Điều chỉnh chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030
(Dân trí) - Sáng 25/7, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đã chủ trì cuộc họp về việc cho ý kiến vào dự thảo Tờ trình và Quyết định phê duyệt “Điều chỉnh Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, qua 6 năm thực hiện Chiến lược khoáng sản đã đạt được một số kết quả quan trọng trong công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; dự trữ khoáng sản; công tác thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; quản lý hoạt động khoáng sản.
Cụ thể, đã hoàn thành lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền gần 24.000 km2, tổng diện tích đã hoàn thành đến nay đạt 70%; hoàn thành lập bản đồ địa chất khoáng sản biển tỷ lệ 1:100.000 trên diện tích 35.000 km2 vùng biển sâu từ 30 – 100m; đã hoàn thành đánh giá tổng thể tiềm năng quặng titan sa khoáng trong tầng cát đỏ ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, quặng bauxit ở Tây Nguyên; phát hiện và đánh giá tài nguyên một số mỏ khoáng sản gồm chì – kẽm, titan, vonfram, urani, felspat - kaolin. Đến nay đã có 48 khu vực đưa vào dự trữ khoáng sản quốc gia với tổng diện tích hơn 11.000 km2…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất điều chỉnh Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Về quan điểm chỉ đạo, cơ bản giữ nguyên các quan điểm chỉ đạo nêu trong Chiến lược, đề xuất thay “chỉ xuất khẩu sản phẩm sau chế biến có giá trị kinh tế cao đối với khoáng sản quy mô lớn” bằng “chỉ xuất khẩu sản phẩm sau tuyển, chế biến có hiệu quả kinh tế cao; ưu tiêu xuất khẩu khoáng sản có quy mô lớn; nhập khẩu một số khoáng sản cần thiết phục vụ nhu cầu sản xuất của các ngành công nghiệp” nhằm tạo điều kiện cho xuất khẩu khoáng sản phù hợp với từng thời kỳ và định hướng nhập khẩu một số khoáng sản trong nước có nhu cầu cần thiết nhưng không có hoặc thiếu.
Về mục tiêu, bổ sung các nội dung quan trọng như: tiến hành đánh giá khoáng sản ở các vùng biển của Việt Nam; ưu tiên đánh giá làm rõ tiềm năng tài nguyên các loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao trên đất liền đến độ sâu đến 1000m; đẩy mạnh thăm dò đáp ứng nhu cầu khai thác, chế biến đến năm 2050 đối với các loại khoáng sản: năng lượng (than, phóng xạ), kim loại (đồng, vonfram - thiếu, antimon), khoáng chất công nghiệp (kaolin, felspat, vôi công nghiệp); khuyến khích hợp tác với một số nước có công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biển một số khoáng sản trong nước có tiềm năng lớn, điều kiện khai thác, chế biến khó khăn; điều chỉnh tiêu chí xuất khẩu từ “chỉ xuất khẩu sản phẩm sau chế biến có giá trị cao đối với khoáng sản quy mô lớn” thành “xuất khẩu khoáng sản sau tuyển, chế biến theo nguyên tắc đảm bảo nhu cầu sử dụng trong nước, phù hợp với mục tiêu phát triển theo từng giai đoạn, từng loại khoáng sản, từng khu vực khoáng sản, có xét đến hiệu quả của việc đầu tư chế biến”;...
Về định hướng phát triển, bổ sung định hướng đẩy mạnh điều tra, đánh giá các khoáng chất công nghiệp mới, các khoáng sản thay thế vật liệu xây dựng truyền thống như cát, sỏi lòng sông; yêu cầu hoạt động thăm dò khai thác, chế biến khoáng sản phải tuân thủ quy hoạch, đảm bảo hiệu quả, bảo vệ môi trường; sử dụng công nghệ tiên tiến để thu hồi thành phần có ích, kiểm soát chất thải trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản; bổ sung định hướng khuyến khích điều tra, thăm dò, khai thác sử dụng các nguồn năng lượng sạch - địa nhiệt…
Về các giải pháp, bổ sung thêm các giải pháp: tăng cường vai trò trách nhiệm của địa phương, nhất là chính quyền cơ sở và người dân trong việc phát hiện, ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; đẩy mạnh đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quy định trách nhiệm của người đứng đầu, chính quyền địa phương nơi có khoáng sản, khuyến khích người dân trọng việc phát hiện, ngăn chặn những vi phạm về môi trường trong hoạt động khoáng sản; kiên quyết đóng cửa các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đánh giá Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã tiếp thu các ý kiến của Bộ ngành, địa phương đề xuất điều chỉnh Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khoáng sản trên cả nước.
Ông Kiên đề nghị Tổng cục tiếp thu các ý kiến của đại diện các Bộ ngành, các đơn vị trực thuộc Bộ tại cuộc họp để hoàn thiện dự thảo Tờ trình và Quyết định phê duyệt; trong đó có phân tích, đánh giá đầy đủ hơn nữa về những tồn tại, hạn chế; tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế chính sách về khoáng sản; tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện thành công các mục tiêu, giải pháp mà Chiến lược khoáng sản đề ra trong tình hình mới.
T.K