“Địa phương cần ứng xử mau lẹ với tiêu cực báo chí nêu”
(Dân trí) - “Các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm theo dõi báo chí, giải quyết các vụ việc báo chí đã nêu và nếu có vấn đề gì thì báo cáo với Chính phủ. Nếu làm không tốt thì sẽ thực hiện kỉ luật” - Đại biểu Hoàng Thanh Phú đề xuất việc đề cao trách nhiệm của địa phương thay vì phải có sự chỉ đạo của Chính phủ.
Trong buổi thảo luận về báo cáo công tác nhiệm kì của Thủ tướng chiều 26/3, bên cạnh những phát biểu ghi nhận Chính phủ đã thể hiện tinh thần quyết liệt trong chỉ đạo, sâu sát với địa phương… nhiều ý kiến cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế, nhất là chất lượng của bộ máy hành pháp.
Một cửa, nhiều khóa
Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân, bộ máy hành pháp vẫn còn hiện tượng trên nói dưới chưa chấp hành nghiêm túc. Sự phối hợp liên ngành, phối hợp giữa trung ương và địa phương chưa chặt chẽ khiến việc quản lí vốn đầu tư chưa tốt, vẫn còn khe hở cho tham nhũng. Tính chuyên nghiệp của bộ máy hành pháp cũng được ông Trân nhìn nhận là chưa cao và ông đặt câu hỏi để minh chứng cho điều này: “Đến với các hội nghị quốc tế, có bao nhiêu đại biểu, bao nhiêu Bộ trưởng của chúng ta không cần phiên dịch?”
Đại biểu Hoàng Thanh Phú nêu vấn đề, việc chỉ đạo, điều hành theo pháp luật chưa thật nghiêm, một số thành viên Chính phủ chưa tuân thủ luật. Luật tổ chức Quốc hội qui định, các thành viên Chính phủ có trách nhiệm tham gia Quốc hội, nhưng thực tế các thành viên này rất ít tham gia. “Ngay buổi thảo luận hôm nay về Nhiệm kì của Thủ tướng, nhưng vẫn có nhiều thành viên của Chính phủ vắng mặt”, ông Phú dẫn chứng.
Việc ứng xử với các vụ việc tham nhũng, tiêu cực của báo chí cũng là vấn đề được ông Phú phân tích. Theo ông, mỗi khi báo chí phản ảnh, Văn phòng Chính phủ ra chỉ đạo cũng là một cách làm có những tích cực, nhưng cũng có mặt hạn chế là nếu không chỉ đạo thì bộ, ngành, địa phương không làm. Từ đó ông Phú cho rằng, phải đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương trách nhiệm theo dõi báo chí, giải quyết các vụ việc báo chí đã nêu và nếu có vấn đề gì thì báo cáo với Chính phủ. Nếu làm không tốt thì sẽ thực hiện kỉ luật.
Cũng liên quan đến bộ máy nhà nước, đại biểu Phạm Phương Thảo đánh giá, công tác cải cách hành chính còn chậm, phân cấp chưa mạnh. Chính phủ còn ôm về mình quá nhiều việc. Bà Thảo lấy dẫn chứng, nghị định về bán nhà thuộc sở hữu nhà nước đã giao cho địa phương nay lại qui định, nhà có giá trị lớn phải báo cáo để Chính phủ quyết định. Cũng theo đại biểu Thảo, cho dù tiến hành cải cách hành chính, nhưng bộ máy dường như vẫn phình to ra. Chưa hết, Chính phủ còn họp hành quá nhiều, có ngày TPHCM nhận được tới 8 giấy mời về trung ương dự họp.
Nguyễn Ngọc Minh phản ảnh, người dân còn phàn nàn nhiều về việc giải quyết các thủ tục liên quan đến giấy sử dụng đất, nhà, thủ tục xây dựng, hộ tịch… Mô hình một cửa đã được áp dụng ở nhiều nơi, nhưng nhiều người dân cho rằng, một cửa mà nhiều khoá khiến việc giải quyết công việc của dân vẫn rối rắm, ì ạch
“Pháp luật còn “treo” là chưa được”
Đại biểu Hoàng Thanh Phú thẳng thắn cho rằng, những đề xuất về luật của Chính phủ còn hạn chế. Từ luật ban đầu trình ra Quốc hội đến khi hoàn thiện có nhiều khác biệt.
Nguyên bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc lập tức chia sẻ quan điểm này bằng việc nêu lên tình trạng luật khung, luật ống, luật chờ, luật treo. “Trong lúc đang xây dựng nhà nước pháp quyền, nhân dân đang mong đợi mà pháp luật lại treo thì chưa được”, ông Lộc phân tích.
Luật đất đai được ông Lộc đưa ra làm dẫn chứng: Luật có 140 điều thì tới 40 điều khoản giao Chính phủ hướng dẫn thi hành. Ông Lộc đề xuất, nên có quy định, một luật chỉ có tối đa 10 điều khoản giao cho Chính phủ. Điều này sẽ có tác dụng giúp Chính phủ và Quốc hội bớt đi gánh nặng luật khung, luật ống, người dân bớt kêu ca.
Cũng theo ông Lộc, luật do Chính phủ đề xuất mà trách nhiệm về chất lượng luật là của ban dự thảo luật. Vấn đề đặt ra là phải có kỉ luật xây dựng pháp luật.
Cấn Cường (ghi)