1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Dịch "leo thang", Hà Nội xuất hiện thêm một quận "vùng cam"

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Dù Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 nhưng đã ghi nhận thêm một quận có dịch ở cấp độ 3; bên cạnh đó, số lượng các xã, phường ở cấp độ 3 đã tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó.

UBND thành phố Hà Nội vừa có Thông báo số 844/TB-UBND về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Đáng chú ý, dù Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 nhưng đã ghi nhận thêm một quận có dịch ở cấp độ 3; bên cạnh đó, số lượng các xã, phường ở cấp độ 3 đã tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó.

Dịch leo thang, Hà Nội xuất hiện thêm một quận vùng cam - 1

So với tuần trước đó, ngoài quận Đống Đa thì Hà Nội đã ghi nhận thêm quận Hai Bà Trưng có dịch ở cấp độ 3 (Ảnh minh họa).

Cụ thể, tính theo quy mô cấp quận, huyện, thị xã, chỉ có 4 địa phương ở cấp độ 1 (gồm huyện: Mỹ Đức, Phúc Thọ, Ứng Hòa và Ba Vì; giảm 4 quận, huyện so với công bố vào ngày 11/12); 24 địa phương ở cấp độ 2 (tăng 3 quận, huyện) và 2 quận ở cấp độ 3 (gồm quận: Đống Đa, Hai Bà Trưng; tương ứng với màu cam).

Như vậy, so với tuần trước đó, ngoài quận Đống Đa thì Hà Nội đã ghi nhận thêm quận Hai Bà Trưng có dịch ở cấp độ 3.

Theo quy mô cấp xã, phường, Hà Nội có 439 địa phương ở cấp độ 1 (giảm 17 xã, phường); 132 địa phương ở cấp độ 2 (tăng 5 xã, phường); 25 xã, phường ở cấp độ 3 (tăng 12 xã, phường) và không có địa bàn nào ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ).

Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4 đến hết ngày 17/12) là 24.237 ca; trong đó, số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 9.354 ca, số ca mắc là đối tượng đã được cách ly 14.883 ca.

Đặc biệt, liên tiếp trong 3 ngày qua (từ ngày 15 đến 17/12), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận từ 1.300 đến 1.400 ca mỗi ngày. Riêng ngày 17/12, số ca mắc tăng mạnh lên tới 1.440 ca.

Trước đó, ngày 13/12, sau khi được xác định dịch trên địa bàn ở cấp độ 3, UBND quận Đống Đa đã yêu cầu các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được phép bán hàng mang về; khuyến cáo dân hạn chế ra đường…

Chủ động đánh giá cấp độ dịch để hạn chế các hoạt động

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký, ban hành Chỉ thị số 25/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong dịp Lễ cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Nội dung chỉ thị nhấn mạnh, du tình hình dịch bệnh trên thành phố cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế; chưa thống nhất rõ ràng thời gian cách ly F1, việc tổ chức xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm còn chậm; một số nơi còn lúng túng, thậm chí lơ là, chủ quan trong tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch…

Để tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch, Hà Nội yêu cầu các địa phương bám sát các nguyên tắc đã ban hành.

Đặc biệt, các địa phương phải thường xuyên đánh giá cấp độ dịch trên trên quy mô xã, phường, thị trấn và nhỏ nhất có thể để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp hành chính phù hợp, xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương theo diễn biến dịch và chỉ đạo của Trung ương và thành phố.

Bên cạnh đó, căn cứ cấp độ dịch trên địa bàn, các địa phương khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, nhất là trong dịp cuối năm, lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đám tang, đám cưới...; hướng dẫn tổ chức Lễ Giáng sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh lây nhiễm dịch bệnh.

Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương nâng cao tỷ lệ bao phủ vaccine tối đa, hoàn thành việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 theo chỉ đạo; tập trung rà soát, bổ sung, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, công tác điều trị F0 tại nhà.

Thành phố cũng đề nghị người dân tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó thực hiện nghiêm thông điệp 5K; khuyến cáo người cao tuổi, người có bệnh nền, người có nguy cơ cao hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người khi không cần thiết.

Đối với Sở Y tế, Hà Nội yêu cầu ngoài việc hướng dẫn các địa phương triển khai hoạt động chuyên môn và các nhiệm vụ liên quan thì cơ quan này cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Dự thảo "Kế hoạch đáp ứng y tế giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".