1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Điểm” tác nhân gây cháy, nổ ôtô, xe máy

(Dân trí) - Lắp thêm thiết bị bảo vệ, còi, đèn; sử dụng xăng “lởm”, để đồ dễ cháy trong cốp, dưới yên xe… đều đã từng gây cháy, nổ ôtô, xe máy - Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) thống kê, khuyến cáo các biện pháp phòng, chữa cháy phương tiện.

“Điểm” tác nhân gây cháy, nổ ôtô, xe máy - 1
Một chiếc Attila bốc cháy khi đang lưu thông trên cầu Chương Dương vừa qua.

Đối với người sử dụng phương tiện, Cục Cảnh sát PCCC khuyến cáo không lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện khác như thiết bị bảo vệ, còi, đèn… hoặc nếu lắp thêm phải bảo đảm không bị quá tải về điện. Tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định và việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa tại những nơi có bảo đảm chất lượng.

Người sử dụng phương tiện cần chủ động kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời các sự cố, hỏng hóc khi xe có dấu hiệu khác thường (khó nổ, có hơi xăng, có tiếng kêu, nhiệt độ của máy cao, có mùi khét); khi để xe trong nhà, ở nơi trông giữ xe phải tắt khóa điện, đóng khóa xăng và để xa nơi có nguồn lửa, nguồn nhiệt.

Cơ quan chuyên đảm nhiệm việc PCCC cũng lưu ý người sử dụng phương tiện phải sử dụng nhiên liệu (xăng, dầu) đúng chủng loại, chất lượng quy định; không mua xăng, dầu ở các điểm bán không được phép kinh doanh. Cũng như không để các chất dễ cháy, dễ bắt cháy trong xe, dưới yên xe, trong khoang động cơ; chủ các phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên cần tự trang bị các bình chữa cháy phù hợp theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy.

Đối với các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, yêu cầu đặt ra là cần nâng cao chất lượng các chi tiết của sản phẩm như tăng hệ số an toàn của hệ thống điện, hệ thống nhiên liệu, các vật liệu chế tạo phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu và thích ứng với các loại nhiên liệu đang được sử dụng và lưu hành trên thị trường trong nước; nghiên cứu sử dụng các ống dẫn nhiên liệu, dây dẫn điện bằng chất liệu chống cháy, chống chuột cắn, có độ bền cao.

Các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy cần có hướng dẫn chính xác, thông báo rõ ràng trong các sổ tay hướng dẫn sử dụng và tại các trạm bảo hành xe máy về loại nhiên liệu được phép sử dụng cho sản phẩm của mình như: loại xăng, trị số octan tối thiểu, lượng ethanol, methanol, các chất phụ gia trong nhiên liệu cho phép sử dụng với loại động cơ.

Đối với các cơ sở đại lý, bảo dưỡng, sửa chữa ô tô, xe máy, Cục Cảnh sát PCCC nhấn mạnh lưu ý cần nâng cao chất lượng dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, không vì lợi nhuận mà thay thế các linh kiện, chi tiết kém chất lượng.

Đặc biệt, cơ sở đại lý, bảo dưỡng, sửa chữa ô tô, xe máy không lắp đặt tuỳ tiện các chi tiết không có trong thiết kế, nhất là đối với hệ thống điện và hệ thống nhiên liệu.

Đối với các điểm trông giữ ô tô, xe máy, chủ các dịch vụ trông giữ ô tô, xe máy phải trang bị đầy đủ các loại phương tiện chữa cháy theo quy định. Có quy hoạch khu vực gửi xe, sắp xếp xe để thuận tiện, dễ dàng sơ tán xe khi có cháy. Nhân viên làm việc ở các khu vực này phải được huấn luyện thuần thục về biện pháp, phương pháp xử lí các tình huống cháy, nổ xảy ra;

Bên cạnh đó, chủ các toà nhà có dịch vụ trông giữ ô tô, xe máy trong ga ra, trong nhà, dưới các tầng hầm ngoài việc thực hiện các quy định trên, phải lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động theo quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, hệ thống này phải được kiểm tra, bảo trì thường xuyên để bảo đảm hiệu quả chữa cháy.

Lưu ý, để đảm bảo hiệu quả chữa cháy đối với các ga ra ô tô nên lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động bằng bọt thay cho chữa cháy bằng nước để tránh cho xăng, dầu loang ra theo nước chữa cháy gây nên cháy lan.

Xử lý khi gặp sự cố cháy xe

Cơ quan chuyên môn trong việc PCCC lưu ý người sử dụng phương tiện khi xảy ra cháy, nổ hoặc phát hiện thấy có khói hoặc nhiệt độ cao bất thường, cần bình tĩnh tắt khoá điện, đỗ, dựng xe ở lề đường xa nơi có nhiều người, nhiều chất dễ cháy. Khi cháy xe ô tô cần tìm mọi cách để đưa người ra khỏi xe và tìm cách chữa cháy.

Đồng thời, khoá ngay bình xăng nếu có thể (đối với các xe có thiết kế khóa xăng), dùng bình chữa cháy, cát, nước để chữa cháy đồng thời hô hoán để mọi người đến trợ giúp chữa cháy, gọi báo ngay cho Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy theo số điện thoại 114 hoặc cho Công an, chính quyền địa phương… nơi gần nhất để phối hợp chữa cháy, điều tra xác định nguyên nhân, kịp thời có biện pháp xử lý.

Trường hợp xét thấy không có khả năng dập tắt đám cháy cần nhanh chóng rời xa phương tiện đang cháy đến vị trí an toàn.
 

Qua thống kê, phân tích cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy ô tô, xe máy chủ yếu là do:

- Sự cố từ hệ thống điện như chập điện, quá tải, đánh tia lửa điện, phóng điện, … 30,25%.

- Sự cố kỹ thuật như nổ lốp, kẹt ống pô, bó phanh... 15,1%.

- Sơ xuất như để rơm rạ, ni lon, giẻ… quấn vào ống xả, sơ suất sử dụng lửa gây cháy cháy lan vào ô tô, xe máy 9,8%.

- Tai nạn giao thông 4,63%.

- Đốt 4,32%.

- Chưa rõ nguyên nhân 35,8%.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm