Di dời gần 1 triệu dân trước khi bão Tembin đổ bộ
(Dân trí) - Dự báo, đêm 25 rạng sáng 26/12, bão Tembin sẽ đổ bộ vào khu vực Nam Bộ. Để đối phó với cơn bão này, tính đến 7h sáng nay (23/12) các địa phương ven biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Kiên Giang đã lên phương án tổ chức di dời, sơ tán 234.222 hộ/949.460 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Sáng nay (23/12), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão Tembin. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì.
Tai Hội nghị, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, dự báo, đêm 25/12 đến rạng sáng 26/12 bão Tembin (bão số 16) sẽ đổ bộ vào khu vực Nam Bộ, vùng ảnh hưởng lớn từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Kiên Giang. Khi vào bờ, bão Tembin được dự báo ở cấp 10-11, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Tuy nhiên, ông Cường cũng đưa ra lưu ý, trong trường hợp xấu, khi vào bờ, bão duy trì ở cấp 12, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 5- đây là cấp độ cảnh báo rất nguy hiểm.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý, bão Tembin được dự báo đổ bộ vào Nam Bộ - khu vực dễ bị tổn thương vì có nhiều hoạt động trên biển, địa hình bằng phẳng, hoạt động nuôi trồng thủy sản rầm rộ. Khu vực này ít khi có bão đổ bộ nên các thiết chế hạ tầng công cộng, nhà dân thường được xây dựng có khả năng chống chọi với mưa bão kém hơn khu vực khác. Chính vì vậy, Bộ trưởng Cường đề nghị các Bộ, ngành địa phương, các đơn vị liên quan cần tuyệt đối không được chủ quan, phải chủ động ứng phó với bão; lên các phương án, kịch bản ứng phó trước khi bão đổ bộ.
Trước diễn biến phức tạp của bão Tembin, nói về công tác sơ tán, di dời dân, ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT cho biết: Tính đến 7h ngày 23/12/2017, có 8 tỉnh/thành ven biển: Quảng Ngãi, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau đã ban hành văn bản chỉ đạo các Sở, ban ngành cùng chính quyền địa phương triển khai một số công việc chủ động ứng phó với bão.
Các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đã lên phương án di dời, sơ tán 234.222 hộ/949.460 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến 6h ngày 23/12/2017, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 68.999 phương tiện/339.839 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Hiện không còn phương tiện nào hoạt động trong phạm vi từ Vĩ độ 4,0 – 7,0 độ Vĩ Bắc và phía Đông Kinh tuyến 102 – 107 độ Kinh Đông.
"Chúng tôi đã huy động 137.799 cán bộ, chiến sĩ với 4.429 phương tiện các loại để cùng với nhân dân ứng phó với bão Tembin sắp đổ bộ. Trong điện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng đã yêu cầu các đơn vị sẵn sàng phương tiện ứng phó, nhất là việc chằng chống nhà cửa, đề nghị các địa phương chú ý" - đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết.
Tại Hội nghị, đại diện các địa phương như TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang...cho biết, đã nắm được thông tin, diễn biến, hướng đi của bão Tembin. Các tỉnh này đã chỉ đạo các sở,ngành, các địa phương lên phương án ứng phó với bão, đồng thời nghiên cứu tình hình cụ thể để sớm ban hành lệnh cấm biển.
Tiền Giang lên phương án di tản 40.000 dân
Chỉ đạo tại cuộc họp phòng chống bão, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu ban chỉ huy phòng chống thiên tai từ tỉnh đến các địa phương phải trực và triển khai cấp bách biện pháp ứng phó. Nắm danh sách người già và trẻ em và người dân sẵn sàng sơ tán đến nơi an toàn từ trưa ngày 24/12 và đến 18 giờ cùng ngày phải hoàn tất, nhất là dân ở vùng ven biển Gò Công.
Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức viên chức phải làm gương cho người dân trong việc ứng phó với bão. Địa phương nào lơ là, chủ quan chậm triển khai các phương án ứng phó với bão thì lãnh đạo địa phương sẽ bị kỷ luật.
Đặc biệt chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu các sở ngành phải chuẩn bị lương thực, thuốc men, đèn xạc, đèn cầy, nước uống … để phục vụ người dân vùng bị ảnh hưởng của bão. Bên cạnh đó từ sáng ngày 23/12 các địa phương phải dừng tất cả các cuộc họp để triển khai phương án ứng phó bão số 16.
Tỉnh Tiền Giang chỉ đạo 119.232 cơ quan, trường học tại các địa phương để làm nơi tránh trú bão cho người dân vùng bị ảnh hưởng. Huy động 11.400 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang…để triển khai kế hoạch ứng phó bão Tembin. Dự kiến bão sẽ gây ảnh hưởng đến 117.500 người dân vùng ven biển phải di tản đến nơi an toàn để tránh bão, trong đó có khoảng 40.000 người được sơ tán đến trụ sở cơ quan, trường học kiên cố trên địa bàn tránh trú bão.
Theo ghi nhận của PV sáng nay 23/12, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trời vẫn nắng chưa xuất hiện mưa.
Kiên Giang lên phương án di dời trên 300.000 hộ dân
Sáng 23/12, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kiên Giang do Phó chủ tịch UBND tỉnh Mai Anh Nhịn – Phó trưởng ban Thường trực chủ trì đã tổ chức họp triển khai phương án ứng phó bão Tembin, lên phương án di dời 300.000 hộ dân đến nơi an toàn.
Theo đó, Kiên Giang sẽ cấm các tàu thuyền đánh bắt và các phương tiện hàng hải hoạt động trên biển kể từ chiều nay. Đồng thời sẵn sàng cho học sinh, công nhân các nhà máy, các khu công nghiệp nghỉ, tiến hành sơ tán, di dời dân tránh bão trong tình huống xấu nhất.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Mai Anh Nhịn - Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho rằng, tuy Kiên Giang không trực tiếp nằm trong vùng tâm bão nhưng có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão, nhất là trong trường hợp bão đổ bộ hướng vào Cà Mau.
Thêm vào đó, Kiên Giang là một trong 3 tỉnh mà trung ương lưu ý có vùng nuôi trồng thủy sản ven biển lớn bên cạnh Vũng Tàu và Cà Mau. Chính vì vậy, việc triển khai các biện pháp ứng phó bão để giảm thiểu tối đa thiệt hại là hết sức cần thiết.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Mai Anh Nhịn lưu ý huyện đảo Phú Quốc và huyện đảo Kiên Giang khẩn trương ứng phó bão, TP.Rạch Giá, thị xã Hà Tiên và các khu vực An Biên, An Minh, U Minh Thượng hết sức thận trọng, không chủ quan, phân công trực 24/24 và báo cáo nhanh tình hình về ban chỉ huy cấp tỉnh.
Tất cả các địa phương và các ngành bố trí phương án, đặt ra tình huống xấu nhất là bão sẽ đổ bộ vào Kiên Giang để tránh bị động. Cần chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền để người dân biết và tham gia ứng phó bão cùng chính quyền địa phương.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Mai Anh Nhịn đề nghị tất cả địa phương rà soát lại phương án di dân, nhất là khoảng 300 ngàn hộ dân nằm trong diện sơ tán, di dời tránh bão ở 15 huyện, thị, thành phố theo phương án số 01, ban hành tháng 5 năm 2015. Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, nhân lực cho việc di dời khi cần thiết.
Trước mắt, giao cho lực lượng biên phòng phối hợp với lực lượng chức năng và địa phương tiến hành cấm biển đối với các phương tiện đánh bắt và phương tiện hàng hải; giao cho cảng vụ xem xét, cần thiết sẽ cấm các phương tiện vận tải hành khách hoạt động trong thời gian có bão. Hướng dẫn tàu thuyền vào nơi neo đậu. Đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.
Vận động bà con địa phương thu hoạch sớm các diện tích hoa màu, lúa và thủy sản có thể thu hoạch. Giao cho điện lực Kiên Giang, Sở thông tin, truyền thông kiểm tra, có phương án khắc phục kịp thời nếu phát sinh sự cố mất điện, đứt liên lạc.
Giao cho ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đưa vào phương án cho học sinh và công nhân các khu công nghiệp, các doanh nghiệp tạm nghỉ khi bão đổ bộ.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Khoa Toàn – Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, trước mắt Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã thông tin tuyên tuyền đến người dân trên đảo chủ động ứng phó với bão 16; kêu gọi bà con chằng chống nhà cửa, thuyền bè… Riêng các tàu đánh cá, huyện phát thông báo cho vào trú ngụ những nơi an toàn. Tuy nhiên, khi nào nhận chỉ đạo mới từ tỉnh sẽ ra thông báo cấm tàu thuyền ra khơi.
Ông Lâm Quang Thi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã thống báo đến các địa phương để chủ động ứng phó với bão khi bão số 16 đổ bộ vào khu vực Nam bộ. Do diện tích lúa đông xuân của An Giang đã xuống giống gần nửa diện tích nên các địa phương cần chuẩn bị máy móc bơm chống ún; cùng người dân chằng chống nhà cửa, mé cây cặp bờ sống… Và lực lượng trong Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở mỗi địa phương túc trực, theo dõi sát tình hình.
Hiện các địa phương An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… đã thông báo tới người dân về cơn bão số 16, phân công cán bộ túc trực 24/24, đồng thời triển khai các công tác ứng phó và triển khai phương án di dời người dân (địa phương có bờ biển -PV) đến nơi an toàn khi bão vào đất liền.
Nguyễn Vinh - Nguyễn Hành
Nguyễn Dương