1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hà Nội:

Đi xe không chính chủ có thể bị phạt tới 10 triệu đồng

(Dân trí) - Bắt đầu từ hôm nay 10/11, Công an TP Hà Nội sẽ tiến hành xử phạt đối với chủ phương tiện ô tô, xe máy mua bán trao đổi nhưng không tiến hành thủ tục sang tên đổi chủ. Mức phạt rất nặng, lên đến 10 triệu đồng.

Theo ông Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT CA TP Hà Nội - từ khi Nghị định 71 được ban hành, cách đây hơn 1 tháng, Phòng CSGT CATP đã chủ động tổ chức thông báo rộng rãi đến người dân, chủ phương tiện biết sự thay đổi của các mức xử phạt đối với từng lỗi vi phạm. Cán bộ chiến sĩ đã được tập huấn để nắm chắc nội dung nghị định, góp phần áp dụng, thực thi hiệu quả công tác xử lý, đảm bảo an toàn giao thông.

 

Theo đó, những phương tiện không tiến hành sang tên đổi chủ trong quá trình chuyển nhượng sẽ bị phạt tiền. Ô tô chịu mức phạt từ 6 - 10 triệu đồng/xe, riêng mô tô, xe máy xử phạt 1 triệu đồng/xe.

 

Liên quan đến quy định xử phạt tăng gấp 6 lần đối với chủ sở hữu không làm thủ tục sang tên, đổi chủ, lãnh đạo phòng CSGT cho hay, không chỉ đến bây giờ mà trước khi Thông tư 36, 37 được ban hành, Phòng CSGT đã liên tục đề nghị các chủ phương tiện sau khi mua, bán phương tiện trong vòng 30 ngày phải đến cơ quan đăng ký, quản lý phương tiện làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu. Những chủ phương tiện khi bán xe xong cũng phải có thông báo gửi đến cơ quan đăng ký, quản lý phương tiện biết để có biện pháp phối hợp, hướng dẫn chủ mới làm thủ tục sang tên.

 

Nhiều chủ phương tiện lo lắng trước với quy định xử phạt mới này.
Nhiều chủ phương tiện lo lắng trước với quy định xử phạt mới này.

 

Trường hợp phương tiện đã mua bán qua nhiều đời thì chủ phương tiện cuối cùng đang sử dụng xe phải có trách nhiệm đến các cơ quan đăng ký làm thủ tục đăng ký lại, chuyển quyền sở hữu và phải chịu mức xử phạt theo quy định.
 
Đối với trường hợp đi xe mang tên những người thân trong gia đình, người sử dụng phương tiện phải chứng minh được giữa mình và chủ phương tiện có mối quan hệ.

 

Trước thông tin về việc CSGT ra quân xử phạt chủ phương tiện ô tô, xe máy mua bán trao đổi nhưng không tiến hành thủ tục sang tên đổi chủ, nhiều người dân tỏ ra hết sức lo lắng.

 

Trao đổi với PV Dân trí, anh Nguyễn Văn Vượng, trú tại Mỹ Đình - Từ Liêm (Hà Nội), cho biết: “Khi biết có quy định sẽ xử phạt khi đi xe không chính chủ, tôi rất khó hiểu, vì chiếc xe tôi đang đi nhiều năm nay đứng tên bố của vợ tôi. Nếu bị công an kiểm tra, tôi trình đầy đủ giấy tờ đăng ký xe nhưng không đứng tên tôi, chẳng lẽ lại bị xử phạt?”.

 

Chị Nguyễn Thị Lan, trú tại Láng Hạ - Đống Đa cho rằng việc xử phạt như vậy còn nhiều bất cập bởi cả gia đình chị Lan có đến 6 người sinh sống thuộc 3 thế hệ nhưng chỉ có 1 chiếc ô tô và 3 chiếc xe máy.

 

“Trường hợp người này sử dụng xe người kia thì không nói, nhưng khi bố tôi đã quá già không thể điều khiển phương tiện nên giao lại xe máy cho chồng tôi sử dụng, như vậy nếu không làm thủ tục sang tên thì chồng tôi cũng bị xử phạt đến mấy triệu chăng?” - chị Lan than vãn.

  

Nhiều chủ phương tiện lo lắng trước với quy định xử phạt mới này.
Nhiều chủ xe ô tô cũng “kẹt” vì mua lại xe đăng ký tên công ty, tổ chức hoặc mua xe của chủ xe đã “cầm cố” đăng ký ở ngân hàng.

 

Anh Nguyễn Thanh Tùng, nhà ở quận Hà Đông (Hà Nội) thắc mắc: “Ô tô của tôi được mua lại. Chủ xe bán cho tôi cũng đã là chủ sở hữu thứ 3 nhưng đăng ký vẫn mang tên chủ cũ. Giờ tôi biết tìm đâu ra người chủ cũ để nhờ ký chứng nhận làm thủ tục, biết họ hiện đang sinh sống ở chỗ nào, đã qua đời chưa. Như thế này thật rắc rối”.

 

Thực tế, qua tìm hiểu của PV Dân trí, hầu hết người dân đều lo lắng trước việc bị nộp phạt vì không sang tên đổi chủ phương tiện. Đa số người dân cho biết, họ thường sử dụng phương tiện mang tên người khác như bố mẹ hay anh chị, liệu có phải mang theo cả... sổ hộ khẩu khi tham gia giao thông? Đó là chưa tính đến trường hợp mượn xe của bạn bè..

 

Ngoài ra, số đông người nữa vì điều kiện hoàn cảnh nên phải mua đi bán lại quyền sử dụng phương tiện. Đối với xe máy, trường hợp đi xe không chính chủ là rất nhiều. Nếu cứ mỗi lần bị phạt mất 1 triệu thì chỉ vài lần là bằng giá mua một chiếc xe cũ. Với mức phạt 10 triệu đồng/ô tô, các chủ xe cũng đang toát “mồ hôi hột” lo lắng. Đó là chưa tính đến nỗi bức xúc khi người dân vẫn bị phạt tiền triệu dù có đầy đủ giấy tờ chứng minh chiếc xe mình đang sử dụng hoàn toàn “sạch” chứ không phải xe trộm cắp.
 

Phạt cao nhất lên đến 30 triệu đồng cho nạn đua xe trái phép

 

Một trong những nội dung của Nghị định 71/2012 sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP "Quy định tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ". Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ hôm nay (10/11). Theo đó, hành vi đua xe máy, xe ôtô trái phép, cổ vũ đua xe trái phép sẽ bị xử phạt từ 1 đến 30 triệu đồng.

 

Nghị định mới này quy định rõ, người vi phạm giao thông chạy xe quá tốc độ sẽ bị phạt gấp 1,5 đến 2 lần so với quy định của luật cũ. Cụ thể, người điều khiển xe ôtô chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h sẽ phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng (thay cho mức phạt hiện nay 300.000 - 500.000 đồng).

 

Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm