1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đô thị Thanh Hóa sẽ bao gồm toàn bộ huyện Đông Sơn

Trần Lê

(Dân trí) - Đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, với tổng diện tích khoảng 22.821ha.

Ngày 17/3, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040.

Phạm vi lập quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, với tổng diện tích khoảng 22.821ha.

Đây là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thanh Hóa, đô thị tỉnh lỵ với vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Thanh Hóa; là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung bộ và vùng phía Nam Bắc bộ; là đầu mối giao lưu của tỉnh Thanh Hóa với cả nước và quốc tế…

Đô thị Thanh Hóa sẽ bao gồm toàn bộ huyện Đông Sơn - 1

Đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn (Ảnh: M.H).

Đất xây dựng đô thị hiện trạng khoảng 7.634ha, chiếm khoảng 34% tổng diện tích tự nhiên toàn đô thị. Đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 11.181ha, chiếm khoảng 49% tổng diện tích tự nhiên toàn đô thị. Đến năm 2040, đất xây dựng đô thị khoảng 14.019ha, chiếm khoảng 61% tổng diện tích tự nhiên toàn đô thị.

Về định hướng phát triển không gian đô thị tập trung, lan tỏa kết nối với ý tưởng chủ đạo là: Tựa núi (Ngàn Nưa) - bên sông (sông Mã) - hướng biển (Vịnh Bắc Bộ), lấy dãy Ngàn Nưa làm chỗ dựa, phát triển đô thị hai bên bờ sông Mã, kết nối mạnh về phía Đông, hướng ra biển.

Phát triển đô thị Thanh Hóa theo mô hình "tập trung, đa tâm", điều chỉnh mô hình "vành đai - xuyên tâm" thành mô hình "vành đai mở kết hợp mạng lưới mềm". Lấy trục Đại lộ Lê Lợi kéo dài làm trục trung tâm, lấy sông Mã làm trục cảnh quan của đô thị; tăng cường các dải đô thị song song với trục cảnh quan sông Mã; hình thành vành đai số 3 kết nối các dải đô thị. Lấy trung tâm đô thị hiện hữu làm hạt nhân, hình thành khung cấu trúc đô thị "3 trục phát triển - 6 trung tâm - 1 hành lang sinh thái tự nhiên".

3 trục phát triển gồm: Trục truyền thống theo hướng Bắc - Nam dọc Quốc lộ 1A cũ, nối các khu vực phát triển truyền thống của đô thị gồm khu vực Hàm Rồng; khu vực Hạc Thành và khu vực cầu Quán Nam. Trục phát triển theo hướng Tây Bắc - Đông Nam theo các trục đường QL45, QL47, Đại lộ Đông - Tây, Đại lộ Nam sông Mã, nối các khu vực phát triển đô thị hiện đại từ Nút giao đường bộ cao tốc Đông Xuân, qua Trung tâm hiện hữu của thành phố, kết nối với thành phố du lịch biển Sầm Sơn. Trục phát triển mới theo hướng Tây Nam - Đông Bắc từ đường Trung tâm thành phố đi Cảng hàng không Thọ Xuân qua Đại lộ Lê Lợi, Đại lộ Nguyễn Hoàng đi biển Hải Tiến, kết nối các khu vực có vai trò động lực phát triển mới.

6 trung tâm tích hợp gồm:

- Trung tâm hiện hữu (trung tâm hành chính, chính trị của thành phố và của cả tỉnh Thanh Hóa).

- Trung tâm Hàm Rồng - Núi Đọ (trung tâm du lịch, văn hóa lịch sử và cảnh quan sinh thái).

- Trung tâm Đông Nam (trung tâm thể dục thể thao cấp tỉnh, trung tâm dịch vụ khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực và trung tâm đô thị mới theo hướng liên kết thành phố Thanh Hóa - thành phố Sầm Sơn).

- Trung tâm Đông Bắc (dịch vụ thương mại khu vực Bắc sông Mã và trung tâm đô thị mới; liên kết thành phố Thanh Hóa với vùng đô thị hóa huyện Hoằng Hóa và vùng phía Bắc tỉnh Thanh Hóa).

- Trung tâm phía Tây (công nghiệp, dịch vụ vận tải, logistics, dịch vụ đầu mối nông lâm sản; liên kết thành phố Thanh Hóa với các huyện Triệu Sơn, Thiệu Hóa và vùng phía Tây tỉnh Thanh Hóa).

- Trung tâm phía Tây Nam (nông nghiệp đô thị và trung tâm dịch vụ y tế chất lượng cao; liên kết với các huyện Quảng Xương, Nông Cống và vùng phía Nam tỉnh Thanh Hóa).

Quy hoạch đưa ra các khu vực đô thị gắn với trung tâm hiện hữu; định hướng không gian xanh; định hướng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, kinh tế đô thị...