1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đội kịch mù tuyên truyền ATGT độc nhất vô nhị

(Dân trí) - Dù đôi mắt đã lòa và gánh đủ thứ bệnh trên người nhưng người cựu chiến binh Phạm Minh Khoa vẫn khiến nhiều người bị mê hoặc bằng một đội kịch mù độc nhất vô nhị đi “dạy” ATGT cho người sáng mắt.

Sinh năm 1955 ở thôn Châu Trinh, xã Tùng Anh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, thuở còn cắp sách tới trường, Phạm Minh Khoa là một gương mặt xuất sắc trong học tập. Nhưng theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh xếp mọi hoài bão, ước mơ để gia nhập quân đội.

Mùa thu năm 1977, anh Khoa được bổ sung sang chiến trường Campuchia tham gia nghĩa vụ Quốc tế, giúp nước bạn giải phóng đất nước. May mắn đã giúp anh thoát chết khi trúng đạn của địch. “4h45 sáng ngày 6/4/1978, chúng tôi nhận được lệnh đột nhập vào Phummông, quận Mi-mốt, tỉnh Kông-pông chàm nổ súng mở đường lấy đất cho mặt trận giải phóng nước bạn. 5h sáng, theo lệnh chúng tôi vừa tiến vừa nổ súng. Bị tấn công địch đáp trả quyết liệt. Mặc đạn của địch chúng tôi vẫn tiến về phía trước. Khi tui vừa tiến đến một gốc cây đang chỉnh súng thì một quả đạn cối của địch rơi sát người. Tôi chỉ kịp nghe một tiếng nổ vang trời còn sau đó không còn biết gì nữa. Lúc tôi tỉnh dậy thì một mắt đã hỏng, mắt còn lại chỉ thấy lờ mờ, đầu đau không chịu nổi, toàn thân có đến 28 vết thương. Bị thương từ sáng sớm hôm trước nhưng phải tới trưa hôm sau đồng đội mới khiêng được tui ra ngoài” - anh Khoa nhớ lại ngày anh may mắn thoát chết, cũng là ngày anh bị hỏng đôi mắt vĩnh viễn.

Anh Khoa được đưa về Tây Ninh điều trị trước khi về an dưỡng tại Trại điều dưỡng thương bệnh binh QK4 (Nghệ An).

“Xốc” lại cuộc đời bằng âm nhạc

Năm 1983, người cựu chiến binh trở về quê với thể xác không lành lặn. Thương người lính bệnh tật, chân thành, một người phụ nữ trong xã đã nhận lời yêu anh. Họ đến với nhau bằng một đám cưới nhỏ. Sau ngày cưới cuộc sống của hai vợ chồng đầy nỗi gian truân. Anh Khoa liên tục tái phát vết thương, toàn thân nhức nhối trong khi con mắt còn lại có dấu hiệu mờ dần. “Những lúc trái gió trở trời là đủ thứ bệnh trong người hành hạ. Tôi đau đớn, tuyệt vọng, có lúc buông xuôi số phận của mình” - anh Khoa rít điếu thuốc đượm buồn kể.

Nhưng thật lạ, càng những lúc như thế khát vọng sống, khát vọng vượt qua bệnh tật lại bùng lên mãnh liệt, giúp anh chiến thắng tất cả những suy nghĩ tiêu cực để tìm ra ánh sáng cho cuộc đời. Anh Khoa hăng hái tham gia các phong trào tại địa phương. Để quên đi những nỗi đau bệnh tật, nỗi cơ cực lăn lộn kiếm miếng cơm manh áo, rảnh rỗi là anh lại tập chơi đàn. Không ngờ âm nhạc đã tiếp thêm nghị lực cho anh. Anh miệt mài mò mẫm từng con chữ trên mỗi trang sách dù đôi mắt nhìn không rõ. Anh tập sáng tác nhạc, các tiểu phẩm tuyên truyền, ca ngợi quê hương, đất nước.
Đội kịch mù tuyên truyền ATGT độc nhất vô nhị - 1
Từ  một người "tay ngang" tự mày mò học nhạc, giờ người cựu chiến binh ấy đã trở thành một nhạc sỹ thực thụ. Sáng tác "Người mù hát trong mưa" của anh đã đem lại niềm vui cho nhiều người cùng cảnh ngộ (Ảnh: Văn Dũng)
 
Sáng tác đầu tay “Trên sông Cầu nghe câu hát giận thương” của anh đã khiến nhiều người ở Đức Thọ bị mê hoặc. Và cũng từ sáng tác này, anh đã được cố nhạc sỹ Vi Phong để ý, rồi tận tâm giúp đỡ trong con đường sáng tác nhạc đầy đam mê sau này.

Cho đến nay anh Khoa đã sáng tác trên một trăm ca khúc. Tất cả những bài hát ấy đều mang âm hưởng dân ca, ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi Đảng và Bác Hồ kính yêu và một đôi bài viết về tình yêu đôi lứa. Nhiều sáng tác làm lắng sâu lòng người như ca khúc “Tình anh bên dòng Sông La” đoạt giải ca khúc của tỉnh, hay “Khúc xuân Sông La” giành giải nhất Liên hoan tiếng hát nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh. Các ca khúc “Thắm màu sắc áo công nhân”, “Tình xuân Di Côn” đoạt giải Công đoàn Việt nam. Đó cũng là những ca khúc mà anh Khoa tâm đắc nhất trong con đường sáng tác âm nhạc của mình.

Dựng đội kịch mù “hoá giải” TNGT

Năm 2004, lãnh đạo huyện Đức Thọ mời anh làm Chủ tịch Hội người mù huyện. Vừa nhận nhiệm vụ, anh Khoa đã tận tình tới gặp hầu hết những người khiếm thị trên địa bàn, thổi vào họ niềm tin, sự lạc quan vào cuộc sống. Có niềm tin chưa đủ, anh đã gặp lãnh đạo huỵên, các trung tâm dạy nghề thuyết trình những dự án tìm “ánh sáng” cho người khiếm thị. Ngôn ngữ lưu loát, ý tưởng đầy thực tế giúp anh chinh phục được cấp trên cấp kinh phí hỗ trợ dạy nghề cho hội viên. Chỉ trong một thời gian ngắn, rất nhiều người khiếm thị trong huyện đã được học nghề, từ khâu vá, sử dụng thành thạo máy vi tính, làm vườn, buôn bán nhỏ… Nhiều người coi anh như ruột thịt, người thân.

Nhưng, như thế vẫn là chưa đủ với một con người đầy trách nhiệm với xã hội như anh Khoa. “Nhiều lần đi lại trên đường chứng kiến tai nạn giao thông cướp đi mạng sống của nhiều người, tôi thật sự đau đớn, tự nhủ mình phải làm một điều gì đó để hoá giải tai nạn” - anh Khoa đau đáu. Day dứt mãi, cuối cùng anh quyết định xây dựng một đội kịch lưu động tập hợp những "nghệ sĩ" mù, đi tuyên truyền ATGT cho những người sáng mắt. Ý tưởng rất hay, nhưng kinh phí để thực hiện là điều mà anh Khoa suy nghĩ đến bạc tóc.
Đội kịch mù tuyên truyền ATGT độc nhất vô nhị - 2
Ông bầu của đội kịch mù. (Ảnh: Văn Dũng)
 
Đang bế tắc thì tháng 8 năm 2007, trong lần đi họp ở tỉnh, anh Khoa tình cờ nhận được thông tin Ủy ban Phòng chống thương vong Châu Á, Quỹ An toàn giao thông Quốc gia, Ngân hàng thế giới phối hợp tài trợ chương trình tuyên truyền giảm thiểu thương vong tại Việt Nam. Yêu cầu của BTC là các đơn vị, tổ chức tham gia chương trình phải có thuyết trình về tính khả thi hiệu quả khi triển khai dự án đối với các nhà chuyên môn. Đọc xong mục đích, yêu cầu của BTC anh Khoa mừng như cá gặp nước. Anh lao ngay vào viết dự án, miệt mài cả ngày lẫn đêm để kịp thời gian gửi BTC. Chỉ chưa đầy một tháng, dự án “Đội kịch mù tuyên truyền ATGT” tại huyện Đức Thọ do anh viết đã thuyết phục được các nhà chuyên môn và đã được BTC cấp 10.000 USD để triển khai.

Có kinh phí, ròng rã suốt hai tháng sau đó, anh thức trắng đêm viết nhiều kịch bản về TNGT, tích cực tuyển “diễn viên”, lựa chọn trang phục cho phù hợp, tập làm MC của đội kịch. Anh dùng căn nhà cấp 4 chật chội của gia đình thành nơi đội kịch mù tập dượt, nhường giường ngủ cho “diễn viên” nghỉ ngơi trong những ngày luyện tập căng thẳng. Và rồi các kịch bản anh viết đã được đội kịch mù lưu động chuyển thể thành những tiểu phẩm đầy sức thuyết phục.   

Đầu năm 2008, đội kịch mù 8 thành viên do “nghệ sỹ mù” Phạm Minh Khoa bắt đầu chuyến “lưu diễn” khắp địa bàn 28 xã của mình. Để tăng thêm phần sôi động, thu hút sự chú ý của mọi người, anh Khoa còn sáng tạo trích kinh phí dự án mua mũ bảo hiểm làm phần thưởng cho bất cứ ai trả lời đúng các câu hỏi do đội kịch đưa ra. Vì thế bất cứ nơi đâu khi đội kịch mù đặt chân đến đều được đón chào nồng nhiệt. Có hôm đoàn phải chạy sô diễn tới 2-3 địa điểm khác nhau. Các vở kịch “Trận chiến với lộ tặc”, “Đường tới tha ma”,Con cưng” thu hút được rất đông đảo người xem.
Đội kịch mù tuyên truyền ATGT độc nhất vô nhị - 3
"MC" Phạm Minh Khoa trong các buổi diễn của đoàn kịch (Ảnh:nhân vật cung cấp)
 
Nhiều trường phải dời sân khấu ra ngoài trời để có chỗ cho cả học sinh và khán giả bên ngoài tới xem. “Không ít thầy cô, học sinh đã rơi nước mắt trong các đêm diễn của đoàn. Các em học sinh cho biết các em khóc không chỉ vì những vở kịch hay, xúc động mà khóc vì những diễn viên đứng trên sân khấu là những người khiếm thị, không có đôi mắt lành lặn nhưng diễn bằng tất cả trái tim, nhiệt huyết của mình - anh Khoa bồi hồi kể lại.
 
Nhiều hiệu trưởng các trường cho biết chỉ với một buổi diễn nhưng đội kịch như mang đến cho học sinh hàng chục tiết học về ATGT. Hồ sơ các vụ TNGT liên quan đến học sinh lưu tại Đội CSGT Công an huyện Đức Thọ trong một năm qua đã giảm đáng kể.
Đội kịch mù tuyên truyền ATGT độc nhất vô nhị - 4
Anh Phạm Minh Khoa với phần thưởng về đội kịch mù Đức Thọ (Ảnh: Văn Dũng)
 
Giờ thì đội kịch mù đang tạm nghỉ diễn. Không còn những giây phút sôi động, không còn là MC, đạo diễn của nhiều vở kịch, “bầu” Khoa lại trở lại với công việc là ông Chủ tịch Hội người mù nhiệt huyết, năng động và sống đầy trách nhiệm.    

Văn Dũng - Hoài Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm