1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đồi nứt hàng trăm mét, nhiều hộ dân luôn canh cánh... sẵn sàng bỏ chạy

Bình Minh

(Dân trí) - Nằm dưới chân một quả đồi với vết nứt dài hàng trăm mét, đất đá liên tục trượt xuống khiến gần 20 hộ dân ở khu vực Pom Ca Thảy, xã Sơn Điện, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa) luôn sống trong sợ hãi.

Đêm không dám ngủ

Khu vực Pom Ca Thảy, bản Xuân Sơn (xã Sơn Điện) là nơi sinh sống chủ yếu của bà con đồng bào dân tộc Thái. Theo phản ánh của người dân địa phương, khoảng 2 năm nay, trên thân đồi xuất hiện những vết nứt, thêm vào đó là tình trạng sụt lún có xu hướng ngày càng ăn sâu, lan rộng. Trong đó, có nhiều vết nứt chạy dọc từ đỉnh đồi xuống, dài hàng trăm mét. Hiện, đất đồi đã sạt lở đến sát nhà văn hóa bản.

Đồi nứt hàng trăm mét, nhiều hộ dân luôn canh cánh... sẵn sàng bỏ chạy - 1

Cán bộ huyện Quan Sơn đã về kiểm tra tình hình sạt lở tại khu vực Pom Ca Thảy, bản Xuân Sơn (Ảnh: CTV).

Theo ông Lương Văn Kiêm, bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện, lúc đầu chỉ là những vết nứt nhỏ nhưng vết nứt ngày càng lan rộng, gần đây đất đá, cây trên đồi thường xuyên sạt trượt xuống cạnh nhà dân và nhà văn hóa. Do vậy, người dân sống dưới chân đồi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, đặc biệt là mùa mưa lũ ăn không ngon, ngủ không yên.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, tỉnh này hiện có 2.778 hộ/11.897 khẩu đang sinh sống ở 83 xã thuộc 12 huyện có nguy cơ xảy ra lũ quét và có 5.725 hộ/23.868 khẩu sống tại 17 huyện, thị xã đang sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất. 

Các hộ chủ yếu tập trung ở huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Bá Thước, Thường Xuân, Thạch Thành...

"Nhiều trận mưa lớn trong đêm, cả làng không ai dám ngủ, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng bỏ chạy nếu có động tĩnh gì từ trên núi.

Do không có kinh phí để di dời nên chúng tôi mong được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ để chúng tôi chuyển đến nơi ở mới, yên tâm phát triển kinh tế", ông Lương Văn Bản, bản Xuân Sơn mong muốn.

Cũng theo ông Bản, một số hộ do ảnh hưởng của sạt lở khiến nhà bị nứt toác.

Được biết, tháng 7 vừa qua, UBND huyện Quan Sơn đã cử cán bộ lên kiểm tra và phát hiện nhiều vết nứt dọc từ trên đồi xuống có chiều dài 300 m, rộng 3-7 cm, có nơi 10-15 cm, chiều dài sâu vào lòng đất.

Đồi nứt hàng trăm mét, nhiều hộ dân luôn canh cánh... sẵn sàng bỏ chạy - 2

17 hộ dân với 77 nhân khẩu có nguy cơ bị ảnh hưởng sạt lở (Ảnh: Bình Minh).

Đồi nứt hàng trăm mét, nhiều hộ dân luôn canh cánh... sẵn sàng bỏ chạy - 3

Người dân cho rằng nhiều căn nhà bị nứt do ảnh hưởng sạt lở (Ảnh: Bình Minh).

Ngoài ra, trên đồi có nhiều vết sụt lún đất ngang có chiều cao 1-3 m, chiều dài 200 m làm nghiêng, đổ, gãy các loại cây trồng; bề mặt đất bị vỡ và nứt, rất dễ sạt lở khi có mưa kéo dài.

Theo ông Phạm Nhật Quang, Chủ tịch UBND xã Sơn Điện, tình trạng thân đồi khu vực Pom Ca Thảy bị nứt, sụt lún ngày càng nghiêm trọng, không chỉ uy hiếp sự an toàn của 17 hộ dân với 77 nhân khẩu sinh sống ngay dưới chân đồi mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ nhà cửa, hoa màu, đất sản xuất, cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa của bản Xuân Sơn và hơn chục hộ dân ở khu vực lân cận.

Huyện kiến nghị di dời

Trước thực trạng trên, UBND huyện Quan Sơn đã tuyên truyền, cắm biển cảnh báo nguy hiểm sạt lở đất cho người dân phòng tránh và theo dõi các vết nứt trên đồi để kịp thời ứng phó; xây dựng phương án di dân khỏi vùng nguy cơ sạt lở khi mưa lớn xảy ra.

Đồi nứt hàng trăm mét, nhiều hộ dân luôn canh cánh... sẵn sàng bỏ chạy - 4

Tình trạng sạt lở ở Pom Ca Thảy ngày càng nghiêm trọng (Ảnh: Bình Minh).

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn, hiện nay, công tác di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng của thiên tai trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là do thiếu kinh phí. Không những vậy, mức kinh phí hỗ trợ hộ dân di dời từ 20 - 30 triệu đồng/hộ cũng rất thấp, trong khi đời sống của bà con nằm trong vùng ảnh hưởng thiên tai khó khăn, thiếu tiền để đối ứng.

Ông Trương Trọng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cho biết huyện đã ghi nhận tình trạng sạt lở tại xã Sơn Điện và đã có tờ trình báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh có chủ trương sắp xếp, di dời dân đến nơi ở an toàn để ổn định đời sống.

Thống kê sơ bộ của chính quyền địa phương, trên địa bàn huyện Quan Sơn có tới hơn 823 hộ dân sống ở khu vực thường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, nhưng trong giai đoạn 2016-2020, huyện mới chỉ có 9 hộ dân được hỗ trợ kinh phí để di dời.

Tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng Đề án sắp xếp ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh này giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, mục tiêu từ năm 2021 đến tháng 6/2023 sắp xếp, ổn định cho 1.653 hộ dân; giai đoạn từ tháng 6/2023 đến năm 2025 sắp xếp ổn định cho 1.127 hộ dân tại các khu vực có nguy cơ rất cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất theo hình thức bố trí tái định cư xen ghép; bố trí tái định cư liền kề và bố trí tái định cư tập trung.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm