Huế:
Di dời hàng ngàn người dân trong đêm tránh "siêu bão"
(Dân trí) - Tối qua (29/9), nhiều hộ dân tại TT-Huế đã được di dời ra khỏi vùng nguy hiểm ở sát sông, biển để tránh "siêu bão" số 10 đang chuẩn bị đổ bộ vào đất liền.
Vào lúc 17h ngày 29/9, Công an TP Huế đã triệu tập cuộc họp khẩn để rà soát lại công tác chuẩn bị, triển khai các phương án, kế hoạch phòng chống bão lụt. Với phương châm "chủ động phòng tránh - đối phó kịp thời – khắc phục khẩn trương và có hiệu quả", Ban chỉ huy Công an TP Huế chỉ đạo công an các đơn vị tập trung tham mưu Đảng, chính quyền địa phương chuẩn bị phương án “5 tại chỗ”.
Ngay trong đêm 29/9, tại các vũng thấp trũng, vùng có nguy cơ cao ảnh hưởng của bão, lụt như: khu vực 4, phường Phú Hậu với 300 hộ dân cùng trên 1.000 nhân khẩu; 40 đò ngang của người dân vạn chài, khai thác cát sạn neo đậu sông Kẻ Vạn (KV 7, phường Kim Long) và hàng trăm thuyền du lịch neo đậu hai bên bờ sông Hương đoạn đi qua phường Phú Cát, TP Huế… đã được lực lượng Công an TP Huế triển khai lực lượng đến từng nhắc nhở, tuyên truyền phòng tránh bão, lụt. Riêng các hộ ở vùng nguy hiểm đã buộc phải di dời đến nơi an toàn.
Các điểm trọng yếu, nước sâu, chảy xiết dễ xảy ra tai nạn khi có lụt như Đập Đá, cửa Ngăn, cửa Quảng Đức, cửa Thượng Tứ và các cầu cống, kênh mương, trên các sông, hồ TP Huế… đã được công an bảo vệ, chốt chặn.
Đồng thời, công an TP Huế phối hợp lực lượng cốt cán cơ sở tuần tra đêm, phòng chống các đối tượng xấu lợi dụng tình hình mưa bão để gây án. Và đảm bảo hỗ trợ cấp cứu các trường hợp tai nạn, sinh đẻ, ốm đau đột xuất.
Tại nhiều vùng khác như Phú Thuận, Phú Hải (huyện Phú Vang), Hải Dương (Thị xã Hương Trà)… đã được sơ tán hàng nghìn hộ dân cũng trong đêm qua vào nơi an toàn tránh bão.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến Thừa Thiên Huế và có buổi họp khẩn chỉ đạo công tác ứng phó bão số 10 vào 19h45' tối 29/9. Phó Thủ tướng lưu ý chú trọng công tác an toàn tại các đập thủy điện, hồ thủy lợi, điều tiết lũ. Cần phải tổ chức trực ban, nắm rõ thông tin tại các nơi này để có quyết định đúng đắn, tránh gây thiệt hại không đáng có cho vùng đồng bằng.
Ngoài ra để hạn chế sạt lở sâu vào đất liền tại các điểm dọc bờ biển nơi đã bị sạt lở qua các đợt trước, tỉnh đã chi 3 tỷ đồng xử lý khẩn cấp hơn 1.000 mét bờ biển tại các điểm xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) và xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đây là cơn bão mạnh nhất trong 6 năm trở lại đây, sẽ đổ bộ vào một số tỉnh, trong đó có Hà Tĩnh, các huyện ven biển sẽ trực tiếp hứng chịu sự tàn phá của cơn bão. Để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do bão gây ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký văn bản thực hiện phương án 2 cho 6 huyện ven biển từ Kỳ Anh đến Nghi Xuân. Theo đó, đến 6 giờ sáng nay, 30/9, các huyện sẽ phải hoàn thành việc di dời khoảng 7.000 hộ dân với 23.000 người đến nơi cư trú an toàn.
Vào chiều tối qua, nhiều lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã về có các cuộc thị sát khẩn tại các huyện thị ven biển. Tại huyện Kỳ Anh, một địa phương vốn có nhiều dự án trọng điểm đang được triển khai, ông Lê Đình Sơn cùng đoàn thị sát của tỉnh đã kiểm tra việc chủ động đối phó với cơn bão số 10 tại Khu kinh tế Vũng Áng, kiểm tra công tác ứng phó bão của chính quyền và người dân một số xã ven biển.
Quảng Trị căng mình đón bão
Ông Lê Văn Lự (trú tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong) tâm sự: “Đời tôi sợ nhất là bão. Cơn bão năm 1983 đã cuốn bay ngôi nhà tranh của tôi lúc ấy, bây chừ nghe bão lớn nữa nên lo lắm, phải chuẩn bị thật kỹ càng, chỉ mong tất cả đều vô sự”.
Theo dự báo, Quảng Trị là địa phương nằm giữa vùng tâm bão đi qua.
Trần Hồng - Anh Việt - Đại Dương - Văn Dũng - Diệu Ái