“Đêm trắng” cùng bác sĩ khoa cấp cứu
(Dân trí) - Cánh cửa sau xe cứu thương bật mở, một bệnh nhân mình mẩy bê bết máu, khuôn mặt biến dạng nằm bất động. Chiếc băng ca được đưa tới, người bệnh lập tức nhận được sự chăm sóc của bác sĩ. Ngoài sảnh khoa Cấp cứu những chuyến xe vẫn nối đuôi nhau đi về.
Nằm trên chiếc băng ca ngay ngoài cửa phòng mổ là một thanh niên bị tai nạn giao thông do say xỉn. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị chấn thương sọ não. Vẫn chưa tỉnh rượu, bệnh nhân liên tục kêu gào, chửi thề làm kinh động cả khoa cấp cứu. Bên cạnh anh này, một bệnh nhân khác bị chém trong một vụ ẩu đả, nằm bất động do mất nhiều máu.
Bệnh nhân nặng từ các tỉnh liên tục được chuyển tới trong đêm
Ngoài sảnh khoa cấp cứu, một bệnh nhân từ tỉnh Bến Tre được chuyển tới, vụ tai nạn giao thông đã khiến khuôn mặt chị gần như biến dạng hoàn toàn, người mẹ già chân tay run rẩy nhìn theo chiếc băng ca đang lướt nhanh. Chưa hết hoảng loạn, bà cho biết: “Đó là con gái tôi, lúc 8 giờ tối nó đi làm về thì bị một thanh niên say rượu chạy xe gắn máy tông phải, giờ nó còn hôn mê”. Chưa nói dứt lời bà ôm mặt nức nở: “Con ơi là con… mày mà có mệnh hệ gì thì lấy ai lo cho hai đứa nhỏ”.
Trong khu tiếp nhận bệnh nhân, các giường bệnh đã không còn chỗ trống, một hộ lý đang chăm sóc một bệnh nhân nam bị chấn thương sọ não, mê sảng, do tai nạn lao động. Để cố định bệnh nhân trên băng ca, chị hộ lý đã cột tay anh vào thành giường. Bệnh nhân rướn cổ, mắt trợn trừng như muốn kêu gào nhưng không ra hơi nên cái đầu chỉ lúc lắc.
Những chiếc băng ca nhanh chóng được đưa đến khu tiếp nhận bệnh
Tại phòng Hồi sức cấp cứu, các bác sĩ đang khẩn trương cứu chữa cho một bệnh nhân đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, cụ bị nhồi máu cơ tim. Tất cả bác sĩ và điều dưỡng của khoa liên tục kiểm tra sức khỏe và phân loại bệnh nhân, những ca nặng cần can thiệp bằng phẫu thuật nhanh chóng được chuyển đến phòng mổ cấp cứu.
BS Phạm Văn Tính, trưởng ca trực từ 21 giờ ngày 25/2 đến 5 giờ ngày 26/2, cho biết: “Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận hơn 300 bệnh nhân nhập viện cấp cứu, Vào dịp lễ tết hoặc những ngày cuối tuần, số bệnh nhân có thể tăng cao hơn. Ngoài TPHCM, những ca bệnh nặng từ các tỉnh phía Nam, miền Trung và Tây Nguyên đều chuyển về Chợ Rẫy”.
Các giường bệnh đã không còn chỗ trống
Khác với những khoa điều trị thông thường, khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy làm việc không có giờ bắt đầu và cũng không có giờ kết thúc. Bệnh nhân với số lượng động liên tục được đưa đến không kể giờ giấc. Vì vậy khoa hoạt động liên tục theo chế độ 3 ca, 4 kíp các bác sĩ, điều dưỡng của khoa cứ đến ca là có mặt bất chấp đó là ngày nghỉ, ngày lễ hay ngày tết.
Hơn 300 bệnh nhân – 300 sinh mạng mỗi ngày phó thác cho sứ mệnh cao cả của những “người thầy” mặc áo blouse trắng. Chính vì thế khoa Cấp cứu của BV Chợ Rẫy đã trang bị những máy móc hiện đại nhất, từ máy chụp cắt lớp điện toán, máy siêu âm, X-Quang, máy trợ thở, máy đo điện tim, cho đến máy xét nghiệm...
Một trường hợp bị TNGT đang được hồi sức tích cực
Để không lãng phí “thời gian vàng” của người bệnh, khoa còn xây dựng một phòng mổ “cấp cứu sinh mạng” ngay tại chỗ. “Các phẫu thuật viên chuyên khoa luôn trong tư thế trực chiến. Với phòng mổ này chúng tôi đã cứu sống không biết bao nhiêu con người, kể cả những trường hợp bị đâm vỡ tim” - BS Tính cho biết.
Phía sau khoa cấp cứu, người nhà bệnh nhân nằm la liệt
Bốn giờ sáng, phía sau khoa cấp cứu, người nhà bệnh nhân ngồi, nằm la liệt. Nhiều người vẫn mỏi mắt nhìn theo bóng bác sĩ ẩn hiện sau cánh cửa phòng mổ, đâu đó văng vẳng tiếng khóc hờ của thân nhân người gặp nạn, xa xa tiếng còi hú của xe cấp cứu còn vọng lại...
Vân Sơn