1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Đô thị sinh học - Giấc mơ hoá rồng của Thăng Long?

(Dân trí) - Khu nghiên cứu phát triển dược phẩm sinh học Hà Nội (HaBiotech) được vẽ lên như một đại dự án, “khai sáng” thành phố, dựa vào nguồn vốn đầu tư mạo hiểm từ nước ngoài. Nhưng hội thảo “phản biện” của giới chuyên gia lại nêu nhiều ẩn ý sau dự án..

Từ ngày 20 - 29/4/2009, Khoa Kiến trúc Quy hoạch, Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị (UAI), ĐH Xây dựng đã phối hợp cùng ĐH Kiến trúc thuộc Hiệp hội KTS Anh, Luân Đôn (AA Graduate School), một trường đào tạo kiến trúc hàng đầu thế giới, đã đồng tổ chức một chương trình hội thảo quốc tế về thiết kế đô thị cho các giảng viên, nghiên cứu sinh, và sinh viên với chủ đề “Đô thị hoá bởi các khu vực đô thị kiểu mới”.

Hội thảo nhằm xem xét những vấn đề nổi lên trong quá trình tái thiết và phát triển đô thị do sự xuất hiện các môi trường đô thị kiểu mới, tiên tiến, hiện đại như các trung tâm nghiên cứu phát triển - có vai trò như chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế.
 
Đô thị sinh học - Giấc mơ hoá rồng của Thăng Long? - 1
Phối cảnh dự án Đô thị sinh học Habiotech.

Hội thảo lấy trường hợp cụ thể, Khu nghiên cứu phát triển dược phẩm sinh học Hà Nội (HaBiotech) do Pacific Land - một doanh nghiệp bất động sản quốc tế - làm chủ đầu tư và Vinaconex R&D làm tư vấn thiết kế để nghiên cứu để phân tích sự thay đổi và phát triển thành phố với các phương pháp tiếp cận mới mẻ.

Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội

Khu đô thị rộng 200 ha, phía Nam là đường quy hoạch 60m giáp Khu đô thị Phú Diễn - Minh Khai và Khu công nghiệp Phú Minh; phía Tây, Tây Bắc và Đông đều là đường quy hoạch mặt cắt 40m. Dự kiến 200 triệu USD trong 1 tỷ USD tổng vốn sẽ được Pacific Land đầu tư hạ tầng khu công viên và 800 triệu USD còn lại đầu tư công trình. Con số trên chưa tính thiết bị đặc chủng và đóng góp của các nhà đầu tư thứ phát.

Mục tiêu là xây dựng khu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học đầu tiên tại Việt Nam, với tiêu chuẩn hàng đầu thế giới. HaBiotech sẽ gồm các khu dưỡng nghiệm, phòng thí nghiệm với dịch vụ chất lượng cao, cơ sở vật chất hiện đại phục vụ nghiên cứu, phát triển, đào tạo liên quan ngành sinh học, các nhà cung cấp, các đơn vị sản xuất, nhằm thu hút các doanh nghiệp dược hàng đầu thế giới. Theo Chủ đầu tư, khách hàng tiềm năng của HaBiotech sẽ là công ty và tập đoàn dược hàng đầu thế giới của Mỹ, Anh, Nhật Bản, Đức, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển... sẵn sàng đầu tư vào các thị trường mới.
 
Đô thị sinh học - Giấc mơ hoá rồng của Thăng Long? - 2
Vị trí dự án trong Quy hoạch phía Nam Cầu Thăng Long: gần sông Hồng, đường đi sân bay Nội Bài...
 
Dự án vẽ ra kết quả đầy hứa hẹn nên thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai. Đô thị sinh học cũng được Hà Nội đưa vào danh mục các dự án chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Hiện thực hoá giấc mơ HaBiotech

Để có 200 ha đất giai đoạn 1, khoảng 2.546 hộ dân thuộc 5 xã huyện Từ Liêm (Tây Tựu, Liên Mạc, Minh Khai, Thụy Phương, Cổ Nhuế) sẽ phải di chuyển. Chi phí đền bù giải phóng mặt bằng ước khoảng 1.000 tỉ đồng. Giai đoạn 2 dự kiến thêm 300 ha, tổng cộng 500 ha (bằng diện tích quận Hoàn Kiếm).

Chủ trì thiết kế HaBiotech, TS Hoàng Hữu Phê và Giám đốc Vinaconex R&D đã giới thiệu tại hội thảo nội dung chính dự án. Có 15 hạng mục: nghiên cứu sinh học và dược phẩm, nông nghiệp; trường đại học, bệnh viện; sản xuất thí điểm; hỗ trợ thử nghiệm; phát triển phần mềm chuyên ngành, tổng cộng hơn 93ha (45,6%). Đất giao thông, công viên, mặt nước, sân tập golf, thể thao, bể bơi, quảng trường, biệt thự cao cấp… hơn 100ha (54,4%).
 
Đô thị sinh học - Giấc mơ hoá rồng của Thăng Long? - 3
Cánh đồng hiện tại, nơi dự kiến đặt khu công nghệ sinh học.

Vừa từ châu Âu trở về sau nhiều năm du học, nghiên cứu nhiều mô hình tương tự ở trời Tây, KTS Nguyễn Ngọc Minh vẫn băn khoăn vì ý đồ của chủ đầu tư thể hiện không rõ trong dự án. HaBiotech đề cao vai trò của công nghệ sinh học nhưng tổ hợp các công trình không có gì đặc biệt để thúc đẩy phát triển công nghệ sinh hoá dược.

“Theo tôi nên để lại các làng xóm và ruộng vườn, cải tạo thành các nơi trồng cây thí nghiệm cho ra giống  rau quả sản lượng cao, giàu dinh dưỡng, có giá trị thương mại. Để Hà Nội vừa có một vườn ươm sinh thái, trung tâm nghiên cứu thực nghiệm công nghệ sinh học, đem lại cho bà con nông dân mô hình nông nghiệp kỹ thuật cao lại vừa bảo tồn một làng quê ven đô Thăng Long đầy chất nhân văn, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng có khi hữu ích  hơn” - ông Minh nêu quan điểm.
 
Đô thị sinh học - Giấc mơ hoá rồng của Thăng Long? - 4
Mặt bằng Tổng thể dự án do Vinaconex R&D đề xuất.

KTS, TS Phó Đức Tùng đi theo hướng nghiên cứu đô thị đặc sắc Á Đông, ứng dụng Kinh Dịch nhìn nhận ở khía cạnh khác: “Khu công nghệ sinh học là nơi hội tụ sự sáng tạo mà sức mạnh của nó có thể thay đổi hoàn cảnh kinh tế xã hội. Nơi ấy cần một nền tảng văn hoá sáng tạo vô điều kiện mà khung cảnh này ở Việt Nam chưa có”.

Không ai nghi ngờ mong muốn cháy bỏng của lãnh đạo thành phố, cư dân thủ đô là bằng cách nào đó để Hà Nội nhanh chóng giàu có, thịnh vượng. Nhưng Hà Nội cũng đã hơn một lần nghe tới các dự án khổng lồ, quy mô hàng nghìn ha, vẽ ra viễn cảnh huy hoàng nhưng rất thiếu cơ sở: Thành phố hàng đầu châu Á, kỳ tích sông Hồng, thành phố Sinh thái với tầm nhìn  cho 100-150 năm sau…

Theo TS Hoàng Hữu Phê, nguồn vốn thực hiện dự án vượt quá khả năng tài chính thông thường của Chính phủ nên vốn đầu tư mạo hiểm đến từ nước ngoài là thuận lợi không thể bỏ qua. Các chuyên gia thì nhận xét, ấn tượng về Đô thị đặc thù công nghệ sinh học rất mờ nhạt, nhưng dự án chiếm vị trí cửa ngõ thành phố, thuận lợi đường bộ và gần sân bay, có khả năng liên kết với các dự án kinh doanh BĐS rất thành công quanh đó, vì vậy có triển vọng thu hồi vốn chắc chắn, không có gì là mạo hiểm và lợi nhuận không nhỏ.

KTS. Trần Huy Ánh