1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Đô thị đặc biệt loay hoay chọn “nhạc trưởng”

(Dân trí) - Hà Nội và TPHCM được xếp hạng thành phố đặc biệt theo dự luật Quy hoạch đô thị. Hai thành phố này có thể cùng lúc có Sở xây dựng, Sở quy hoạch kiến trúc, Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng. Vai trò “nhạc trưởng” vẫn chưa ngã ngũ…

Chủ nhiệm UB kinh tế của Quốc hội, Hà Văn Hiền, trao đổi về vấn đề này bên lề buổi thảo luận về dự án luật Quy hoạch đô thị.

Luật Quy hoạch đô thị nhận được nhiều ý kiến “phê” gay gắt ngay trong lần ra mắt Quốc hội. Là người trực tiếp ký báo cáo thẩm tra dự án luật này, ông có kỳ vọng một hướng giải cho bài toán quy hoạch đang tắc?

Hiện nay, quy hoạch đô thị được điều chỉnh ở rất nhiều dự án luật khác nhau. Luật này ra đời sẽ điều chỉnh tổng hợp, cùng lúc trong một bộ luật quy định tất cả các khâu từ lập quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch đến quản lý quy hoạch. Việc này sẽ khắc phục được những chồng chéo giữa các loại quy hoạch với nhau.

Chúng ta có thể nhìn thấy đô thị Việt Nam hay có chuyện hôm nay “ông” ngành điện trồng cột điện, ngày mai “ông” viễn thông lại lắp đặt cáp, cày lên lấp xuống. Đấy là do lỗi quy hoạch. Có luật này sẽ tạo ra sự thống nhất giữa quy hoạch của các ngành với quy hoạch chung của đô thị, khắc phục những bất cập đó.

Thiết chế Kiến trúc sư (KTS) trưởng ở một số đô thị lớn là điểm chú ý nhất trong dự án luật này nhưng đó cũng là vấn đề được “cảnh báo” nhiều bất cập nhất. Nhiều người lo ngại, chúng ta sẽ “dựng lại” thời kỳ 10 năm trước đây, KTS trưởng “góp tay” băm nát đô thị. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Đây là một vấn đề còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Chúng tôi trong quá trình thẩm tra luật này cũng tranh thủ ý kiến của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm về lĩnh vực này, thậm chí có những người đã từng giữ vai trò KTS trưởng thành phố. Trên thực tế, ở một số nước phát triển, các đô thị lớn của họ đều có KTS trưởng với vai trò rất quan trọng là người định hướng quy hoạch. Trong quy hoạch, cần có ý tưởng và cần có người duy trì, thực hiện ý tưởng đó.

Vấn đề là chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của KTS trưởng thế nào thì cần được làm rõ. Còn ý tưởng có kiến trúc sư trưởng theo tôi là cần thiết.

Nhưng với duy nhất một điều luật trong dự thảo, thiết kế KTS trưởng được đánh giá là “chơi vơi” - một người ngồi “vẽ” thành phố… cho vui, không để làm gì?

Đúng thế. Vì ngay trong dự thảo luật cũng chưa định hình được nhiệm vụ, chức năng, cơ chế hoạt động của KTS trưởng ra sao nên chưa có mấy căn cứ, cơ sở để nói về mô hình này. Nhưng tôi nghĩ, đây mới là lần đầu tiên QH cho ý kiến về dự án luật này, kỳ họp sau, QH sẽ thông qua. Việc bây giờ là làm sao để vấn đề được nêu ra để dư luận tiếp tục bàn luận, góp ý thêm.

Trong báo cáo giải trình, UB kinh tế cũng đặt vấn đề phải tổng kết mô hình KTS trưởng trong những năm trước đây để thấy được những ưu nhược điểm, sau đó quyết định mô hình cho phù hợp. Có mô hình này rồi, nhiệm vụ, hoạt động của KTS trưởng ra sao, mối quan hệ với các ngành khác như Sở xây dựng, Sở quy hoạch kiến trúc, Hội đồng tư vấn kiến trúc quy hoạch… sẽ được làm rõ.

Cũng có ý kiến cho rằng nên bỏ Sở quy hoạch kiến trúc. Quan điểm của cá nhân ông?

Việc này tôi nghĩ rằng cũng cần phải tổng kết. Không phải vô cớ mà Chính phủ để cho 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM có Sở quy hoạch kiến trúc. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng nghe nhiều ý kiến phàn nàn về mối quan hệ giữa Sở này với Sở xây dựng. Phải tổng kết thì mới thấy được cái gì là bất cập, cần điều chỉnh.

Hà Nội và TPHCM sẽ được điều chỉnh đầu tiên và mạnh nhất khi luật Quy hoạch đô thị chính thức được áp dụng (1/1/2010). Có nên cho 2 thành phố này quy chế riêng, thưa ông?

Trong luật này cũng đề cập tới vấn đề thành phố đặc biệt. Quan điểm riêng của tôi, trong đô thị có những loại đặc biệt thì cần thiết có những điều khoản quy định cho phù hợp hơn, để phạm vi điều chỉnh của luật được rộng rãi hơn. Còn cụ thể thế nào thì phải bàn lại.

P.Thảo (ghi)