1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bất cập trong việc giao đất cho tư nhân xây dựng khu du lịch tâm linh

(Dân trí) - Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý đất đai tôn giáo, giao đất cho các doanh nghiệp tư nhân để xây dựng khu du lịch văn hóa tâm linh liên quan đến tôn giáo.

Ngày 3/6, Bộ Nội vụ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến về cơ chế quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng khẳng định vấn đề quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng là vấn đề lớn, phức tạp và bất cập trong cơ chế giao đất, sử dụng đất, quản lý, điều hành. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo sát sao vấn đề này. Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã tham gia sửa đổi Luật Đất đai, các Ban Chỉ đạo Trung ương cũng tổ chức nhiều cuộc họp liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất đai trong tôn giáo.

Bộ Nội vụ đang chuẩn bị sơ kết Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2018, trong đó sẽ đề xuất ban hành chủ trương, chính sách mới về quản lý đất đai trong các tôn giáo. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Nội vụ đánh giá đây là vấn đề khó và phức tạp. 

Theo ông Thắng, việc tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới là cơ hội, nút tháo gỡ những khó khăn.

Bất cập trong việc giao đất cho tư nhân xây dựng khu du lịch tâm linh - 1

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng phát biểu tại hội nghị trực tuyến (Ảnh: Bộ Nội vụ).

Nhiều vướng mắc, bất cập

Báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ cho thấy đến tháng 11/2020, các tổ chức tôn giáo sử dụng khoảng 29.801 cơ sở tôn giáo, tăng khoảng 5.801 cơ sở so với năm 2008. Số cơ sở trên bao gồm cơ sở thờ tự, cơ sở đào tạo, cơ sở phụ trợ, cơ sở hoạt động xã hội của tôn giáo. Trong đó có cả cơ sở đã được cấp và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Luật Đất đai năm 2013 đã có nhiều quy định cụ thể đối với đất tôn giáo, tín ngưỡng nhưng vẫn chưa tìm được hướng giải quyết ổn thỏa và lâu dài. Thực tế áp dụng Luật Đất đai năm 2013 còn những điểm khó và vướng mắc trong công tác quản lý như về hạn điền, về giao đất, về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa có quy định việc tôn giáo sử dụng đất vào các hoạt động an sinh xã hội…

Đồng thời là những bất cập trong quản lý đất đai tôn giáo, lưu trữ và quản lý hồ sơ đất đai; bất cập trong việc giao đất cho các doanh nghiệp tư nhân để xây dựng khu du lịch văn hóa tâm linh liên quan đến tôn giáo; thiếu chủ động giải quyết vấn đề đất đai, cơ sở liên quan đến tôn giáo…

Lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng cần hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tôn giáo, bổ sung, sửa đổi các nội dung có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong các luật chuyên ngành (khi sửa đổi), trong đó có Luật Đất đai để thống nhất, đồng bộ với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Việc này sẽ tạo hành lang pháp lý trong việc quản lý các hoạt động tôn giáo và phát huy nguồn lực của tôn giáo, trong đó có nguồn lực từ đất liên quan đến tôn giáo đóng góp cho quá trình xây dựng đất nước.

Rà soát tình hình, phân loại và hoàn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tôn giáo, các sở ngành chức năng ở địa phương cần tổ chức khảo sát, thống kê về tình trạng đất đai, cơ sở thờ tự liên quan đến tôn giáo ở địa phương, từ đó phân loại, đánh giá về nguồn gốc đất đai, giấy tờ có liên quan, quá trình sử dụng, hiệu quả sử dụng, nhu cầu của tôn giáo, phương án giải quyết và chủ động đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết phù hợp với từng loại. 

Bất cập trong việc giao đất cho tư nhân xây dựng khu du lịch tâm linh - 2
Chùa Bái Đính (Ảnh minh họa).


Giải quyết tốt các vấn đề chồng chéo

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh, đất đai là sở hữu toàn dân, Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện cho các cơ sở tôn giáo hợp pháp được hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Mặc dù vậy, các cơ sở tôn giáo và tín đồ đều tăng sau mỗi năm trong khi đó quỹ đất không tăng.

Dự báo thời gian tới, Việt Nam sẵn sàng đón tất cả các tôn giáo, thậm chí là các đạo lạ, đó là xu hướng phát triển tự nhiên, có tôn giáo là có tín đồ. Do đó, về quy hoạch đất đai, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho rằng cần có quỹ đất để xây dựng các cơ sở tôn giáo, xây dựng cơ chế bình đẳng trong vấn đề giao đất cho các tôn giáo và giải quyết tốt các vấn đề chồng chéo về thể chế liên quan đến đất đai tôn giáo…

Kết luận hội nghị trực tuyến, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ đã phản ánh được những vấn đề về sử dụng đất đai trong tôn giáo, những hạn chế, bất cập trong quản lý đất đai và những giải pháp, kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền.

Ông Trần Tuấn Anh đề nghị Ban Tôn giáo Chính phủ hoàn thiện báo cáo, đề cập cụ thể các vấn đề lớn về chính sách đất đai, có tính chiến lược để phục vụ tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Bộ Tài nguyên và Môi trường từng kiến nghị rà soát lại các dự án

Tháng 8/2019, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) xung quanh việc cấp hàng ngàn hecta đất để đầu tư, xây dựng khu văn hóa tâm linh chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên).

"Quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ cho phép dự án được tiếp tục triển khai sau khi đã làm rõ hiện trạng triển khai xây dựng dự án, các tác động tới môi trường và xã hội, các rủi ro môi trường là hậu quả của việc triển khai dự án chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), buộc có các phương án giảm thiểu tác động, khắc phục thiệt hại, thậm chí phá dỡ các công trình xây dựng không bảo đảm an toàn, có ảnh hưởng xấu tới môi trường và xã hội"- Bộ này nhấn mạnh.

Đồng thời đề nghị các địa phương rà soát lại các quy hoạch, kế hoạch, các dự án đầu tư đang xin cấp phép, các dự án đang triển khai để có những biện pháp điều chỉnh và quản lý phù hợp trên cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên theo hướng bền vững.