Ninh Thuận:

Doanh nghiệp khai thác khoáng sản "nợ" trên 138 tỷ đồng

Thế Kha

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ kiến nghị Ninh Thuận thu hồi số tiền trên 138 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý, sử dụng đất đai và hoạt động thăm dò, khai thác cát sỏi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cho thấy, UBND tỉnh này đã cấp 44 giấy phép thăm dò tại khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và 2 giấy phép thăm dò được cấp thông qua đấu giá.

Năm 2017-2018, UBND tỉnh Ninh Thuận chưa lập và phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản hàng năm; thiếu kiên quyết chỉ đạo cơ quan chức năng trong việc truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định. Có một số doanh nghiệp không nộp tiền cấp quyền kể từ khi cấp phép phép theo thông báo của cơ quan thuế.

Doanh nghiệp khai thác khoáng sản nợ trên 138 tỷ đồng - 1

Khai thác cát sỏi dọc theo sông Dinh, đoạn từ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm chảy tới huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận (Ảnh: Tiền Phong)

Thanh tra Chính phủ phát hiện 9 mỏ đã quá 24 tháng kể từ khi cấp phép nhưng chưa đăng ký ngày xây dựng cơ bản mỏ, khai thác không đảm bảo về tiến độ khai thác trong dự án đầu tư nhưng chưa xử lý theo quy định về pháp luật: Chinh nhánh Công ty CP khoáng sản Phú Yên (mỏ đá núi Hòn gió), Công ty TNHH đầu tư sản xuất Đại Phú Hào (mỏ đá xây dựng Tây núi Cô Lô 1), Công ty TNHH Yến Sào Song Hưng (mỏ đá núi Tây núi Kà Rôm 2), Công ty Sông Trà (2 mỏ đá núi Hòn gió), Công ty Thạch Linh (mỏ Ma Tú), Công ty 319 (mỏ đá Đông Nam núi Mavieck), Công ty Sơn Long Thuận (mỏ đất núi Hòn Giài).

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Ninh Thuận cấp phép cho nhiều đơn vị khai thác cát trên sông Dinh với diện tích nhỏ, trữ lượng thấp và thiếu kiểm tra, giám sát, chỉ đạo việc thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường. Một số chủ đầu tư, đơn vị khai thác để mất mốc giới, khai thác không đúng thiết kế được duyệt, đắp đường vận chuyển, thu hẹp và ngăn dòng để khai thác làm thay đổi dòng chảy.

Đối với 4 dự án nạo vét luồng, vũng đậu tàu và khu neo đậu tránh trú bão theo hình thức xã hội hoá, kết hợp thu hồi khoáng sản cát nhiễm mặn được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt và cấp bản xác nhận đăng ký khối lượng thu hồi khoáng sản với tổng diện tích nạo vét trên 120,25 ha, tổng khối lượng cát nhiễm mặn cho nạo vét, thu hồi trên 4,2 triệu m3, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm.

Cụ thể là trong việc khai thác cát nhiễm mặn chưa lập, niêm yết kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường, vị trí truyền tải lệch so với giới hạn cho phép; thuộc khu vực cấm hoạt động truyền tải. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ khẳng định việc xử lý sai phạm không quyết liệt, kịp thời.

Cơ quan thanh tra kiến nghị UBND tỉnh Ninh Thuận thu hồi số tiền trên 138 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Trong đó, Công ty cổ phần An Khánh Ninh Thuận (mỏ đá Đông Nam núi Chà Bang, huyện Thuận Nam) còn nợ 16,6 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Sông Trà (mỏ đá núi Hòn Gió, huyện Ninh Sơn) nợ 14,4 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Sông Trà (mỏ đá núi Giăng, huyện Thuận Nam) nợ 6,5 tỷ đồng; Công ty cổ phần giao thông Ninh Thuận (mỏ đá Tây Nam Lạc Tiến, huyện Thuận Nam) còn nợ 4,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Hoàng Khang Phan Rang nợ 12 tỷ đồng; Công ty cổ phần sản xuất, thương mại, dịch vụ Thạch Linh (mỏ đá Ma Tú, huyện Bắc Ái) nợ 30 tỷ đồng…

Đồng thời chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát, đề xuất UBND tỉnh ra quyết định tạm dừng khai thác đối với các doanh nghiệp còn nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; thu hồi giấy phép đối với các doanh nghiệp không thực hiện khai thác sau khi được cấp phép.