1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đỉnh cao mới của quan hệ Việt - Mỹ

“Các chuyến viếng thăm cấp cao mang ý nghĩa thúc đẩy quan hệ song phương Việt - Mỹ nhưng chuyến thăm Mỹ lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đưa quan hệ Việt - Mỹ lên đỉnh cao mới”.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng - Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ sau chiến tranh, có kinh nghiệm hơn 30 năm công tác về quan hệ Việt Nam và Mỹ, là nhà thương thuyết quan trọng trong các mốc lịch sử bình thường hóa quan hệ giữa hai nước - trao đổi nhân chuyến thăm Mỹ chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. 

 

“Việt - Mỹ gặp nhau ở lợi ích chung”

 

Sau chuyến thăm chính thức Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005 đến nay, hai nước liên tục trao đổi các cuộc thăm viếng cấp cao. Theo ông, chuyến thăm chính thức Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này khác các chuyến thăm cấp cao trước thế nào? 

 

Trong 4 năm, có ít nhất có 4 chuyến thăm cấp cao giữa hai nước. Tất cả những chuyến thăm này đều có ý nghĩa thúc đẩy phát triển quan hệ song phương giữa hai nước. Tuy nhiên, chuyến thăm chính thức Mỹ lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đưa quan hệ hai nước lên đỉnh cao mới vì rất nhiều lẽ.

 

Chính quyền của Tổng thống George Bush tổ chức tiếp đón Thủ tướng Việt Nam đến Mỹ vì mục đích quan hệ song phương lâu dài chứ không vì nhiệm kỳ Tổng thống.

 

Phía Mỹ, đặc biệt là giới doanh nhân, rất trông đợi chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

 

Hai nước có thể triển khai hợp tác nhiều vấn đề. Mỹ có thể chia sẻ với Việt Nam nhiều nội dung hợp tác trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an, chống khủng bố, buôn lậu, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu v.v...

 

Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển, cần tăng cường quan hệ với Mỹ vì hiện tại đây là là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng chú trọng thúc đẩy giáo dục, khoa học kỹ thuật, hợp tác nhân đạo với Mỹ. 

 

Hai bên gặp nhau ở lợi ích chung nên chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn sẽ thành công.

 

Khác với các chuyến thăm cấp cao trước, lần đầu tiên, giáo dục, khoa học - công nghệ sẽ được đề cập trong cuộc gặp của Thủ tướng với lãnh đạo cấp cao Mỹ như những nội dung hợp tác ưu tiên hàng đầu. Ông có nhận định gì?

 

Để phục vụ cho quá trình phát triển hiện nay, Việt Nam cần nguồn nhân lực có chất lượng cao, đặc biệt nguồn nhân lực có chất xám. Do vậy, Việt Nam cần tham khảo các hệ thống giáo dục mới, ngang tầm quốc tế và các trường đại học của Mỹ có thể là sự tham khảo tốt.

 

Nhu cầu khoa học - công nghệ cũng rất lớn. Để tiến tới nền kinh tế hiện đại, Việt Nam phải có khoa học công nghệ tiên tiến để hàm lượng, giá trị xuất khẩu của mình cao hơn.

 

Mở bầu trời cho các hãng hàng không hai nước?

 

Thưa ông, đâu là nền tảng thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước phát triển mạnh mẽ thời gian qua?

 

Kể từ khi hai nước ký Hiệp định Thương mại Song phương (BTA), cho đến việc Mỹ dành Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam và ký kết thỏa thuận song phương cho WTO, hai nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ  trong quan hệ kinh tế.

Những thành tựu này có tác động mạnh mẽ đối với quan hệ hai nước. Nhờ đó, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam đã phát triển rất mạnh. Trước khi Việt Nam gia nhập WTO, Mỹ đứng thứ 10 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hiện nước nay vươn lên vị trí thứ 5 với tổng vốn đầu tư gia tăng nhanh chóng.

 

Doanh nghiệp hai nước sẽ tiếp tục là nhân tố thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển để hai bên ký kết những hiệp định hợp tác kinh tế mới.

 

Kể từ Hiệp định Thương mại Song phương (BTA) cho đến Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA) - một sự mở rộng của BTA, ông đánh giá thế nào về những bước tiến trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước?

 

BTA được ký năm 2000. 7 năm sau, hai nước mới ký TIFA. Khoảng thời gian đó không nhanh, lẽ ra có thể rút ngắn hơn để đạt được nhiều kết quả hợp tác phong phú hơn.

 

Trong quá trình đó vẫn xuất hiện những lực cản, chẳng hạn có nhóm chống đối vẫn dùng vấn đề này hoặc vấn đề khác để kìm hãm tiến trình phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước. Nhưng dù thế nào, những lực cản không làm tiến trình quan hệ hai nước dừng lại. 

 

Sau BTA rồi đến Quy chế PNTR, thỏa thuận song phương cho WTO, theo ông, đâu là những mục tiêu hợp tác kinh tế mới mà lãnh đạo hai bên sẽ thảo luận?

 

Năm ngoái, trong chuyến thăm chính thức Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, hai bên đã ký Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA). Trong chuyến thăm này của Thủ tướng, hai bên có thể sẽ thảo luận những vấn đề mới hơn như áp dụng Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) dành cho Việt Nam, công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

 

Mỹ có thể quan tâm đến Hiệp định thương mại tự do giữa hai nước hoặc mở bầu trời cho các hãng hàng không hai nước tham gia vào thị trường của nhau, hoặc Việt Nam và Mỹ có thể tham gia thị trường tự do châu Á - Thái Bình Dương v.v... Đó là những viễn cảnh, những đích mà hai nước có thể hướng tới.

 

Hai bên đã vượt qua nhiều điều mà cách đây 20 năm khó nói

 

Việt Nam giờ đã hội nhập chính trị quốc tế sâu rộng với việc tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với tư cách ủy viên không thường trực. Điều này thúc đẩy cục diện quan hệ chính trị với Mỹ như thế nào, thưa ông?

 

Sự thay đổi trong những năm qua xuất phát từ nhiều nhân tố nhưng quan trọng nhất là Việt Nam đã phát triển nhanh, toàn diện, tham gia tích cực hơn trong các vấn đề quốc tế và khu vực.

 

Việc tham gia hợp tác đa phương trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an, APEC hay WTO đã giúp Việt Nam nâng cao vị thế và tiếng nói với cộng đồng quốc tế. Mỹ cũng nhận thức điều này và nhờ vậy quan hệ chính trị giữa hai bên có những bước biến chuyển.

 

Điều đáng nói là hai bên đã vượt qua nhiều điều mà cách đây 20 năm rất khó nói. Giờ Việt Nam có thể nói công khai mời Mỹ vào lập các trường đại học ở Việt Nam hoặc Việt Nam gửi hàng nghìn sinh viên sang Mỹ học tập.

 

Mỹ nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong khu vực ASEAN, cho rằng hai bên có thể chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh khu vực. Ông nghĩ sao về điều này?

 

Mỹ và Việt Nam chia sẻ mục tiêu chung về hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, hay Đông Nam Á. Trong ASEAN, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, tiếng nói của mình và luôn mong muốn thúc đẩy đoàn kết, phát triển khu vực.

 

Mỹ coi trọng ASEAN và cử đại sứ tại khu vực này. Họ mong muốn Việt Nam đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ và ASEAN.

 

Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn sẽ trao đổi với lãnh đạo cấp cao Mỹ các biện pháp tăng cường quan hệ giữa Mỹ và ASEAN.

 

Liệu hai bên có thể trở thành những đối tác chiến lược của nhau trong khu vực không?

 

Quan hệ đang phát triển toàn diện, mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn có những lực cản. Duy trì mối quan hệ phát triển như hiện nay là thích hợp nhất, là đối tác hữu nghị, hợp tác của nhau.

 

Có những lĩnh vực hợp tác chiến lược như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, kinh tế, thương mại. Nhưng có những lĩnh vực hợp tác khác chưa thể đạt tầm quan hệ chiến lược. Tương lai như thế nào sẽ tính tiếp.

 

Theo Xuân Linh

VietNamnet