1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Doanh nghiệp "băm nát" hành lang giao thông: Tỉnh "đem con bỏ chợ"?

(Dân trí) - Thừa nhận việc tự ý “xẻ” tường hộ lan, đấu nối trái phép, san lấp hành lang an toàn giao thông trên QL1A tuyến tránh TP Hà Tĩnh là sai, tuy nhiên, các doanh nghiệp sai phạm đều cho rằng do tỉnh thiếu quan tâm nên họ mới "chẳng đặng đừng" phải làm như vậy.

Đại diện doanh phân trần việc tỉnh không làm đường gom đẩy doanh nghiệp vào thế khó.

"Cầm chắc phá sản nếu đóng đường"

Những ngày gần đây, sau loạt bài phản ánh của Dân trí, trong đó có thông tin Cục QLĐB II (Bộ GTVT) sẽ tiến hành cưỡng chế, rào chắn các điểm đấu nối tự phát của doanh nghiệp (DN) trên tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh, ông Phan Xuân Châu - Giám đốc Công ty TNHH Thủy Châu (tổ Tân Tiến, phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) như ngồi trên đống lửa.

“Tôi đọc được thông tin mà chân tay bủn rủn. Tôi đang rất lo lắng”- ông Châu nói.

Doanh nghiệp băm nát hành lang giao thông: Tỉnh đem con bỏ chợ? - 1

Điểm đấu nối sai phạm của Công ty Thủy Châu. Ảnh: Văn Dũng.

Theo ông Châu, trước đây, kho hàng của công ty ông nằm trong nội thị TP nên việc xe cộ ra vào kho gặp nhiều khó khăn, vừa gây mất an toàn giao thông, vừa thường xuyên bị cơ quan chức năng xử phạt.

Cuối năm 2017, theo chủ trương mời gọi của UBND tỉnh Hà Tĩnh, DN của ông đã làm thủ tục thuê hơn 5.600m2 đất thời hạn 50 năm, đồng thời vay mượn hàng chục tỷ đồng di dời lên đường tránh thành phố xây dựng tổng kho bánh kẹo.

Để có đường vào thi công, DN của ông đã tự ý san lấp, đấu tạm đường từ kho hàng với QL1A. Hoàn thành xây dựng kho bãi, do tỉnh không làm đường gom cho các doanh nghiệp, ông Châu buộc phải sử dụng con đường đấu tạm làm đường chính ra vào công ty.

Sai phạm của Công ty Thủy Châu đã được Chi cục QLĐB II.3 phát hiện, lập biên bản, đồng thời báo cáo Cục QLĐBII. Ngày 14/10/2019, Cục QLĐB II đã xử phạt Công ty Thủy Châu 12 triệu đồng, đồng thời yêu cầu công ty chấm dứt hành vi vi phạm, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu.

“Mặc dù biết việc đấu nối như thế này là trái phép, làm mất an toàn giao thông, tuy nhiên, hiện tại các vùng quy hoạch này chưa có đường gom nên không còn cách nào khác là công ty phải cho xe ra vào điểm đấu nối này”- ông Châu phân trần.

Ông chủ doanh nghiệp này hết sức lo lắng: “Chúng tôi đã vay hàng chục tỷ đồng để xây dựng nhà máy, kho hàng. Đầu tư rồi mà không sản xuất, kinh doanh được thì rất vô lí. Bây giờ nếu Cục đường bộ mà rào chắn lại thì chẳng khác nào đóng cửa, không cho chúng tôi hoạt động. Nếu bị rào chắn, chắc chắn chúng tôi sẽ phá sản”.

Cũng vì lí do đó mà theo ông Châu, cho đến nay, doanh nghiệp của ông vẫn chưa thực hiện yêu cầu của Cục QLĐB II là hoàn trả nguyên trạng ban đầu như quyết định xử phạt của đơn vị này.

Cùng chung sự bức xúc như ông chủ Công ty Thủy Châu, là ông Nguyễn Đức Bình - Giám đốc công ty Công ty cổ phần Vận tải Bình Nguyên- một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành vận tải ở Hà Tĩnh nằm trong số các doanh nghiệp bị Cục QLĐB II xử phạt 12 triệu đồng vì đấu nối trái phép lên QL1A.

“Rõ ràng là chúng tôi sai rồi. Chúng tôi hiểu nếu xảy ra tai nạn tại các điểm đấu nối này, DN chúng tôi là đơn vị đầu tiên phải chịu trách nhiệm. Sai nên chúng tôi chấp nhận chịu phạt”- ông Bình thừa nhận sai phạm của công ty.

Tuy nhiên, vị giám đốc doanh nghiệp này đề nghị cơ quan quản lí đường bộ, UBND tỉnh Hà Tĩnh phải xem xét thấu đáo cho các doanh nghiệp.

“DN chúng tôi sẽ đi lại ở đâu, ra vào sản xuất như thế nào khi mà Cục không cho đấu nối, trong khi tỉnh không làm đường gom? Các doanh nghiệp được tỉnh cấp đất ở đây như bị bố mẹ đem con bỏ chợ”- ông Bình trình bày.

Đấy chỉ là hai trong số nhiều ý kiến phân trần của các doanh nghiệp xẻ hộ lan, đấu nối trái phép trên tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh.

Ông Hoàng Trung Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh cho hay, những bức xúc của doanh nghiệp là có cơ sở.

“Rõ ràng là chúng ta không thể chấp nhận chỉ vì một số doanh nghiệp mà ảnh hưởng chung đến an toàn giao thông. Tuy nhiên, thực tế thì Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã nhiều lần kiến nghị đầu tư làm đường gom từ nguồn ngân sách hoặc xã hội hóa nhưng vẫn chưa được giải quyết. Nếu không làm đường gom sớm, doanh nghiệp “buộc” phải đấu nối trái phép, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh”- ông Thông nói.

Cầu cứu tỉnh

Trưa ngày 19/11, quá lo lắng trước thông tin đơn vị quản lí đường bộ sẽ cưỡng chế rào chắn đối với các điểm đấu nối trái phép trên tuyến tránh TP Hà Tĩnh, đồng loạt các doanh nghiệp trong diện bị xử lí đã tổ chức cuộc họp khẩn. PV Dân trí đã được mời dự cuộc họp này.

Doanh nghiệp băm nát hành lang giao thông: Tỉnh đem con bỏ chợ? - 2

Các doanh nghiệp đóng trên tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh họp khẩn trước thời điểm Cục QLĐB II tiến hành cưỡng chế rào chắn các điểm đấu nối trái phép.

Tại cuộc họp, sau khi nêu ra những bất cập, thiếu trách nhiệm của tỉnh khi không triển khai thực hiện các tuyến đường gom, đẩy doanh nghiệp vào thế khó, lãnh đạo các doanh nghiệp đã thống nhất làm văn bản “cầu cứu” UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Đại diện các doanh nghiệp mong muốn được đối thoại khẩn cấp với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trước khi Cục QLĐB II thực thi việc xử lí các điểm đấu nối trái phép.

Ông Lê Tiến Sơn- Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại ô tô Hoàng Hà (một trong số hàng loạt đơn vị được tỉnh Hà Tĩnh cấp đất trên tuyến Ql1A tuyến tránh TP Hà Tĩnh) đại diện cho các doanh nghiệp cho biết: "Chúng tôi nhất quyết phải làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh. Bởi các doanh nghiệp ở đây, đơn vị ít cũng vài ba chục tỷ, nhiều thì hàng trăm tỷ đã bỏ ra đầu tư. Đối với DN Hà Tĩnh thì hầu như đó là vốn vay, nếu bị đóng cửa thì DN sẽ ra sao, chắc chắn là đổ bể hết”.

Doanh nghiệp băm nát hành lang giao thông: Tỉnh đem con bỏ chợ? - 3

Ông Lê Tiến Sơn- Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại ô tô Hoàng Hà kêu cứu cho rằng đang bị tỉnh đẩy vào thế khó.

Ông Sơn nói thêm: “Chúng tôi mong tỉnh trả lời rõ là liệu có làm đường gom cho doanh nghiệp hay không? Nếu làm thì khi nào làm? Không làm thì tỉnh có đứng ra bảo vệ cho doanh nghiệp hay không? Chúng tôi mong câu trả lời để sắp tới DN có cơ sở trình bày với đơn vị quản lí đường bộ”.

Văn Dũng