Điều 60 Luật BHXH đảm bảo lợi ích cho người lao động khi về già
(Dân trí) - “Chúng ta sửa đổi điều 60 Luật BHXH là hướng tới chính sách hưu trí khi hết tuổi lao động và tránh rủi ro khi về già”, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - chia sẻ tại Hội thảo “Đảm bảo an sinh xã hội cho người dân: Triển vọng và thách thức” diễn ra ngày 10/4, tại Đà Nẵng.
Trong văn kiện của Đảng có một mục tiêu đặt ra là chúng ta phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội, tức là khoảng 28 triệu lao động và 35% lực lượng lao động tham gia vào chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Nhưng đến nay, chúng ta mới được 11,6 triệu người tham vào bảo hiểm xã hội bắt buộc, chiếm hơn 20% tổng lực lượng lao động xã hội. Đây là một chỉ tiêu rất khó khăn.
“Hàng năm, chúng ta có khoảng 500 ngàn người ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội và hơn 600 ngàn người tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội. Số ra và số vào tương đương nhau. Như vậy, chúng ta có đạt được mục tiêu theo tinh thần nghị quyết của Đảng hay không? Đó là lý do chúng ta sửa đổi luật bảo hiểm xã hội. Thứ hai, chúng ta sửa luật bảo hiểm xã hội là cũng nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Chúng ta sửa đổi điều 60 là hướng tới chính sách hưu trí khi hết tuổi lao động và tránh rủi ro khi về già. Điều mà chúng ta thấy, bài học sâu sắc đó là quyết định 176 về giải quyết chính sách thôi việc một lần cho người lao động. Chúng ta để 500 ngàn người ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội, bây giờ đối tượng này rất khó khăn. Nhiều người muốn trả lại tiền bảo hiểm xã hội đã nhận một lần để tiếp tục đóng, hưởng chính sách lâu dài nhưng không được”, ông Lợi nói.
Quang cảnh hội thảo
Nói về những thách thức khi triển khai Luật Bảo hiểm xã hội 2014, ông Lợi cho biết, thách thức đầu tiên và trước mắt là điều 60 ra đời không được sự ủng hộ của người lao động (vừa qua công nhân Cty TNHH PouYuen Việt Nam ở TPHCM đã tập trung phản đối quy định tại điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, quy định khi công nhân nghỉ việc sẽ không được nhận bảo hiểm xã hội một lần như trước).
"Rõ ràng trong quá trình lấy ý kiến, chúng ta làm hết sức chặt chẽ nhưng đến bây giờ vẫn xảy ra tình trạng như vậy. Tuy nhiên, không phải tất cả người lao động phản đối mà chỉ có 2 đối tượng là lao động làm trong ngành giày da và ngành may mặc. 80% công nhân trong khu công nghiệp là nông dân. Người ta tràn vào đô thị làm việc với mong muốn là sau khi nghỉ việc, nhận bảo hiểm xã hội một lần, đem số tiền đó về quê hương tiếp tục sinh kế. Đó là rất đúng với thực tế cuộc sống hiện nay. Nhưng về mặt lâu dài thì nó không đảm bảo được lợi ích của người lao động. Hai mươi năm sau họ sẽ sống bằng gì? Bảo hiểm xã hội là của để dành do Nhà nước quản lý, bảo trợ. Vì thế, chúng ta không còn cách nào khác là phải tuyên truyền giải thích cho người lao động được hiểu", ông Lợi nói.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, sửa đổi điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 là một việc hết sức tiến bộ
Theo bà Đỗ Thị Xuân Phương – Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - số người tham gia bảo hiểm xã hội đều tăng qua các năm (bình quân khoảng 5%) nhưng số người tham gia còn thấp hơn so với số thực tế phải tham gia và tốc độ tăng chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng trốn đóng BHXH vẫn còn phổ biến ở tất cả các địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là công tác quản lý doanh nghiệp và lao động trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, liên tục; chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe…
Khánh Hồng