1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tín hiệu kinh tế sẽ tiếp nối tín hiệu chính trị

“Tín hiệu chính trị đã phát đi, và chắc chắn, tín hiệu hợp tác kinh tế giữa hai nước sẽ tiếp nối”, ông Đặng Thành Tâm, Giám đốc Saigon Invest Group nói về chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn cấp cao Việt Nam.

Sau gần 20h giờ bay, đúng 17h ngày 22/6 (giờ Washington DC) tức 4h sáng giờ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quân sự Andrews, bắt đầu chuyến thăm chính thức 4 ngày tại Hoa Kỳ. Ra đón đoàn tại sân bay có Phó trợ lý Ngoại trưởng Scot Marciel, Đại sứ Hoa Kỳ  tại Việt Nam Michael Michalak, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Công Phụng và đông đảo bà con Việt kiều.

 

Khác với các chuyến thăm cấp cao trước, trong danh sách đoàn đi lần này, thành phần trong Chính phủ giảm nhiều, với 15 thành viên. “Mỗi thành viên trong đoàn sẽ phải làm việc gấp đôi, gấp ba”, ông Tâm nói.

 

Trong khi đó, một lực lượng doanh nhân hùng hậu, đại diện cho 60 doanh nghiệp lớn của Việt Nam đi cùng đoàn, với những dự định và kì vọng khác nhau về chuyến đi.

 

Tín hiệu kinh tế sẽ tiếp nối tín hiệu chính trị  - 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới sân bay quân sự Andrews.

 

Tìm kiếm các đối tác hợp tác, kêu gọi đầu tư là mục tiêu của hầu hết các doanh nhân tham gia đoàn. Ông Đặng Thành Tâm cho biết, công ty ông đang thúc đẩy làm việc với tập đoàn GE, một trong những tập đoàn hàng đầu của Mỹ. Ngay sau khi đến chào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Washington DC, Phó Giám đốc của Tập đoàn GE cũng sẽ tới Hà Nội để “nhìn tận mắt” khả năng đầu tư vào Việt Nam vào ngày 27/6 tới. Cuối năm 2008, nhà lãnh đạo cao nhất của tập đoàn này cũng đến Việt Nam.

 

Đồng thời là thành viên của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, ông Tâm cho biết, chưa bao giờ các thành viên APEC quan ngại về tình hình kinh tế Việt Nam.

 

“Các doanh nghiệp Mỹ vẫn nhìn Việt Nam với cái nhìn tích cực, dài hạn”, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michalak nói. Ông cho biết, phía Mỹ đặc biệt quan tâm đến nội dung chống lạm phát, đầu tư công và đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam, song song với tăng cường thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư.

 

Cơ hội nói thẳng, nói rõ tình hình để nhà đầu tư có cái nhìn đúng

 

Gần đây có quá nhiều báo cáo của các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá tiêu cực, thiếu khách quan về tình hình kinh tế vĩ mô và tình hình thị trường vốn Việt Nam. Theo ông Trần Thanh Tân, TGĐ Quỹ VietFund, tình hình Việt Nam hiện nay đang gặp khó khăn, nhưng không tệ như các nhận định của báo cáo bên ngoài.

 

Chuyến thăm sẽ là cơ hội để Việt Nam nói thẳng, nói rõ về tình hình, với những con số trung thực để có cái nhìn đúng đắn.

 

Ông cho biết, mối quan tâm lớn nhất của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính như VietFund là “đem đến hình ảnh khách quan về Việt Nam giới thiệu cho các nhà đầu tư tài chính Hoa Kỳ, thông qua những thông số thực tế về tình hình kinh tế Việt Nam: dự trữ ngoại tệ, cán cân thanh toán...”.

 

Tín hiệu kinh tế sẽ tiếp nối tín hiệu chính trị  - 2

Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán nước ta và bà con Việt kiều

đang sinh sống tại Washington DC hân hoan chào đón Thủ tướng và đoàn. (Ảnh: Website Chính phủ)

 

“Khi có cái nhìn đúng, các nhà đầu tư sẽ không còn đưa ra hàng loạt các câu hỏi nghi ngờ. Các nhà đầu tư sẽ nhìn nhận đúng mức độ, liều lượng cụ thể của những khó khăn kinh tế, khả năng giải quyết và cam kết mạnh mẽ về việc thực hiện rốt ráo các giải pháp của Chính phủ, giúp họ yên tâm bỏ vốn”.

 

Khi lòng tin đã khôi phục, việc tiền đầu tư từ trong dân và túi của nhà đầu tư sẽ không còn khó. Người ta nắm rõ khi tham gia sân chơi, người ta phải đối mặt với mức rủi ro như thế nào, có chấp nhận được mức rủi ro tới đâu. Lòng tin phục hồi, thị trường sẽ phục hồi.

 

Bên cạnh những hoạt động chính trị được trông đợi: Hội đàm với Tổng thống G.W.Bush, gặp gỡ lãnh đạo Nghị viện, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính Hoa Kỳ, trợ lý đối ngoại của ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ Barack Obama, điện đàm với ứng cử viên Cộng hòa John McCain, nội dung kinh tế cũng được phủ đậm với 2/3 thời lượng các cuộc gặp dành cho các doanh nghiệp, tập đoàn và giới chủ Hoa Kỳ.

 

Theo Phương Loan

VietNamnet