1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đoạn ký ức 20 năm sau chia tách của huyện Bình Chánh

Q.Huy

(Dân trí) - Huyện Bình Chánh của TPHCM được chia tách địa giới hành chính từ năm 2003. Bí thư Huyện ủy Bình Chánh nhìn nhận, 20 năm qua là một đoạn ký ức trong hành chính của Bình Chánh kiên trung.

Sáng 1/12, huyện Bình Chánh (TPHCM) tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 20 năm chia tách địa giới hành chính huyện Bình Chánh (2003-2023).

Sau 2 thập kỷ Bình Chánh cũ tách ra làm 2 đơn vị hành chính mới, huyện ngoại thành của TPHCM đã vượt khó đi lên, đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đoạn ký ức 20 năm sau chia tách của huyện Bình Chánh - 1

Buổi họp mặt kỷ niệm 20 năm chia tách địa giới hành chính huyện Bình Chánh (Ảnh: Q.Huy).

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, cho biết, Bình Chánh là địa phương giàu truyền thống yêu nước, đấu tranh kiên cường, bất khuất với bề dày lịch sử hơn 300 năm hình thành, phát triển. Quân và dân của huyện đã đấu tranh, đạt được nhiều chiến công anh dũng, góp phần làm lên chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975.

Bước vào giai đoạn đổi mới, để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, huyện Bình Chánh đã hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Thời điểm đó, nhiều xã của Bình Chánh đã đô thị hóa hoàn toàn, dân số tăng nhanh dẫn tới quá tải quản lý đô thị, dân cư, trật tự an toàn xã hội.

Đoạn ký ức 20 năm sau chia tách của huyện Bình Chánh - 2

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM (ngoài cùng bên phải), tặng cờ truyền thống cho huyện Bình Chánh (Ảnh: Q.Huy).

Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn về quản lý, năm 2003, Thủ tướng đã ban hành Nghị định thành lập quận mới thuộc TPHCM, trên cơ sở điều chỉnh địa giới của huyện Bình Chánh. Từ đó đến nay, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Bình Chánh đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào.

"Từ một huyện nông thôn, kinh tế chậm phát triển, cơ sở hạ tầng yếu kém, đời sống nhân dân khó khăn, đến nay, Bình Chánh là huyện có tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh, kinh tế - xã hội phát triển bền vững, đóng góp tích cực cho thu ngân sách toàn TPHCM", Phó Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá.

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, chia sẻ, buổi họp mặt nhằm nhìn lại sự phát triển của địa phương sau 20 năm chia tách và cùng tự hào về những thành tựu, phân tích những vấn đề tồn tại để hoạch định chiến lược phát triển thời gian tới.

"Những ngày đầu chia tách, huyện Bình Chánh đứng trước bộn bề khó khăn cơ sở vật chất, trụ sở cơ quan còn thiếu thốn. Kinh tế của huyện lúc đó chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng cho đầu tư, phát triển", Bí thư Huyện ủy Bình Chánh điểm lại.

Đoạn ký ức 20 năm sau chia tách của huyện Bình Chánh - 3

Ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Quang Huy).

Sau 20 năm vượt khó, kinh tế huyện Bình Chánh đã phát triển nhanh, bền vững với tốc độ bình quân 22,2% mỗi năm. Cơ cấu kinh tế của Bình Chánh chuyển dịch theo hướng công nghiệp xây dựng - dịch vụ - nông nghiệp, thu ngân sách Nhà nước tăng gấp 14 lần so với năm 2004.

Ngoài ra, huyện Bình Chánh cũng quan tâm, đầu tư về lĩnh vực văn hóa, xã hội với quy mô, chất lượng giáo dục được nâng lên, hệ thống y tế không ngừng được củng cố. Sự phát triển của huyện Bình Chánh hiện nay đã khẳng định năng lực thực tiễn của nhiều thế hệ cán bộ, nhân dân của địa phương.

"Những thành quả, trái ngọt đó không tự nhiên có mà là kết quả của sự ươm trồng, vun đắp, cống hiến, hy sinh của nhiều thế hệ lãnh đạo, nhân dân", ông Trần Văn Nam bày tỏ.

Bí thư Huyện ủy Bình Chánh nhìn nhận, 20 năm qua là một đoạn ký ức trong hành chính của Bình Chánh kiên trung. Giai đoạn hiện nay, huyện Bình Chánh đang tiếp bước, phát triển với khát vọng, niềm tin mới, góp phần tạo ra khí thế, vận hội mới cùng toàn TPHCM.

Theo Nghị định 130 năm 2003 của Thủ tướng về việc chia tách địa giới hành chính, huyện Bình Chánh cũ được tách ra, thành lập mới quận Bình Tân. Đến ngày 2/12/2003, huyện Bình Chánh đã thực hiện xong việc chia tách.

Việc chia tách địa giới hành chính được thực hiện trên cơ sở chia tách 3 xã (Tân Tạo, Bình Trị Đông, Bình Hưng Hòa), 1 thị trấn (An Lạc) để thành lập 10 phường thuộc quận Bình Tân. Sau lễ công bố thành lập quận Bình Tân, huyện Bình Chánh đã tổ chức lễ công bố chuyển xã Tân Túc thành thị trấn Tân Túc.

Sau chia tách, huyện Bình Chánh là một trong năm huyện ngoại thành của TPHCM. Địa phương này có 15 xã và 1 thị trấn, diện tích tự nhiên là gần 253km2, dân số hơn 219.000 người.