1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Đổi giờ không phải là chiếc đũa thần giảm ùn tắc giao thông”

(Dân trí) - “Mùa hè, 100% học sinh nghỉ học nhưng Hà Nội vẫn tắc đường. Theo tôi, việc đổi giờ không phải là chiếc đũa thần để giảm ùn tắc giao thông”, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội - nói.

Từ ngày 1/2 tới, Hà Nội sẽ đổi giờ học, giờ làm, giờ kinh doanh. Tuy nhiên, trong buổi họp triển khai phương án này do Sở GTVT Hà Nội tổ chức sáng nay, 17/1, nhiều đơn vị liên vẫn tiếp tục nêu ra những khó khăn trong việc đổi giờ, đặc biệt là nhóm học sinh, sinh viên và phụ huynh.
 
“Đổi giờ không phải là chiếc đũa thần giảm ùn tắc giao thông” - 1
Ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng ở Hà Nội.

Hiệu trưởng một trường Trung học chuyên nghiệp cho biết, bà cũng rất bức xúc về vấn đề ùn tắc giao thông ở Hà Nội, do vậy việc đổi giờ học, giờ làm là biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, phương án đổi giờ của học sinh như hiện nay gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân.

“Khối hành chính ở các trường hiện nay nhăm nhăm đi đón con lúc 5h. Việc điều chỉnh giờ học giờ, làm như hiện nay không hợp lý, gây khó khăn cho các cán bộ công chức giáo viên trong trường”, hiệu trưởng này nói và cho rằng, khối cán bộ hành chính và giáo viên nếu thay đổi theo phương án như hiện nay sẽ phải lao động 12 tiếng ở trong trường.

Nêu ý kiến tại cuộc họp, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội, cho rằng đổi giờ học không phải là "chiếc đũa thần" để giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội hiện nay. “Mùa hè 100% học sinh trên địa bàn nghỉ học nhưng Hà Nội vẫn ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm”, ông Thống nêu thực tế.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, phương án đổi giờ đã được điều tra, khảo sát rất kỹ và được Chính phủ phê chuẩn. Do vậy, việc đổi giờ học giờ làm phải thực hiện thật tốt. “Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, khó khăn gì chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm”, ông Hùng nhấn mạnh.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn thành phố khi điều chỉnh giờ, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết sẽ điều chỉnh lại thời gian, tần suất một số tuyến buýt trong khu vực 10 quận nội thành và 2 huyện Từ Liêm, Thanh Trì để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân khi giờ làm và giờ học thay đổi từ ngày 1/2/2012.

Cụ thể, giờ cao điểm buổi sáng sẽ bắt đầu 6h đến 9h (giờ cũ là từ 6h30 - 8h30), giờ cao điểm buổi chiều từ 16h30 đến 19h30 (giờ cũ là 16h30 - 18h30). Trong khung giờ cao điểm trên, sẽ giảm thời gian giãn cách giữa các lượt xe buýt từ 10 phút xuống 7 phút, từ 15 phút xuống 10 phút/lượt đối với 17 tuyến buýt (như các tuyến số 01, 03, 04, 05, 13, 16…). Ngoài giờ cao điểm vẫn giữ nguyên.

Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng mở thêm 6 tuyến buýt nhanh (gồm tuyến số 01; 19; 20; 22; 34; 38), vận hành từ 6h tới 19h30 hàng ngày. Ngoài ra, sẽ có 6 trong tổng số 11 tuyến buýt nhanh đang hoạt động hiện nay cũng được điều chỉnh giờ hoạt động từ 6h tới 19h30 hàng ngày, đó là các tuyến 02, 16, 27, 28, 32, 39.

“Với xe buýt, về cơ bản là điều chỉnh giờ chạy sớm hơn và kết thúc muộn hơn, đồng thời chúng tôi sẽ nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt, để người dân đi lại được thuận tiện”, ông Hùng nói thêm. Dự kiến chi phí để thực hiện việc tăng chuyến lượt của và tổ chức thêm các tuyến buýt nhanh là khoảng 13 tỷ đồng/năm.

Quang Phong