Dịch bệnh tại phía Nam có dấu hiệu tích cực, số ca nhiễm "đi ngang"

Thái Anh

(Dân trí) - Đây là đánh giá được đưa ra tại hội nghị trực tuyến tối 23/7 của Thường trực Chính phủ với 21 tỉnh thành phía Nam và Nam Trung bộ, khu vực đã trải qua gần một tuần cách ly xã hội toàn địa bàn.

Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì để đánh giá tình hình sau một thời gian thực hiện Chỉ thị 16 và quán triệt Công điện ngày 21/7 của Thường trực Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Dự hội nghị tại đầu các tỉnh, thành phố có Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành.

Dịch bệnh tại phía Nam có dấu hiệu tích cực, số ca nhiễm đi ngang - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với 21 tỉnh thành trong tối ngày 23/7.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, qua 5 ngày triển khai biện pháp cách ly xã hội tại các tỉnh thành phía Nam, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp do biến chủng mới có tốc độ lây lan rất nhanh, vòng lây nhiễm ngắn, trong cộng đồng đã có sẵn nhiều ca bệnh từ trước đó.

Các ca nhiễm bệnh đã được ghi nhận tại các khu chợ đầu mối, khu công nghiệp, khu dân cư đồng người, có cả người khám sàng lọc tại bệnh viện. Qua điều tra dịch tễ, truy vết, các tỉnh đã xác định được phần lớn nguồn lây.

Bộ Y tế nhận định, số ca mắc mới gia tăng do các địa phương tăng tốc lấy mẫu và xét nghiệm với số mẫu lớn tại các khu vực nguy cơ, khu cách ly, phong tỏa.

Các ý kiến cho rằng, tình hình dịch bệnh đã có những dấu hiệu tích cực và tỷ lệ nhiễm sẽ có xu hướng "đi ngang" trong một vài ngày tới nếu TPHCM và các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly xã hội trên địa bàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, việc thực hiện Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam những ngày qua có những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ chỉ ra những hạn chế cần khắc phục như: vẫn còn hiện tượng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác ở một số nơi, cơ quan, đơn vị và một số người dân; việc thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 có nơi còn chưa nghiêm. Một số nơi vẫn còn tình trạng tập trung đông người, một số dịch vụ không thiết yếu vẫn hoạt động. Một số chợ dân sinh còn hoạt động thiếu kiểm soát; có điểm lấy mẫu xét nghiệm chưa thực hiện nghiêm giữ khoảng cách.

Ngoài ra, tại các tỉnh thành, có nơi chưa thành lập được Tổ Covid-19 cộng động hoặc hoạt động chưa hiệu quả. Việc kiểm soát người về từ các vùng có dịch chưa được tổ chức hợp lý, hiệu quả theo quy định; việc thực hiện phương châm "4 tại chỗ" chưa nghiêm túc, nên còn thiếu hụt, bị động, lúng túng. Việc tổ chức tiêm vắc xin tại các địa phương còn chậm. Hoạt động vận tải, cung ứng hàng hóa có lúc, nhất là những ngày đầu còn lúng túng, thiếu hụt cục bộ…

Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc tổ chức thực hiện các quy định còn yếu, một số nơi việc kiểm tra, giám sát còn chưa chặt chẽ; ý thức chấp hành của một số người dân còn chưa nghiêm…

Dịch bệnh tại phía Nam có dấu hiệu tích cực, số ca nhiễm đi ngang - 2

Lãnh đạo các địa phương dự họp qua cầu truyền hình trực tuyến.

Thời gian tới, Thủ tướng quán triệt, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải thống nhất, tập trung, nhất quán ở tầm quốc gia, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng yêu cầu Bí thư tỉnh/thành ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thành trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị 16 tại địa phương. Theo đó, phải phân công trách nhiệm rõ ràng, yêu cầu thực hiện cụ thể, nghiêm túc theo quy định.

Biện pháp cụ thể là tiếp tục thành lập các Trung tâm cứu trợ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; Thành lập các đường dây nóng để tiếp nhận, kịp thời hỗ trợ, xử lý những vấn đề phát sinh; Chuẩn bị đầy đủ, kịp thời nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, đảm bảo điều phối phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực, trong đó, nhất thiết không để thiếu máy thở, oxy phục vụ chữa bệnh.

Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát việc thực hiện Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đảm bảo minh bạch, kịp thời, hiệu quả, đồng thời nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền nếu cần mở rộng đối tượng hỗ trợ.

Các Bộ Công an, Quốc phòng được nhắc nhở tiếp tục tăng cường lực lượng chi viện cho các địa phương phòng, chống dịch. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương lên kịch bản tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 đảm bảo an toàn, công bằng quyền lợi của học sinh.

Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương, các tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp, trao đổi, rút kinh nghiệm thường xuyên để kịp thời có các điều chỉnh hợp lý, hiệu quả trong phòng, chống dịch, với tinh thần linh hoạt, sáng tạo, lấy nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết.