1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Dẹp” tâm lý ngại công khai tài sản mới thuận quản lý cán bộ

(Dân trí) - “Thực tế vẫn có tâm lý ngại công khai tài sản, thu nhập mà chúng ta phải khắc phục dần. Song chắc chắn càng công khai càng thuận lợi cho quản lý, đánh giá cán bộ” - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng trao đổi về giải pháp phòng chống tham nhũng.

Hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng 5 năm qua thống nhất đánh giá kết quả còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng nhưng lại cho rằng, công cuộc đấu tranh với “quốc nạn” này có những bước tiến rất quan trọng. Nhận định như vậy có mâu thuẫn không, thưa ông?

Đánh giá đó có căn cứ, tiêu chí cụ thể. Tổ chức Minh bạch quốc tế vừa qua đã “chấm” Việt Nam tăng từ mức 2,6 lên 2,9 điểm. Theo cách đánh giá của tổ chức này, quốc gia, đơn vị nào trong 1 năm tăng được 0,3 điểm trở lên nghĩa là đã “có bước chuyển biến quan trọng”.

Ngoài ra, qua việc tự đánh giá của các cơ quan đơn vị cũng cho cảm nhận chung như vậy. Vừa qua, Thanh tra Chính phủ TTCP nhận được 92 báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế thì trên 60% đơn vị đánh giá giống như trong dự thảo báo cáo của hội nghị. Qua điều tra khảo sát của các cơ quan nhà nước cũng như các tổ chức xã hội dân sự.

Báo cáo do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại hội nghị chỉ ra một nguyên nhân công tác PCTN chưa đạt kết quả mong muốn là vì cách thức, biện pháp phòng ngừa chưa hiệu quả, quy định về trách nhiệm giải trình của cán bộ vẫn chưa xác định được cơ chế thực hiện như nào?
 
“Dẹp” tâm lý ngại công khai tài sản mới thuận quản lý cán bộ
Phó Tổng thanh tra Trần Đức Lượng: "Phải xây dựng dần cách thức kiểm soát thu nhập, tài sản".

Trách nhiệm giải trình thể hiện trước hết ở khía cạnh người nhân danh quyền lực có trách nhiệm giải trình với những việc làm kể cả tốt và chưa tốt của mình. Nghị định quy định vấn đề này hiện đang giao cho Viện Khoa học thanh tra xây dựng và sẽ có những hội thảo, khi có chất lượng tốt sẽ trình Chính phủ thảo luận, bàn bạc.

Khía cạnh cụ thể, giải trình đối với những tài sản gia tăng so với bản kê khai thì Nghị quyết TƯ 3 khóa X cũng đã đề ra nhưng chưa có trong Luật PCTN. Vừa rồi xin ý kiến, Chính phủ cũng đồng ý việc phải sớm luật hóa nhóm giải pháp này.

Có ý kiến cho rằng, quy định về trách nhiệm giải trình đối với những tài sản gia tăng bất thường còn hình thức, chưa thực thi được vì vẫn chưa xác định được cơ chế thực hiện như nào?

Vấn đề kiểm soát kê khai thu nhập thì không chỉ ở trách nhiệm giải trình mà ở chỗ kiểm tra tính trung thực của bản kê khai như nào. Hiện trong luật PCTN đã có những chế định kiểm tra xác minh nhưng lại bị ràng buộc bởi những điều kiện hơi chặt nên Chính phủ cũng yêu cầu tới đây sẽ xem xét lại quy định về các điều kiện này. Ví dụ, có thể giao quyền cho người có thẩm uyền quản lý cán bộ được chủ động tiến hành thẩm tra xác minh để đánh giá bản kê khai của cấp dưới có trung thực hay không.

Lật lại vấn đề, cán bộ công chức hiện nay, thu nhập chủ yếu chỉ có thể từ lương. Có phải quá khó để tìm ra một phương án kiểm soát, quản lý hiệu quả?

Trong thực tế, vấn đề kiểm soát thu nhập trong toàn xã hội hiện nay cũng còn chưa tốt. Ví dụ, các nước người ta quản lý từ thuế, từ quy định bảo hiểm tài sản rất chặt chẽ. Những cách thức quản lý này của mình vẫn chưa được thì mình phải làm dần dần.

Với những tài sản, thu nhập gia tăng nếu không giải trình được, hướng xử lý sẽ thế nào?

Cái đó còn liên quan đến chính sách hình sự, đến quyền sở hữu tài sản của cá nhân. Còn hướng đề xuất sung công quỹ theo như công ước quốc tế, để áp dụng được thì chúng ta cũng phải bàn cách nội luật hóa quy định thế nào. Đó là những vấn đề khó.

Theo ông, việc công khai tài sản thu nhập có nên tiến hành từ những vị lãnh đạo đứng đầu?

Nguyên tắc, theo nghị quyết của Đảng, mọi cán bộ đảng viên có nhiệm vụ phải kê khai thì đều phải thực hiện kê khai, niêm yết tại nơi cư trú và nơi công tác, không ai là ngoại lệ. Nghị quyết TƯ 3 quy định niêm yết bản kê khai tại nơi công tác, Nghị quyết TƯ 4 quy định thêm việc niêm yết tại nơi cư trú rõ ràng cũng là tiến được một bước rồi.

Còn thực tế tâm lý ngại công khai thì có. Đó là tâm lý rất thật, như một số đại biểu đã phát biểu tại hội nghị, mà dần dần chúng ta phải khắc phục. Song chắc chắn càng công khai càng thuận lợi cho quản lý, đánh giá cán bộ. Ở đây, vai trò của công tác tuyên truyền rất quan trọng.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm