, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh chiến dịch lệnh cho các đơn vị của Sư đoàn 968 nã pháo vào phía tây Pleiku, tổ chức lực lượng tấn công chiếm các cao điểm, uy hiếp hai quận lỵ Thanh Bình và Thanh An. Bộ Tư lệnh chiến dịch cho tung ra điện giả: "Địch đã bị lừa, cho rằng ta sẽ đánh Buôn Ma Thuột nên tung Trung đoàn 45 xuống phía nam".
Nhận được tin, Phạm Văn Phú vội điện cho Trung đoàn 45 đang lùng tìm Sư đoàn 320 ở Ea H'leo phải quay về Pleiku ngay lập tức.
Cài thế ta, phá thế địch
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhớ lại: Sau khi hoàn thành "tạo thế", Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ đạo các đơn vị tiến hành "cài thế".
Các đơn vị của quân giải phóng đánh, cắt các trục đường chính (14, 19, 21). Khi các trục đường này bị cắt và khóa chặt, Tây Nguyên bị cô lập, tách rời khỏi vùng đồng bằng Nam Trung Bộ và cả chiến trường miền Nam. Cho đến ngày cận kề chiến dịch, chủ lực của Quân đoàn 2 chính quyền Sài Gòn vẫn bị giữ chặt ở bắc Tây Nguyên.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (đứng giữa, hàng đầu) chụp ảnh lưu niệm với lực lượng hậu cần Chiến dịch Tây Nguyên (Ảnh: V. Thực).
Lực lượng công binh đã mưu trí làm đường ngầm và bến phà cho tăng và pháo vượt sông Sê-rê-Pôk, những gốc cây to được cưa 2/3 đường kính để xe tăng dễ dàng băng vào trận. Đặc biệt, với những sáng kiến mới, cơ số đạn chiến đấu của xe tăng thuộc Trung đoàn 273 Tăng thiết giáp được nâng từ 34 viên lên 54 viên, bảo đảm chiến đấu được trong thời gian dài và bắn không hạn chế.
Đúng 2h ngày 10/3/1975, Tư lệnh chiến dịch Hoàng Minh Thảo giao Tham mưu trưởng Nguyễn Quốc Thước lệnh cho pháo binh chiến dịch bắn cấp tập áp chế hỏa lực địch. Bằng thế trận hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, quân giải phóng tổng tiến công vào Buôn Ma Thuột từ 5 hướng, đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu, gồm: Sở chỉ huy Sư đoàn 23, tiểu khu Đắk Lắk, sân bay Hòa Bình, trận địa pháo binh - thiết giáp,… Lực lượng đặc công chiếm giữ các điểm chốt trọng yếu, lực lượng tăng thiết giáp đồng loạt mở đường làm mũi thọc sâu cho bộ binh tiến lên.
Đến 11h ngày 11/3/1975, quân giải phóng làm chủ hoàn toàn Buôn Ma Thuột. Kế hoạch "phản đột kích" sau đó của địch đã nằm trong dự tính của Bộ Tư lệnh chiến dịch. Các đơn vị đã tạo thế trận để địch đổ quân vào vị trí chuẩn bị sẵn, tiêu diệt phần còn lại của Sư đoàn 23, đơn vị mà chúng luôn tự hào là "Nam bình, Bắc phạt, Cao nguyên trấn".

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trong niềm vui gặp lại đồng đội (Ảnh: V. Thực).
Chỉ sau 16 ngày đêm, quân giải phóng đã làm chủ Tây Nguyên, phối hợp cùng nhân dân giải phóng 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, tạo đột biến chiến lược đi đến giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.
"Không có sự động viên, hỗ trợ, chở che, nuôi nấng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta không thể có chiến thắng này. Trong chiến dịch lịch sử này, nhiều đồng đội của tôi đã nằm lại trên chiến trường Tây Nguyên ác liệt. Tròn 50 năm - nửa thế kỷ đã trôi qua - hơn một vạn liệt sỹ đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt", Trung tướng Nguyễn Quốc Thước xúc động chia sẻ.
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên, người trực tiếp chỉ huy và điều hành thành công chiến dịch đã khẳng định: "Mưu cao nhất là mưu lừa địch. Kế hay nhất là kế điều địch. Thế tốt nhất là thế chia cắt địch. Thời đẹp nhất là lúc địch ít phòng bị.
Lừa địch và điều địch là tạo chủ động. Chủ động là mạch sống của tác chiến. Mưu sinh ra kế, thế đẻ ra thời, đánh bằng mưu kế, thắng bằng thế thời. Đó là quy luật của chiến tranh, muốn giành chiến thắng phải nắm được quy luật của chiến tranh".
(Bài viết sử dụng ảnh tư liệu của TTXVN)