Đi lại liên tỉnh và kiểm soát tại chốt cửa ngõ như thế nào từ 1/10?
(Dân trí) - "Hoạt động vận tải áp dụng trên phạm vi toàn quốc nhưng người tham gia giao thông cần thực hiện các quy định y tế và biện pháp phòng chống dịch tùy theo điểm đến là vùng an toàn hay nguy cơ".
Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - cho PV Dân trí biết như vậy khi đề cập tới quyết định vừa ban hành về hướng dẫn tạm thời tổ chức hoạt động vận tải hành khách, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Nguyên tắc đi lại liên tỉnh
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Thủ tướng chỉ đạo cần ban hành hướng dẫn tạm thời trên cơ sở các nguyên tắc chung để các địa phương cùng tuân thủ, kỳ vọng việc thông thương, đi lại được thuận lợi khi đã nới lỏng giãn cách xã hội ở các địa phương, khơi thông vận tải hành khách, hàng hóa để phục vụ cho sản xuất và phục hồi kinh tế - xã hội.
Sau khi đã thống nhất với các Bộ, ngành, theo nguyên tắc phòng chống dịch, việc hoạt động vận tải được tổ chức theo cấp độ. Cụ thể: Cấp 1 - nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh. Cấp 2 - nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3 là nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4 là nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
Ở cấp 1 và cấp 2 các phương tiện giao thông được hoạt động bình thường. Cấp 3 - các phương tiện giao thông công cộng được hoạt động dưới hoặc bằng 50% công suất. Cấp 4 - dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng phương tiện giao thông công cộng (trừ xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử).
Với hướng dẫn trên, nhiều người đặt câu hỏi: Việc đi lại liên tỉnh và kiểm soát tại các chốt cửa ngõ như thế nào?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, về nguyên tắc hoạt động vận tải hành khách được áp dụng trên phạm vi cả nước. Bộ GTVT đã hướng dẫn chi tiết từng vùng, từng cấp, trên cơ sở đó các địa phương sẽ xây dựng phương án tổ chức giao thông phù hợp với tình hình phòng chống dịch ở sở tại.
"Hành khách đi lại liên tỉnh, Bộ Y tế cho biết không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm một mũi vắc xin sau 3 tuần, đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, tùy vào tình hình dịch bệnh của nơi đến, người tham gia giao thông khi qua các chốt phải tuân thủ theo hướng dẫn của địa phương đáp ứng được các yêu cầu mà Bộ Y tế hướng dẫn" - Thứ trưởng Bộ GTVT nói và lấy ví dụ người từ vùng cam, vùng đỏ tới vùng xanh, dù đã tiêm 2 mũi vắc xin thì vẫn phải làm xét nghiệm Covid-19 và kê khai y tế, để theo dõi và truy vết.
Đang làm việc với Hà Nội về tiếp nhận chuyến bay, tàu khách
Theo hướng dẫn, tổ chức giao thông đối với hàng không, đường sắt được ưu tiên, nhưng một số địa phương như Hà Nội hiện lại chưa tiếp nhận các chuyến bay, tàu khách. Với vị trí và vai trò rất quan trọng của Thủ đô thì các Bộ, ngành và Hà Nội cần phải có phương án nào để giải quyết tình hình, khơi thông "điểm nghẽn" đường hàng không quốc gia.
Trao đổi về việc này, Thứ trưởng Bộ GTVT thừa nhận, sự tiếp nhận của điểm đến là cái khó nhất khi mở lại các đường bay nội địa, đặc biệt là đường bay Hà Nội - TPHCM. Với Hà Nội, vị Thứ trưởng cho rằng đó mới chỉ là quan điểm riêng, thực tế phải phụ thuộc vào yêu cầu về phòng chống dịch chung của cả nước và nhu cầu đi lại của người dân, đó sẽ là căn cứ để xây dựng kế hoạch.
"Do yêu cầu về phòng chống dịch nên trước mắt Hà Nội chưa tiếp nhận, nhưng có thể tuần sau hoặc ít ngày tới Hà Nội thấy rằng việc đi lại đã đủ điều kiện thì họ sẽ mở lại hoạt động vận tải hàng không, đường sắt" - Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói và cho biết hướng dẫn tổ chức giao thông vừa ban hành mang tính chất tạm thời, không cố định và rất linh hoạt để các địa phương và các đơn vị chịu tác động có thể điều chỉnh, tổ chức vận tải với các phương án phù hợp nhất.
Trên thực tế, hoạt động hàng không vẫn đang diễn ra, các chuyến bay khai thác chở hàng và những người đi làm công vụ. Cần nói rõ, đối tượng công vụ cũng chính là hành khách và họ đủ điều kiện y tế và sức khỏe, được chấp thuận đi lại bằng đường hàng không trong khi đang thực hiện giãn cách xã hội.
Hiện nay, đối với những hành khách bình thường, nếu họ đủ điều kiện y tế và sức khỏe thì cũng cần tính toán, có phương án vận chuyển đi lại phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu địa phương và hành khách đủ điều kiện y tế thì cần "mở cửa" vận tải hành khách, trường hợp chưa đủ điều kiện thì muốn cũng không thể đi lại bằng đường hàng không được.
"Về vận tải, Bộ GTVT hoàn toàn có thể đáp ứng được, nhưng trong điều kiện phòng chống dịch thì nơi đi và nơi đến phải đồng ý tiếp nhận hành khách, phải có sự thống nhất với nhau để có biện pháp kiểm soát y tế, thực hiện cách ly... Hiện nay, Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục làm việc với Hà Nội và một số địa phương. Muốn khai thác được các chuyến bay chở khách thì phải có sự thỏa thuận của nơi đi và nơi đến, để tránh hành khách khi vận chuyển tới điểm đến rơi vào cảnh bơ vơ" - Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.
Về việc tại nhiều địa phương áp dụng những quy định phòng chống dịch không phù hợp với nguyên tắc chung, gây khó khăn cho việc đi lại và hoạt động vận tải, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết vừa qua đã đi kiểm tra hàng chục chốt kiểm soát ở nhiều tỉnh và thấy về chủ trương là đúng, chỉ đạo đúng, lực lượng tham gia rất đông, nhưng trong triển khai thực hiện còn bất cập. Trong đó, có những địa phương kiểm soát dịch vượt quy định của ngành y tế nhưng không hề thông báo, không có sự thống nhất nên gây ra ùn tắc.
Vấn đề tổ chức thực hiện tại chốt kiểm soát cũng chưa đồng bộ. Khi phương tiện đã có mã QR Code thì việc kiểm tra chỉ cần quét bằng thiết bị công nghệ, nhưng ở nhiều chốt vẫn kiểm tra thủ công làm mất thời gian, dẫn đến ùn tắc tại các chốt kiểm soát. Trong khi đó, nếu sử dụng thiết bị công nghệ, với các kê khai lái xe đã chuẩn bị thì chưa đến một phút là xe có thể đi qua chốt, dòng xe thông suốt và công tác kiểm soát cũng thuận lợi.