"Dở khóc dở cười" số phận chiếc máy bay bị "bỏ quên" suốt 14 năm ở Nội Bài
(Dân trí) - Chiếc Boeing B727-200 của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines "bỏ quên" tại sân bay Nội Bài - Hà Nội đã 14 năm. Cục Hàng không Việt Nam đã tìm mọi cách xử lý chiếc máy bay này nhưng vẫn bất khả thi.
Cục Hàng không Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ các khó khăn, vướng mắc của quá trình bán đấu giá tàu bay bị bỏ quên tại Nội Bài và đề xuất chuyển sang giao tài sản công.
Đấu giá bất khả thi
Máy bay Boeing B727 mang số hiệu đăng ký XU-RKJ, từng thuộc sở hữu của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (Campuchia). Sau khi khai thác được vài chuyến bay trên chặng Siêm Riệp - Hà Nội thì chiếc máy bay gặp sự cố kỹ thuật và ngừng bay, đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài từ ngày 1/5/2007 đến nay.
Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia đã có phản hồi bằng thông báo khẳng định giấy chứng nhận người khai thác tàu bay của Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi, đồng nghĩa với việc chiếc máy bay B727-200 này đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia. Cơ quan này đề nghị Cục Hàng không Việt Nam xử lý theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Năm 2017, Chính phủ đã chỉ đạo xác lập quyền sở hữu Nhà nước và phương án xử lý đối với máy bay Boeing B727-200 của Campuchia tại Nội Bài, giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc bán đấu giá tài sản theo đúng quy định pháp luật.
Về việc xử lý, nhiều năm nay cơ quan chức năng của Việt Nam đã đề cập tới nhưng vẫn không xong. Theo Cục Hàng không Việt Nam, có 2 phương án để xử lý tàu bay này là đấu giá tàu bay hoặc giao khai thác.
Nếu đấu giá, Cục Hàng không cho biết không đủ điều kiện, chức năng để thực hiện xác định giá khởi điểm của tài sản cũng như bán đấu giá mà phải thuê một đơn vị độc lập định giá chiếc máy bay.
Trường hợp tài sản là một tàu bay đang hoạt động, đáp ứng đủ điều kiện kỹ thuật khai thác thì cơ quan quản lý hàng không có thể tham khảo ý kiến của hãng, các vụ việc tương tự trên thế giới (nếu có) khi bán đấu giá tàu bay để làm cơ sở phê duyệt, thống nhất giá khởi điểm.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết vấn đề và vướng mắc lớn nhất là tải sản mang đấu giá là một tàu bay bị xuống cấp trầm trọng, hỏng hóc nặng và không thể phục hồi, tại Việt Nam chưa có tiền lệ và thế giới cũng không có trường hợp tương tự. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam nhận thấy không đủ cơ sở và sẽ thiếu thuyết phục trong quá trình phê duyệt giá khởi điểm của tài sản mà bên định giá đưa ra.
Năm 2017, Cục Hàng không Việt Nam đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp về việc thẩm định giá tài sản, tuy nhiên sau khi khảo sát, công ty này đã "chào thua" vì không có đủ hồ sơ, tài liệu để xây dựng phương án thuê doanh nghiệp định giá nước ngoài vì chi phí thuê có thể đắt hơn giá trị thu được từ đấu giá tài sản.
Đổi bánh kẹo, xin làm giáo cụ
Năm 2019, Cục Hàng không Việt Nam nhận được đề xuất của một doanh nghiệp về việc đổi bánh, kẹo, rượu bia lấy máy bay Boeing 727-200. Số hàng hóa quy đổi trị giá 3 tỷ đồng. Doanh nghiệp này muốn sử dụng máy bay bị "bỏ rơi" để làm nhà hàng, địa điểm vui chơi hoặc sơn lại mặt ngoài để quảng bá thương hiệu.
Tuy nhiên, việc xử lý chiếc máy bay này không hề đơn giản mà phải thực hiện theo quy định của pháp luật về việc đấu giá. Do chiếc máy bay không có đủ hồ sơ, tài liệu để định giá nên Cục Hàng không Việt Nam không có cơ sở đưa ra giá khởi điểm.
Với chiếc máy bay này, Bộ Công an cũng từng có văn bản đề nghị sử dụng chiếc máy bay này để diễn tập chống khủng bố, Trường Học viện Hàng không xin sử dụng làm giáo cụ học tập, Cảng Hàng không Nội Bài nhiều lần đề nghị sử dụng để diễn tập phòng cháy chữa cháy, diễn tập an ninh an toàn hàng không…
Bà Nguyễn Thị Hải Hằng - Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam - cho biết: Trong danh mục quản lý của Học viện các loại giáo cụ, trang thiết bị phục vụ đào tạo kiến tập và thực hành đa số cũ kỹ, lỗi thời hoặc là trang thiết bị tàu bay của Nga, không còn tài liệu, hướng dẫn cũng như không phù hợp về mặt quy chuẩn tàu bay hệ tư bản được sử dụng phổ biến hiện nay như Boeing, Airbus... nên hiệu quả sử dụng chưa cao.
"Việc mua sắm trang thiết bị thực hành thực tập vô cùng đắt đỏ do đa số phải nhập từ nước ngoài với các tiêu chuẩn hàng không. Trong khi đó, tàu bay Boeing 727-200 bỏ lại tại sân bay Nội Bài mặc dù không còn khả năng khôi phục tính năng bay nhưng lại là một tài sản vô cùng quý giá để sử dụng làm giáo cụ trực quan cho sinh viên có điều kiện được tiếp xúc với loại tàu bay, trang thiết bị tàu bay phù hợp với hệ tiêu chuẩn và công nghệ hiện tại còn áp dụng trong ngành hàng không" - bà Hằng nói.
Nếu được chấp nhận giao khai thác, Học viện Hàng không Việt Nam sẽ thuê các đơn vị khảo sát, lập phương án khả thi tháo lắp, di chuyển về cơ sở 3 của Học viện tại Cam Ranh. Chi phí vận chuyển dự kiến 4-5 tỷ đồng.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam ủng hộ phương án giao chiếc máy bay là tài sản công để phục vụ giảng dạy, đào tạo trong ngành hàng không. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT, khi việc giao và nhận trong cùng hệ thống cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT sẽ thuận lợi hơn trong quá trình chuyển giao.