1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đổi mới pháp luật về đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai từng bước được tăng cường, nguồn thu từ đất đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến với các Tỉnh ủy, Thành ủy (Đà Nẵng, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Bình Thuận, Đồng Tháp) về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và tổng kết thi hành Luật Đất đai.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định đất đai với mỗi quốc gia là tài nguyên đặc biệt, là một trong những nguồn lực to lớn cho phát triển.

Vấn đề đất đai và chính sách, pháp luật quản lý đất đai luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội; có tác động trực tiếp tới hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường đất nước cũng như mỗi người dân.

Đổi mới pháp luật về đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường - 1

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Lan Anh).

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, qua gần 10 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và 8 năm thi hành Luật đất đai, chúng ta đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai từng bước được tăng cường; nguồn thu từ đất đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước. Thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất đã từng bước phát triển để cùng với thị trường vốn, thị trường lao động, khoa học, công nghệ cấu thành một chỉnh thể của cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, quá trình thực thi cũng bộc lộ nhiều tồn tại; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tài nguyên đất đai chưa được giao cho chủ thể có năng lực sử dụng hiệu quả còn để lãng phí, hoang hóa, chưa hiệu quả.

Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư. Thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất còn yếu kém, thiếu đồng bộ. Tình trạng vi phạm chính sách pháp luật đất đai, tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp…

"Đây là những tồn tại hạn chế, nhưng chính là dư địa để phát triển nếu chúng ta xác đúng các quan điểm, chủ trương, giải pháp, các nút thắt từ thực tiễn để đổi mới chính sách pháp luật về đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, yêu cầu của tiến trình phát triển của đất nước"- ông Hà nói.

Các báo cáo tham luận của Tỉnh ủy, Thành ủy cũng đều nhấn mạnh đất đai với mỗi quốc gia là tài nguyên đặc biệt, một trong những nguồn lực to lớn cho phát triển. Hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai ngày càng được kiện toàn, trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao. Dù vậy, nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ; thị trường bất động sản chưa ổn định, trong khi người dân chỉ có nhu cầu bố trí tái định cư, không đồng ý với đền bù bằng tiền…

Các ý kiến thảo luận đều kiến nghị cần phải đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc Luật Đất đai là luật gốc điều chỉnh các quan hệ đất đai. Đồng thời chú trọng khai thác hiệu quả không gian, kết nối liên vùng, tầm nhìn dài hạn để quản lý sử dụng đất đai hiệu quả, khai thác nguồn lực đất đai, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài.

Hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất bảo đảm khách quan, minh bạch, tính đúng, tính đủ các giá trị tăng thêm từ các yếu tố lợi thế phù hợp với giá cả thị trường. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đất đai đồng bộ để quản lý sử dụng nguồn lực hiệu quả, tăng cường minh bạch công khai các quy hoạch.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết các ý kiến tại hội nghị sẽ được nghiên cứu, tiếp thu để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và sửa đổi Luật đất đai để trình Quốc hội.