1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Di dời cầu Long Biên: “Chỉ bảo tàng được kiến trúc vô hồn!”

(Dân trí) - “Với phương án Bộ GTVT đưa ra thì chỉ bảo tàng vật thể kiến trúc vô hồn hoặc khoác lên nó cái vỏ mới chứ không bảo tồn được không gian sống, giá trị lịch sử, kiến trúc như cầu Long Biên hiện tại”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

Ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội - nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội đã trao đổi với phóng viên Dân trí về ba phương án vị trí cầu vượt sông Hồng thuộc Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), giai đoạn I.

KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng 3 phương án của Bộ GTVT đưa ra là không hợp lý

KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng 3 phương án Bộ GTVT đưa ra là không hợp lý

Qua ba phương án Bộ GTVT vừa đưa ra, ông có lo ngại cầu Long Biên sẽ mất đi giá trị lịch sử và kiến trúc đã in đậm trong lòng người dân hay không?

Phương án thứ nhất di dời 9 nhịp đầu cầu Long Biên về phía thượng lưu cách tim cầu cũ 85m để bảo tồn. Cầu mới sẽ được xây dựng vào vị trí tim cầu hiện tại. Với cách làm này rõ ràng là chúng ta bảo tàng vật thể kiến trúc vô hồn chứ không phải bảo tồn không gian sống như cầu Long Biên. Còn phương án khác thể hiện rõ là làm vỏ mới không có giá trị lịch sử, kiến trúc như cây cầu hiện tại.

Xét từ những giá trị lịch sử, kiến trúc thì rõ ràng phương án của Bộ GTVT đưa là không hợp lý. Ba phương án đó chưa làm rõ được cách ứng xử thích hợp giữa mối quan hệ bảo tồn và phát triển. Bảo tồn và phát triển phải đảm bảo hài hòa với nhau chứ đừng vì nhu cầu phát triểm mới mà chúng ta sẵn sàng phá bỏ di tích. Đó là bài học đau đớn của các nước tiên tiến khi mà đã có tiền cũng không thể phục dựng được những di tích đã bị phá bỏ.

Phối cảnh vị trí cây cầu mới cách cầu Long Biên 180m về phía Thượng Lưu
Phối cảnh vị trí cây cầu mới cách cầu Long Biên 180m về phía Thượng Lưu

Ba phương án được Bộ GTVT đưa ra, ông cho là không hợp lý vậy giải pháp nào cho cây cầu hiện tại mà vẫn đảm bảo được phát triển giao thông nối liền hai bên bờ sông Hồng?

Việc phát triển mới theo như quy định của Luật Thủ đô là phải tuân thủ theo Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là phải bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên ngay tại vị trí hiện nay và nên làm cây cầu mới về phía thượng lưu. Còn để có phương án thích hợp đối với cầu Long Biên cần nhận diện đầy đủ giá trị của di sản. Xem cây cầu này là không gian sống cần được bảo tồn chứ không thể xem nó là vật thể để anh bảo tàng trưng bày ở bất kỳ vị trí nào.

Ngoài ra, trong nghiên cứu đề xuất mới nên có thái độ trân trọng những nghiên cứu của giai đoạn trước bởi đó là những nghiên cứu nghiêm túc, khoa học đã được những người có chuyên môn trong và ngoài nước ủng hộ. Cụ thể là năm 2000, chúng ta đã thống nhất với Chính phủ Pháp bảo tồn tại chỗ, trên cơ sở giữ nguyên trạng cầu Long Biên. Khi chúng ta đưa ra tuyến đường sắt đô thị số 1, từ năm 2008 cũng đã đặt ra vấn đề tôn tạo cầu Long Biên ở đúng vị trí cũ và làm một cây cầu mới cách cầu hiện nay 180m về phía thượng lưu.

Nếu xây dựng cầu mới cách cây cầu hiện tại 186m về phía thượng lưu gần 200 nhà dân sẽ phải di dời, còn phương án như Bộ GTVT đưa ra giải phóng mặt bằng ít hơn như vậy sẽ đỡ tốn kém, thưa ông?

Bảo tồn văn hóa thì không thể đong đếm bằng tiền. Hơn nữa, cầu Long Biên là hình ảnh biểu trưng của văn hóa hào hùng, khí phách của người Hà Nội lại càng vô giá. Vì vậy, cần bảo tồn cầu Long Biên theo hướng là không gian sống chứ không chỉ là vật để đem ra trưng bày.

Cây cầu mới cách cầu Long Biên 180m được thể hiện rõ trong Quy hoạch chung Thủ đô
Cây cầu mới cách cầu Long Biên 180m được thể hiện rõ trong Quy hoạch chung Thủ đô

Ngoài lý do kinh tế, nhiều người cũng cho rằng việc xây cầu mới cách cây cầu Long Biên hiện tại sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực?

Hội đồng kiến trúc gồm các chuyên gia hàng đầu về quy hoạch đã xem xét tất cả các phương án đưa ra và thấy rằng xây cầu mới chỉ tôn vinh cái truyền thống chứ không làm mất cảnh quan.

Như ông phân tích ở trên việc bảo tồn cầu Long Biên và xây dựng cầu mới về hướng thượng lưu đã được chỉ rõ trong Quy hoạch chung Thủ đô. Vậy các phương án vừa được đưa ra có vi phạm Luật Thủ đô hay không?

Điều đầu tiên đề cập đến trong Luật Thủ đô, việc phát triển phải tuân thủ theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì vậy, anh phải tuân thủ theo Luật Thủ đô, theo Quy hoạch chung đã được xây dựng. Đây không phải là ý chí của một nhóm quản lý mà thể hiện trách nhiệm đối với Quốc hội, với nhân dân đã giao.

Xin cảm ơn ông!
 
Các phương án di dời, bảo tồn cầu Long Biên do Bộ Giao thông vận tải đưa ra đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ dư luận. Vậy theo bạn:
Tháo dỡ, di dời cầu Long Biên là làm biến mất giá trị lịch sử
Nên tháo dỡ, di dời cầu nếu điều này mang lại nhiều lợi ích thực tế
Ý kiến khác
  

Quang Phong (thực hiện)