1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Điều tra vụ hàng trăm cây thông bị đầu độc tại Lâm Đồng

(Dân trí) - Sau khi báo chí phản ánh về vụ việc đầu độc, bức tử hàng trăm cây thông tại tiểu khu 274 ( xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà), UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các ngành chức năng tỉnh điều tra, xử lý mạnh tay đối với vụ vi phạm phá rừng này.

Ngày 22/11, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - ông Phạm S đã chỉ đạo ngành chức năng trong tỉnh điều tra, xử lý đối với vụ hủy hoại rừng thông bằng cách đầu độc cây tại tiểu khu 274 (thôn 6, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng).

 

Điều tra vụ hàng trăm cây thông bị đầu độc tại Lâm Đồng - Ảnh 1.

Một vụ hủy hoại rừng thông trên địa bàn huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đang được cơ quan chức năng tiến hành đo đạc, kiểm đếm

 

Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở NN-PTNT và UBND huyện Lâm Hà khẩn trương xác định đối tượng vi phạm trong vụ hủy hoại rừng quy mô lớn này. Đồng thời, tổ chức làm rõ trách nhiệm, sai phạm của các tập thể, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra vụ phá rừng, xử lý hoặc đề xuất xử lý theo thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng trước ngày 30/11/2018.

Trước đó, Dân trí đã đưa tin, có hàng trăm cây thông ba lá khoảng 25 năm tuổi, có đường kính gốc từ 25 - 40 cm đã bị các đối tượng khoan lỗ đổ chất độc, khiến cho cây khô héo chết dần, chực chờ đổ.

 

Điều tra vụ hàng trăm cây thông bị đầu độc tại Lâm Đồng - Ảnh 2.

Các đối tượng xấu đã đục thân cây và đổ thuốc độc cho cây chết dần nhằm hủy hoại rừng thông

 

Ghi nhận tại hiện trường, một khoảng rừng thông rộng lớn thuộc tiểu khu 274, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Nam Ban quản lý (tại thôn 6, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà) đã ngả màu vàng chờ ngày đổ.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 674 cây thông bị đầu độc trên diện tích 16.800 m2.

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban cùng chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đã huy động lực lượng dùng nhớt đổ vào lỗ khoan để cứu cây. Tuy nhiên chỉ khôi phục được một phần, còn lại các cây gần như lá bị vàng úa, héo khô và chờ chết.

Ngọc Hà