“Đếm” số giấy tờ có thể bỏ sau khi cấp mã số định danh
(Dân trí) - Ban chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quản lý dân cư quốc gia giai đoạn 2013-2020 (đề án 896) chính thức ra mắt và họp phiên thứ nhất tại trụ sở Chính phủ sáng nay, 6/9.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sự ra mắt chính thức của Ban chỉ đạo là để báo cáo với toàn thể nhân dân về việc thực hiện Đề án 896 giai đoạn 2013-2020, trong đó phần việc quan trọng nhất là cấp số định danh cho mỗi cá nhân. Khẳng định đây là vấn đề rất mới và có ý nghĩa rấ lớn, Phó Thủ tướng khái quát hướng thảo luận về quy chế hoạt động của BCĐ, kế hoạch triển khai thực hiện việc cấp triển khai cấp mã số.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 896 là một đề án rất quan trọng, tạo điều kiện để đơn giản về thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân.
“Trước đây người dân phải có hàng chục loại giấy tờ thì nay chỉ cần một thẻ có thể lưu trữ tất cả”- Phó Thủ tướng lưu ý thêm, đề án nhằm bảo đảm người dân chỉ phải kê khai thông tin về thân nhân một lần duy nhất, không phải kê khai lại vì tất cả được tích hợp, lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Đặc biệt, đề án nhằm đổi mới cơ bản về quản lý Nhà nước về quản lý dân cư.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nhận định, người dân đang rất chờ đợt đợi vào kết quả thực hiện đề án lần này. Luật Hộ tịch vừa được Chính phủ chỉnh lý và trình UB Thường vụ Quốc hội tháng trước, tinh thần cũng dựa trên đề án 896.
Trở lại câu hỏi cấp số định danh công dân xong sẽ giảm được bao nhiêu giấy tờ cho công dân, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, đến cuối năm khi rà soát lại các thủ tục đòi hỏi giấy tờ về hộ tịch sẽ xác định được mức độ cắt giảm, nhưng “chắc chắn là sẽ giảm”.
Theo ông Cường, số định danh cá nhân đang được khẩn trương xây dựng, trên cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ Công an đang tổ chức thu thập, triển khai. Tính toán sơ bộ, đề án hoàn thành sẽ giúp tiết kiệm mỗi năm 1.600 tỷ đồng cho người dân.
“Hiện chúng tôi đang liên hệ với GS Ngô Bảo Châu để phối hợp với Viện nghiên cứu cấp cao về Toán ứng dụng toán học cao cấp vào triển khai đề án này. Mục tiêu là làm hết sức mình để mang lại lợi ích cho người dân” - Bộ trưởng Tư pháp thông tin thêm.
Phiên họp đầu tiên của BCĐ 896 cũng xác định nội dung, Chính phủ không chủ trương thành lập cơ sở dữ liệu quốc gia mới, mà sẽ tích hợp các trường dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia của Bộ Công an (về quản lý hộ tịch, hộ khẩu), của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (về quản lý lao động), của Bộ Ngoại giao (về quản lý visa, thị thực..).. Mục tiêu là xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất, chính xác, khoa học, không tốn kém và tránh trùng lắp.
Hiện nay, số định danh cá nhân đang được khẩn trương xây dựng. Nguồn lực ngân sách bố trí cho đề án nhiều khả năng sẽ hướng đến vay ODA.
Gạt lo ngại về khoản vay ước chừng 3.500 tỷ đồng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường so sánh, đây là số tiền tương đương vốn đầu tư để làm 30km đường cao tốc. Cả nước đã làm được nhiều tuyến đường cao đốc, không lý gì không thực hiện được đề án này trong khi hiệu quả tiết kiệm mỗi năm 1.600 tỷ đồng đã thấy rõ ràng.
Ông Cường kêu gọi cần làm sớm, làm tổng thể cả nước để tránh tránh chắp vá vì càng chắp vá càng thêm tốn kém. Nếu TƯ làm chậm, ông Cường nhận định, một số địa phương vì bức bách sẽ buộc phải làm trước, lúc đó, mỗi sự chắp vá càng gây thêm lãng phí.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Định Thụ nhắc lại, cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia liên quan đến dữ liệu của nhiều bộ ngành nên cần rà soát và tích hợp hợp lý. Đồng ý với nhận định số định danh là nội dung quan trọng nhất của đề án nhưng ông Thụ lo ngại, có số định danh rồi mới lấy thông tin này để làm, cấp các loại thẻ thì sẽ tồn tại nhiều loại thẻ, không khác gì nhiều loại giấy tờ hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đề xuất, để phù hợp với mã số định danh, việc cần làm ngay lúc này là cấp thẻ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế điện tử.
Giải đáp những băn khoăn, khúc mắc này, thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an “trấn an”, số định danh cá nhân không phải ý tưởng Bộ này nghĩ ra mà là mô hình đã tham khảo, học hỏi từ 19 nước triển khai. Số định danh đảm bảo 500 năm không trùng lặp ai. Khi đã cấp xong kho số, các bộ ngành khác muốn cấp các loại thẻ chỉ cần lấy dữ liệu từ số định danh này để làm.
Ông Vệ chỉ lo ngại trông chờ nguồn vốn ODA sẽ chậm vì thủ tục phức tạp.
Vẫn còn băn khoăn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà khuyến cáo, mục tiêu của đề án đặt ra quá lớn. Ông Hà cho rằng không nên dàn trải mà cần đi vào trọng tâm, cần tìm ra nội hàm của cơ sở dữ liệu. Trên thế giới đã có nhiều mô hình, cần tham khảo kinh nghiệm thế giới để tìm ra mô hình phù hợp nhất.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chốt lại, đề án mới nên sẽ khó nhưng Chính phủ quyết tâm làm, làm để tránh tình trạng lãng phí, cát cứ, khắc phục bất cập sự phối hợp yếu kém giữa các lĩnh vực quản lý hiện nay. Vấn đề bây giờ là chọn mô hình và cách làm, giải quyết các vướng mắc để sao có một bộ cơ sở dữ liệu quốc gia tốt nhất, tính khoa học, thống nhất cao.
P.Thảo