Doanh nghiệp tiếp tục là hạt nhân tạo đà tăng trưởng cho nông nghiệp
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường khẳng định, thị trường là khâu quyết định tăng trưởng của ngành nông nghiệp, trong đó doanh nghiệp tiếp tục là hạt nhân, đầu tàu dẫn dắt các chuỗi giá trị nông sản.
Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2020, toàn ngành nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt từ 2,91% đến 3%; xuất khẩu nông, lâm thủy sản toàn ngành đạt từ 41,5 tỷ USD đến 42 tỷ USD.
Nhân dịp đầu năm 2020, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường về định hướng phát triển ngành nông nghiệp, nhất là việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
- Thưa Bộ trưởng, chưa bao giờ có phong trào doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp lại là lớn như bây giờ, trong đó có cả sự tham gia của rất nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Theo Bộ trưởng đâu là sức hút của ngành nông nghiệp trong năm 2019 vừa qua?
- Có thể khẳng định, thị trường là khâu quyết định tăng trưởng của ngành nông nghiệp, trong đó doanh nghiệp tiếp tục là hạt nhân, đầu tàu dẫn dắt các chuỗi giá trị nông sản.
Chúng tôi biểu dương và cảm ơn các doanh nghiệp đã tập trung cùng với bà con nông dân trở thành lực lượng “hạt nhân” trong chuỗi sản xuất, cũng như làm nòng cốt trong tái cơ cấu nông nghiệp. Qua hơn 30 năm đổi mới, chúng ta có trên 750.000 doanh nghiệp, trong đó có một bộ phận doanh nghiệp nông nghiệp nhất là những doanh nghiệp lớn đã đủ điều kiện, kể cả về quản trị, đủ tầm vóc về mặt tài chính và quan trọng hơn hơn là qua 30 năm đổi mới chọn lọc đó đã đủ khát vọng để tổ chức thực hiện tốt giải quyết những vấn đề trong lĩnh vực nông nghiệp - khu vực khó nhất.
Việc các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ cho thấy khu vực nông nghiệp còn tiềm năng lợi thế. Mặc dù chúng ta xuất khẩu tới 40 tỷ USD nông sản đi 185 nước trên thế giới nhưng phải khẳng định “dư địa” còn rất lớn. Tại sao dư địa lớn vì tổng thương mại toàn cầu về thực phẩm vào khoảng hơn 2.000 tỷ USD, trong đó giá trị có được từ khâu chế biến thương mại còn rất nhiều.
Việt Nam chúng ta cũng vậy, hơn 40 tỷ USD chúng ta xuất khẩu chủ yếu là thô. Do đó, nếu như chúng ta làm tốt khâu chế biến, nếu như làm tốt sản xuất chuỗi thì giá trị từ khu vực này còn rất lớn. Cà phê hiện nay 1 năm xuất khẩu tới 3,4 tỷ USD hay 3,5 tỷ USD nhưng bản thân chế biến chỉ có 11%, thế thì 89% còn lại đó là “dư địa”. Nếu làm tốt chuỗi, tập trung chế biến, tổ chức thương mại thật tốt đúng theo thiết chế hạ tầng của bối cảnh hiện nay chắc chắn sẽ tìm ra “dư địa” ở đó. Tiếp nữa là các chủ trương, chính sách hiện nay đã đủ lực, đủ sức để kêu gọi các doanh nghiệp vào cuộc. 63 tỉnh, thành tỉnh trên cả nước liên tục mời gọi các nhà đầu tư trong 3 năm qua.
Trong xúc tiến đầu tư đều có dành một phần quan trọng để xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, kể cả TPHCM hiện nay GDP nông nghiệp chỉ chiếm 0,6% nhưng luôn khát vọng và cầu thị để mời các doanh nghiệp vào tập trung cùng bà con nông dân để làm nên câu chuyện nông nghiệp mới tạo nên sức mạnh. Đây chính là sức hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này.
- Bộ trưởng có nhận định như thế nào về năm 2020 và giai đoạn 5 năm 2021-2025, mục tiêu của ngành nông nghiệp về hướng đi cũng như những đột phá mà ngành nông nghiệp trong thời gian sắp tới như thế nào?
- Phải xác định năm 2020 lại tiếp tục là năm khó khăn đối với ngành nông nghiệp. Đó là tác động biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm. Năm nay không phải ngẫu nhiên ngành nông nghiệp tổng kết sớm bởi lý do còn tập trung chỉ đạo sản xuất ngay vụ đầu tiên, tổ chức chỉ đạo sản xuất vụ Xuân của miền Bắc, ứng phó với hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đối với vụ Đông Xuân. Thứ hai là dịch tả lợn Châu Phi mặc dù giảm, cơ bản đã được khống chế nhưng vẫn chưa phải là an toàn. Chúng ta vẫn phải đối mặt sâu keo mùa Thu năm ngoái đã xuất hiện ở 14 tỉnh. Tiếp nữa là thị trường nông sản rất khó khăn vì chiến tranh thương mại toàn cầu, trong đó có biểu hiện lớn nhất về thương mại về nông sản. Các quốc gia quay trở lại đều muốn phát triển nông sản tại chỗ. Đây là áp lực cho những nước xuất khẩu trong đó có Việt Nam là nước xuất khẩu lớn về nông sản.
- Thưa Bộ trưởng, trên 41 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu là con số năm 2019 mà toàn ngành đạt được. Vậy con số kỳ vọng của năm 2020 của ngành nông nghiệp là gì, và dựa trên cơ sở nào để đưa ra mục tiêu đó?
- Nếu như nói về khát vọng thì phải cao hơn 41 tỷ USD nhiều. Đó là khát vọng, bởi vì thứ nhất chúng ta đã đặt nền tảng trong năm khó khăn. Thứ hai tìm thấy dư địa để tiếp tục tăng trưởng. Mặc dù xác định trước là năm 2020, một trong những thách thức lớn nhất tiếp tục là thách thức về thị trường, tuy nhiên, ngành cũng xác định là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 chính thức giao cho ngành là phấn đấu khoảng 41,5 cho đến 42 tỷ USD, theo đó ngành xác định giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc Bộ cũng như phối hợp tốt với các địa phương, các thành phần kinh tế phải phấn đấu ít nhất từ 42 tỷ USD trở lên. Đây là quyết tâm mà toàn ngành phấn đấu.
Để đạt mục tiêu này sẽ khó và cũng trong bức tranh chung toàn cầu hiện nay khi cạnh tranh quyết liệt về thị trường, về nông sản, chúng tôi nghĩ rằng với quyết tâm cao nhất đồng bộ và với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như các thành phần kinh tế và người dân thì cố gắng cao nhất để đảm bảo con số cao nhất trong điều kiện cho phép.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Nguyễn Dương (thực hiện)