1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Doanh nghiệp đua nhau chiếm dụng Quỹ bảo hiểm xã hội

(Dân trí) - Việc chiếm dụng Quỹ bảo hiểm xã hội ở các doanh nghiệp đang diễn ra trên khắp các địa phương, nhưng chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Doanh nghiệp này trốn được, doanh nghiệp khác làm theo. Chiếm dụng Quỹ bảo hiểm đang trở thành phong trào!

Muôn kiểu chiếm dụng

Đó là ý kiến của TS Nguyễn Văn Sinh, Phó tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam trong Hội thảo bảo hiểm xã hội ở Việt Nam trong những năm đổi mới và định hướng phát triển được tổ chức tại TPHCM (ngày 19/9).
 
Ông Sinh cho biết, trên cả nước hiện có khoảng 45 triệu lao động nhưng chỉ gần 11 triệu lao động có bảo hiểm xã hội (BHXH) bao gồm cả bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm bắt buộc. Số lao động vừa tham gia BHXH và bảo hiểm thất nghiệp là 8 triệu người.

Có tới 40.000 doanh nghiệp tại TPHCM chưa tham gia bảo hiểm

Có tới 40.000 doanh nghiệp tại TPHCM chưa tham gia bảo hiểm

Thực tế trên cho thấy, tỷ lệ người lao động được các doanh nghiệp ký hợp đồng và đáp ứng các quyền lợi liên quan đến bảo hiểm đang còn ở mức quá khiêm tốn. Theo ông Sinh các doanh nghiệp đang vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo, sợ bị sa thải nên người lao động không dám đứng lên đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình.

Theo quy định từ trước đến nay, người lao động làm việc trên 3 tháng, có hợp đồng lao động sẽ được doanh nghiệp đăng ký bảo hiểm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã lách luật bằng cách chỉ ký hợp đồng dưới 3 tháng với người lao động sau đó ký hợp đồng khác để trốn đóng bảo hiểm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn đăng ký bảo hiểm cho người lao động, vẫn trừ chi phí liên quan đến bảo hiểm trong tiền lương mỗi tháng nhưng họ chiếm dụng luôn số tiền trên, không đóng bảo hiểm cho công nhân.

“Mới đây qua kiểm tra, giám sát chúng tôi đã phát hiện và xử lý một số doanh nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai có liên quan đến việc làm giả hồ sơ để trục lợi bảo hiểm. Doanh nghiệp đã làm hồ sơ thai sản giả mạo của người lao động để yêu cầu BHXH thanh toán, mỗi trường hợp nghỉ thai sản họ bỏ túi khoảng 40 triệu đồng. Bên cạnh đó là hành vi người lao động đang đi làm nhưng vẫn được báo thất nghiệp để hưởng bảo hiểm...” - TS Sinh cho hay.

Quyền lợi của người lao động đang bị xâm phạm

Quyền lợi của người lao động đang bị xâm phạm

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết: “Hiện nay trên địa bàn thành phố có tới 40.000 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, bảo hiểm y tế theo quy định. Tính đến tháng 6/2014 thành phố mới chỉ có 38,6% người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH”. Lý giải cho tình trạng trên, ông Khiết cho rằng, đây là hệ quả của suy thoái kinh tế khiến các doanh nghiệp rơi vào khó khăn; ý thức về nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc đóng bảo hiểm cho người lao động của người sử dụng lao động còn hạn chế.

Sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự?

Đối lập với cách lý giải của ông Huỳnh Thanh Khiết, TS Nguyễn Văn Sinh cho rằng, hơn ai hết các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động sản xuất, buôn bán là người rất hiểu luật. Bản thân người sử dụng lao động thừa khả năng để nhận thức về quyền lợi của mình cũng như những trách nhiệm liên quan. Tuy nhiên, vì mục đích kinh tế người sử dụng lao động đã bất chấp, trốn tránh việc đóng bảo hiểm cho người lao động hoặc chiếm dụng tiền lương trích đóng bảo hiểm của công nhân hàng tháng nhưng không đóng lên trên. Các doanh nghiệp đang xâm phạm vào quyền lợi của người lao động và gây thiệt hại cho BHXH Việt Nam.

Lý giải cho tình trạng trên, TS Nguyễn Văn Sinh nhận định: Luật BHXH hiện vẫn còn quá nhiều lỗ hổng, chưa có quy định mang tính bắt buộc về việc người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm cho người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp đều tự khai báo về nhân sự của mình mà không có sự kiểm tra, giám sát của các ban ngành liên quan nên đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp “làm càn”.

Khi rủi ro xảy đến người lao động gánh chịu hậu quả

Khi rủi ro xảy đến người lao động gánh chịu hậu quả

Tính đến ngày 31/8/2014, tổng số nợ bảo hiểm của các doanh nghiệp trên cả nước đã lên tới 11.651,7 tỷ đồng. Số nợ trên đang khiến hàng triệu lao động bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo quy định mức phạt cao nhất đối với những trường hợp vi phạm liên quan đến bảo hiểm hiện nay chỉ có 75 triệu đồng, bên cạnh đó là mức phạt bổ sung với lãi suất thấp hơn lãi suất vay ngân hàng. Từ đầu năm đến nay BHXH đã khởi kiện trên 4.000 vụ chiếm đoạt bảo hiểm nhưng chỉ thu hồi được khoảng 20%.

TS Sinh cho rằng, chế tài xử lý “như phủi bụi” và có lợi cho doanh nghiệp nên họ chấp nhận phạt để chiếm dụng Quỹ BHXH, nguồn quỹ này vô tình trở thành một công cụ kinh doanh kiếm lời của doanh nghiệp. Thấy doanh nghiệp này trốn tránh nhưng không bị xử lý mà còn có lợi thêm nên doanh nghiệp khác cũng làm theo, việc chiếm dụng Quỹ BHXH đang trở thành phong trào.

Cần siết chặt cơ chế quản lý để chặn đứng tình trạng chiếm dụng Quỹ bảo hiểm

Cần siết chặt cơ chế quản lý để chặn đứng tình trạng chiếm dụng Quỹ bảo hiểm

Trước tình hình trên, BHXH Việt Nam kiến nghị Quốc hội cần sửa đổi bổ sung một số điều trong Luật BHXH như: mở rộng phạm vi đối tượng tham gia BHXH; bổ sung thẩm quyền thanh tra việc đóng bảo hiểm cho BHXH; bổ sung vào Bộ luật hình sự tội trốn đóng BHXH, tội chiếm dụng tiền BHXH của người lao động để truy tố, xử lý theo quy định của pháp luật…

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đề nghị các ban ngành có liên quan tăng cường phối hợp để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, sớm chấm dứt tình trạng chiếm dụng Quỹ bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Vân Sơn