1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vào thế giới chợ đêm:

Đi chợ, mua… bực mình

Đang đắm chìm trong khung cảnh phố đêm thơ mộng, yên bình bên dòng sông Hương, nhiều du khách cảm thấy khó chịu khi liên tục bị các “cò” chèo kéo khách đi thuyền

Kéo dài từ chân cầu Trường Tiền đến chân cầu Phú Xuân, phố đêm trên đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế khá thu hút du khách bởi không gian mua sắm hàng lưu niệm, ẩm thực khá độc đáo bên dòng sông Hương.

“Chặt chém”, chèo kéo khách

Sau một ngày đạp xe rong ruổi khắp các lăng tẩm, di tích xứ Huế, Karine Gombeau (du khách Pháp) cùng nhóm bạn chọn phố đêm làm điểm tham quan cuối cùng trong ngày.


Nét đặc biệt của khu phố đêm Nguyễn Đình Chiểu là các gian hàng thủ công mỹ nghệ bày bán trong các nhà rường cổ xưa Ảnh: QUANG NHẬT

Nét đặc biệt của khu phố đêm Nguyễn Đình Chiểu là các gian hàng thủ công mỹ nghệ bày bán trong các nhà rường cổ xưa Ảnh: QUANG NHẬT

Theo Karine, cô đã phải lòng xứ Huế khi ngắm vẻ đẹp lung linh của cầu Trường Tiền về đêm từ khu phố đi bộ. Khi tham quan các gian hàng trong 11 ngôi nhà rường cổ xưa, Karine và các bạn tỏ ra thích thú và chọn mua khá nhiều tranh trúc chỉ, tấm pháp lam về làm kỷ niệm. “Giá bán thấp, lại là hàng thủ công nên phù hợp để mua làm quà” - Karine nói.

Càng đi vào bên trong khu phố đêm, một thế giới khác như mở ra với những mặt hàng thủ công mỹ nghệ được chế tác tinh xảo, kỳ công như túi thổ cẩm thêu họa tiết cầu Trường Tiền, tà áo dài màu tím của con gái Huế, trang sức bằng đá quý, đá mã não... Đặc biệt, du khách có thể mua đồ bằng da do các thợ may hoàn thiện theo số đo ngay tại các gian hàng. Khi đã thấm mệt, nhiều du khách tìm đến quầy hàng bán nước giải khát, ẩm thực với nhiều loại chè, bánh nổi tiếng của xứ Huế.

Được tổ chức bài bản, mang đậm dấu ấn của đất cố đô nhưng khu phố đêm của Huế vẫn còn không ít “sạn”. Khung cảnh nên thơ, thanh bình ở khu phố đêm nhanh chóng bị phá vỡ bởi đội quân “cò” liên tục xuất hiện, chèo kéo khách đi thuyền du lịch trên sông Hương. Hầu như du khách nào vừa đặt chân tới đây cũng bị đội quân “cò” làm phiền. “Mỗi người đi chỉ mất 10.000 đồng/lượt, đi trên sông Hương vừa mát lại ngắm cảnh rất đẹp” - một “cò” chào mời. Dù nhiều du khách đã từ chối thẳng thừng nhưng vẫn bị các “cò” đeo bám: “Đến Huế chưa đi thuyền rồng trên sông Hương thì chưa phải đến Huế anh chị ơi!. Giá đi rẻ hơn nhiều so với vào bến, anh nào muốn thì em cho thuyền đón ngay tại khu vực phố đêm”.

Còn tại các gian hàng, nhiều du khách cảm thấy bức xúc trước một số người bán hàng không niêm yết bảng giá, nhiều mặt hàng được hô giá cao, tiếng trả giá giữa khách và người bán diễn ra như ở chợ. “Một bức tranh lúc đầu họ hét giá 150.000 đồng, sau nhiều cuộc ngã giá, bức tranh tôi mua chỉ còn 70.000 đồng. Phố đêm mà ồn ào như ở chợ trời” - một du khách phàn nàn.

Cần kết nối với các điểm du lịch

Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty CP Du lịch Huetouris (TP Huế), cho biết hiện có khoảng 10 doanh nghiệp hoạt động du lịch tại địa phương thường đưa khách đến khu phố đêm tham quan, mua sắm. “Đó là một sản phẩm du lịch mới của Huế khá thu hút du khách ngoài các di tích lịch sử. Chúng tôi thường đưa khách tới đây vào ngày du lịch thứ 2 của họ tại Huế” - ông Hào nói.

Hiện ở đây có 6 sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ như pháp lam, trúc chỉ, bạc… đại diện cho Huế nhưng nhiều du khách nhận xét rằng mặt hàng lưu niệm vẫn còn đơn điệu. Phố đêm còn thiếu quảng trường, các điểm dành cho du khách ngồi ngắm cảnh nên nhiều người phải chọn bến nước làm chỗ thưởng lãm, khá nguy hiểm.

Nhằm tạo điểm nhấn thu hút du khách, mới đây dự án KOICA (Hàn Quốc) vừa đề xuất với chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế phương án làm một đường đi bộ trên sông Hương cạnh phố đêm với chiều dài gần 400 m. Nét độc đáo của dự án này là mặt đường được lát gỗ, có những khu dành cho ngắm cảnh, quảng trường và kết nối cả không gian phía bên kia cầu Phú Xuân. Dự kiến dự án này sẽ đưa vào sử dụng vào kỳ Festival nghề Huế năm 2017.

Theo ông Hào, nếu như dự án này được triển khai thì không gian phố đêm Huế sẽ được kết nối theo trục dọc, tạo điểm nhấn du lịch cho Huế. Ngoài ra, ông Hào cho rằng phố đêm Huế cần chú trọng tạo liên kết ngang, kết nối với các điểm du lịch khác như khu làng nghề Phương Nam, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Bảo tàng Huế… ở cạnh đó. “Những điểm này có hàng rào ngăn cách với phố đêm, nếu như phá bỏ được điều này thì khá tuyệt vời” - ông Hào nói.

Nhiều doanh nghiệp làm du lịch ở Huế từng có lần đề xuất trực tiếp với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc hãy dành một ít thời gian về đêm để biến cầu Trường Tiền chỉ dành cho người đi bộ, qua đó làm cầu nối giữa phố đêm với bến Chương Dương ở chợ Đông Ba, trở thành điểm du lịch xuyên suốt. Dù đã có những cuộc khảo sát nhưng đến nay điều này chưa thể thực hiện. “Ánh sáng ở phố đêm còn thiếu, các doanh nghiệp chưa dám đầu tư lớn vì hợp đồng ký kết chỉ là 2 năm. Cần có cơ chế mạnh hơn để phố đêm thực sự là điểm đến hấp dẫn du khách mỗi lần đến Huế” - một doanh nghiệp kinh doanh tại đây đề xuất.

Chợ tự phát lấn đường

Ngoài khu phố đêm Nguyễn Đình Chiểu, tại TP Huế tồn tại một chợ đêm tự phát ở đoạn đường Bà Triệu (đối diện siêu thị Big C Huế). Đây là một trong những tuyến đường chính của TP Huế với mật độ phương tiện đi lại đông đúc. Những giờ cao điểm, lưu lượng xe lớn, người đông dễ gây ách tắc giao thông. Vào mỗi buổi tối, khi khu vực chợ đêm tự phát cạnh siêu thị Big C hoạt động, lượng người đổ về đoạn đường Bà Triệu ngày một đông hơn gây ách tắc giao thông.

Nhiều gian hàng bày bán áo quần, túi xách của chợ đêm vẫn ngang nhiên lấn chiếm hết 1/4 đường chính để buôn bán. Trước mỗi quầy hàng đối diện Big C có phần hiên rộng. Những người bán hàng chợ đêm thuê mặt bằng ở đó và lấn chiếm luôn phần đường giành cho xe đạp, xe máy đi lại. Khách đỗ xe tại chỗ mua hàng càng làm cho đoạn đường Bà Triệu trước siêu thị Big C thu hẹp lại. Khi có xe tải hoặc ô tô đi ngang qua, tình trạng ách tắc giao thông tại đây lại diễn ra, gây mất an toàn cho người đi đường.

Theo Quang Nhật - Thanh Nhàn

(Báo Người lao động)