Điều tra tham nhũng: “Gia hạn đến mức không còn chỗ mà gia hạn”

(Dân trí) - “Cái khó trong điều tra tham nhũng là tìm chứng cứ. Tôi chưa thấy vụ nào mà chi bộ Đảng phát hiện tham nhũng rồi báo cáo, đầy đủ chứng cứ” - Đại tướng Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ CA nói về tiến độ làm án tham nhũng.

Điều tra tham nhũng: “Gia hạn đến mức không còn chỗ mà gia hạn” - 1
Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh.

Dư luận vừa qua đặt câu hỏi về nhiều vụ án tham nhũng đã khởi tố nhưng quá trình điều tra, xử lý vẫn chậm trễ, kéo dài. Phải chăng việc giải quyết án chưa được đặt ra rốt ráo?

Đúng là trong thực tế có sự chậm trễ như vậy. Khởi tố, điều tra thời gian còn kéo dài, có những vụ còn phải gia hạn, gia hạn đến mức không còn chỗ để mà gia hạn nữa, không chứng minh được tội phạm thì mình cũng phải đình chỉ.

Cái khó khi điều tra tham nhũng là cực kỳ phức tạp trong việc tìm chứng cứ. Chứng cứ phải thể hiện qua những bút lục, chứng từ, những quyết định gì đó còn để lại bằng văn bản hoặc có người biết việc đó. Ở đơn vị có tham nhũng thì không quyết liệt, còn nể nang này nọ, không cung cấp chứng cứ.

Thực tế nhiều vụ án tham nhũng là do có dư luận ngoài xã hội, báo chí phát hiện nêu lên, rồi các cơ quan đi thanh, kiểm tra, xác định từ đó mới khởi tố, điều tra sự việc. Còn tôi cũng thấy chưa có vụ nào mà ngay chi bộ Đảng ở đó phát hiện ra anh A anh B ở đó tham nhũng rồi báo cáo đầy đủ chứng cứ.

Nói vậy nghĩa là hiện nay việc điều tra rất khó. Nhưng mình vẫn phải cố gắng làm. Trong hơn 17 vụ án trọng điểm có liên quan đến tham nhũng cơ bản đến nay đã điều tra xong.

Như vụ PMU18 phát sinh từ năm 2006, đến nay mảng tội danh về kinh tế, chức vụ vẫn tiếp tục “đọng”. Vụ PCI dư luận đang rất quan tâm thì 1 năm qua vẫn “dậm chân” ở giai đoạn khởi tố vụ án. Tiến độ điều tra dường như không thể đẩy lên được?

Vụ PMU 18 giai đoạn 2 thì về mặt điều tra là hoàn thành hồ sơ rồi, đã chuyển cho viện kiểm sát, sắp tới sẽ hoàn chỉnh để đưa ra tòa án xét xử.

Còn vụ PCI, qua thông tin được cung cấp từ cơ quan điều tra của Nhật Bản, việc tiêu cực liên quan đến ông Huỳnh Ngọc Sĩ, ta đã vào cuộc điều tra. Không chỉ chờ đợi thông tin, chúng ta cũng đã tự điều tra để nắm tình và phát hiện việc cho thuê trụ sở sai mục đích rồi lấy khoản đó chia nhau ở BQLDA đại lộ Đông - Tây thì cũng đã khởi tố, điều tra, xét xử như đã biết.

Hồ sơ phía Nhật cung cấp liên quan đến hành vi của Huỳnh Ngọc Sĩ có khoảng 4.000 trang phải dịch ra tiếng Việt. Mà dịch về pháp luật thì có phải ai cũng làm được đâu. Chúng tôi phải tìm đến công ty dịch thuật quốc tế mới đủ tư cách pháp nhân tiến hành, ký hợp đồng...

Đến nay dịch xong được khoảng nửa tháng. Chúng tôi cũng dựa trên hồ sơ này để xem xét các cơ sở chứng cứ để có thể buộc tội ông Sĩ nhận tiền như thế nào.
 
Bước đầu ông đánh giá thế nào về những chứng lý phía bạn đã thu thập được về vụ án?

Chúng tôi xem xét và thấy có cơ sở, có vi phạm nhưng việc sử dụng hồ sơ điều tra nước ngoài cung cấp cho mình thì thực ra cũng mới lần đầu tiên chưa có tiền lệ, phải coi lại luật pháp của mình như thế nào.

Chúng tôi đã bàn với VKS để mời tòa án cùng xem xét xử lý. Các ban ngành cũng thấy cũng nên trao đổi thêm với bộ Tư pháp xem nên sử dụng bộ hồ sơ này thế nào.

Còn nghi án nhận tiền hối lộ để “bán” hợp đồng in tiền polymer, liệu khả năng việc điều tra sẽ tiến triển nhanh hơn, chủ động hơn?

Việc này chúng tôi đã giao cơ quan điều tra nắm tình hình. Cũng giống như vụ ông Sĩ, khi có thông tin thì mình cũng đặt vấn đề xem bạn làm thế nào.

Phía Úc trả lời thế nào khi chúng ta đặt vấn đề, thưa ông?

Việc này không phải chính thức cơ quan chức năng của họ thông tin mà dư luận báo chí đưa tin, nên chúng tôi cử lực lượng tham gia trực tiếp với các cơ quan chức năng đó để nắm tình hình.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (ghi)